.

Trao "cần câu" cho phụ nữ nghèo

.

Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững là những nhiệm vụ trọng tâm Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) quận Hải Châu triển khai xuyên suốt các năm qua; từ đó nhiều chị em vươn lên, ổn định cuộc sống.

Được tặng chiếc máy vắt sổ, chị Hằng thuận tiện trong công việc may mặc, cải thiện kinh tế gia đình.
Được tặng chiếc máy vắt sổ, chị Hằng thuận tiện trong công việc may mặc, cải thiện kinh tế gia đình.

Trong căn gác nóng bức chưa đầy 8m2, chị Nguyễn Thị Hằng (trú đường Trưng Nữ Vương, phường Bình Thuận, quận Hải Châu) vội hoàn tất mấy bộ quần áo kịp giao cho khách hàng. Chị Hằng chia sẻ, gia đình nhỏ của chị gồm 4 nhân khẩu đang sống chung với ba mẹ chồng và gia đình chị chồng trong căn nhà chật hẹp. Đời sống kinh tế khó khăn, hai vợ chồng lo chạy ăn từng bữa để có tiền đóng học phí cho con nên phải dè xẻn từng đồng. Trước hoàn cảnh của chị Hằng, Hội LHPN phường Bình Thuận đã hỗ trợ chị một chiếc máy vắt sổ. “Sẵn có nghề may, nay có thêm máy vắt sổ, tôi tiết kiệm được thời gian và kinh phí trong quá trình may đồ. Nhờ đó, cuộc sống gia đình đỡ chật vật hơn”, chị Hằng chia sẻ.

Không riêng chị Hằng, nhiều chị em cũng được các cấp Hội trao “cần câu”, tạo điều kiện làm ăn, có khi là chiếc xe nước mía, xe bán bánh mì, khi thì máy may, xe máy…

Không chỉ trao phương tiện sinh kế cho phụ nữ nghèo, Hội Phụ nữ cấp cơ sở còn tiếp cận và quan tâm kết nối các nữ doanh nhân thuộc doanh nghiệp nhỏ và các tổ, nhóm phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế.

Tại cơ sở kết cườm và đan len của chị Đặng Thị Kim Loan (tổ 39, phường Nam Dương, quận Hải Châu), gần 10 chị em cùng làm gia công các mặt hàng túi xách. Theo chị Loan, các chị trong nhóm hầu hết làm nghề buôn bán hàng ăn buổi sáng nên buổi chiều khá rảnh rỗi. Vì thế, chị em tập họp lại cùng làm, mỗi tháng kiếm hơn 1 triệu đồng/người, có thêm đồng ra đồng vào trang trải cuộc sống.

Chị Đoàn Thị Hồng Vân, Phó Chủ tịch Hội LHPN quận Hải Châu cho biết, nhận thấy hiệu quả của các tổ, nhóm phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế, Hội LHPN quận đã định hướng phát triển mô hình này. Đến nay, Hội thành lập được 5 tổ dịch vụ nấu ăn, một tổ dịch vụ trang trí đám cưới, một tổ làm nghề thủ công, một tổ gia công cắt, dán, xếp giấy, một nhóm giúp phụ nữ vượt khó. Ngoài ra, mô hình “Dịch vụ giúp việc gia đình” hiện lên đến 13 tổ với 246 thành viên, giúp nhiều chị có việc làm với thu nhập mỗi tháng từ 2,5 - 4,5 triệu đồng/người.

Bằng cách trao “cần câu” thay vì cho “con cá”, 5 năm qua, Hội LHPN Hải Châu hỗ trợ trên 8.400 lượt phụ nữ nghèo, khó khăn, nữ doanh nhân có vốn buôn bán, kinh doanh.

Để tạo điều kiện cho chị em giảm nghèo, phát triển kinh tế, các cấp Hội Phụ nữ đã huy động nhiều nguồn lực từ vốn vay của thành phố, quận đến sự hỗ trợ của các mạnh thường quân…; song, chủ yếu nguồn vốn có được vẫn là bằng nội lực của các cấp Hội. Chẳng hạn, Phụ nữ Hải Châu vận động 100% chi hội, 80% hội viên tham gia ít nhất một loại hình tiết kiệm, đặc biệt là tổ góp vốn quay vòng, tổ tiết kiệm tín dụng, với tổng mức huy động hơn 88 tỷ đồng/năm. Từ nguồn vốn này, phụ nữ nghèo được luân phiên hỗ trợ. Bên cạnh đó, các chị cũng hình thành mô hình nuôi heo đất, hũ gạo tình thương, thu gom rác thải gây quỹ. Nhờ đó, vài chục cân gạo, vài món đồ dùng hằng ngày được chị em san sẻ cho nhau và cho những người kém may mắn.

“Dựa vào tình hình thực tế mỗi địa phương, các cấp Hội có những chương trình, hoạt động phù hợp giúp chị em thoát nghèo bền vững. Trên hết, các mô hình giúp gắn kết chị em, tạo tính cộng đồng. Trong thời gian đến, Hội LHPN quận chú trọng vai trò cầu nối trung gian giữa hội viên phụ nữ với các doanh nghiệp, nhằm tạo việc làm và có đầu ra cho sản phẩm; đồng thời khảo sát trao phương tiện, nguồn vốn vay đúng đối tượng; quản lý tốt vốn vay ủy thác cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, tập trung thu hồi nợ xâm tiêu, nợ quá hạn, tạo niềm tin và sự hiệu quả trong hỗ trợ phụ nữ nghèo trên địa bàn quận”, chị Hồng Vân cho biết.

Bài và ảnh: NGỌC HÀ

;
.
.
.
.
.