.

Sau hơn một tuần ra quân xử lý nồng độ cồn: Xử nặng, răn đe có hiệu quả

.

“Có thể nhìn nhận rằng, hơn một tuần ra quân kiểm tra và xử lý vi phạm về nồng độ cồn đã mang lại hiệu quả tích cực, người tham gia giao thông cơ bản chấp hành các quy định khi điều khiển phương tiện”, Thượng tá Lê Văn Lực, Phó phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an thành phố cho biết.

Sau hơn một tuần xử lý nồng độ cồn, ý thức chấp hành của người dân đã nâng lên rõ rệt . Trong ảnh: Một trường hợp vi phạm nồng độ cồn bị Cảnh sát giao thông xử lý. Ảnh: ĐẮC MẠNH
Sau hơn một tuần xử lý nồng độ cồn, ý thức chấp hành của người dân đã nâng lên rõ rệt . Trong ảnh: Một trường hợp vi phạm nồng độ cồn bị Cảnh sát giao thông xử lý. Ảnh: ĐẮC MẠNH

“Ma men” chùn bước

Thiếu tá Hồ Thanh Hiền, Đội trưởng Đội Tuần tra dẫn đoàn (Phòng CSGT Công an thành phố Đà Nẵng) cho biết, hơn một tuần ra quân thực hiện cao điểm tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm giao thông, lực lượng CSGT đã xử lý 231 trường hợp (177 mô-tô, 54 ô-tô), tạm giữ 177 mô-tô, 54 ô-tô, xử phạt số tiền gần 1 tỷ đồng. Qua sơ bộ đánh giá, tuần đầu ra quân xử lý nồng độ cồn, hầu hết người vi phạm đều chấp hành khá tốt.

Sáng 23-8, ông C. (trú thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) cầm tờ biên lai nộp phạt lên đến 17 triệu đồng (mức cao nhất) buồn bã rời phòng xử lý vi phạm. Ông C. cho biết, tối 17-8, ông điều khiển ô-tô BKS 92A-013… trong tình trạng có mùi men nên bị CSGT Công an Đà Nẵng dừng đo nồng độ cồn. Ông đã hoảng hốt khi thấy mức phạt quá nặng như vậy. “Tôi lái ô-tô nhiều năm rồi, nhưng lần đầu tiên bị phạt vì nồng độ cồn. Mức phạt quá cao làm tôi choáng. Đau vì mất tiền nhưng cũng là bài học lớn, bởi khi tỉnh ra mới thấy tác hại của việc uống rượu bia khi lái ô-tô là rất nguy hiểm cho bản thân và người đi đường. Tôi hứa từ nay đã lái xe là không bao giờ uống rượu bia nữa”, ông C. nói.

Trước đó, ông N. (trú quận Hải Châu) cũng đến Đội xử lý vi phạm giao thông (Phòng CSGT) để nộp phạt số tiền 1,5 triệu đồng vì lỗi vi phạm nồng độ cồn. Tuy đây chưa phải là mức phạt hết khung nhưng cũng để lại cho ông một bài học lớn. “Tối 17-8, do có công việc nên tôi uống mấy chai với bạn bè trước khi điều khiển xe máy về, thế là bị lực lượng chức năng ở Trạm CSGT cửa ô Hòa Phước dừng lại đo nồng độ cồn. 1,5 triệu đồng đối với tôi cũng là số tiền lớn, do vậy, từ nay có uống rượu bia thì tôi uống tại nhà hoặc nếu đi uống thì sẽ đón taxi về”, ông N. tự dặn lòng khi nhìn tờ biên lai nộp phạt.

Đây chỉ là hai trong số nhiều đối tượng vi phạm nồng độ cồn bị CSGT Công an thành phố xử phạt trong hơn tuần đầu ra quân. Qua đó cho thấy, mức phạt cao có tính răn đe rất mạnh.

Vi phạm ngày càng giảm

Thượng tá Lê Văn Lực, Phó phòng CSGT cho biết, đợt ra quân theo kế hoạch của Bộ Công an được thực hiện từ ngày 16-8 đến hết ngày 15-9, ngoài 6 tổ do Phòng CSGT đảm nhiệm thì CSGT Công an của 7 quận, huyện cũng tiến hành kiểm tra nồng độ cồn tại các địa bàn phụ trách.

Trung tá Trần Đức, Đội trưởng Đội CSGT Công an quận Liên Chiểu cho biết, sau 1 tuần ra quân xử lý quyết liệt, tình hình trật tự ATGT trên địa bàn đã chuyển biến tích cực. Hằng đêm, lực lượng của Đội phối hợp với lực lượng Trạm CSGT cửa ô Kim Liên và Cảnh sát trật tự trực tại ngã ba Nguyễn Sinh Sắc - Nguyễn Tất Thành xử lý vi phạm về trật tự giao thông. “Chuyển biến rõ nét nhất là ý thức người tham gia giao thông được nâng cao. Đơn cử, trong đêm 21-8, chúng tôi dừng kiểm tra gần 50 trường hợp thì chỉ có 4 trường hợp điều khiển mô-tô vi phạm nồng độ cồn”, Trung tá Đức cho hay.

Trong khi đó, Trung tá Cao Nguyên Minh, Đội trưởng Đội CSGT Công an huyện Hòa Vang cho biết, trong tuần đầu tiên, lực lượng ra quân xử lý nồng độ cồn tại tuyến đường 14B và đoạn đường ĐT605. Qua kiểm tra trên 150 trường hợp thì chỉ có 7 trường hợp (1 ô-tô và 6 mô-tô) vi phạm. Về cơ bản, người dân nắm thông tin và thấy lực lượng ra quân liên tục nên chấp hành tốt…

Thượng tá Lê Văn Lực cho biết thêm, thời gian đến, để xử lý hiệu quả hơn chuyên đề này, lực lượng CSGT sẽ liên tục thay đổi địa điểm xử lý, tránh tình trạng các “ma men” đối phó khi biết CSGT chỉ đứng một điểm cụ thể. Tuy nhiên, bên cạnh việc xử lý kiên quyết, CSGT sẽ lồng ghép tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức, hành vi của người điều khiển phương tiện giao thông; qua đó giúp họ nhận thức được rằng, khi đã uống rượu, bia thì không nên lái xe, tránh nguy cơ gây ra tai nạn giao thông cho chính bản thân và những người xung quanh. “Mình sống trong một thành phố văn minh, thành phố an toàn, đáng sống thì điều khiển phương tiện cũng phải có văn hóa giao thông”, Thượng tá Lê Văn Lực khuyến cáo.

ĐẮC MẠNH - NGỌC PHÚ

;
.
.
.
.
.