.

Giúp đỡ người nhiễm HIV

.

Nhìn những khuôn mặt ngây thơ và nghe tiếng hát, tiếng cười rộn rã trong buổi giao lưu tại Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS thành phố Đà Nẵng, ít ai biết rằng các em đang mang trong mình căn bệnh thế kỷ.

Từ khi lọt lòng, bé N. đã mang trong mình HIV. Chị H. (35 tuổi, quận Thanh Khê) mẹ của N., sau khi thử máu chuẩn bị sinh thì đau đớn phát hiện nhiễm HIV. Chồng chị, một người chị luôn hết mực thương yêu đã thú nhận có “qua đêm” một lần duy nhất với gái bán dâm trong một chuyến công tác dài ngày. Ai ngờ, do không dùng biện pháp bảo vệ nên anh bị nhiễm bệnh từ đó. Bây giờ, chồng đã mất được 1 năm do căn bệnh này, chị H. chỉ còn bé N. là niềm vui, hạnh phúc duy nhất. Nhìn con chơi đùa cùng các bạn thật hồn nhiên trong buổi giao lưu do Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS thành phố Đà Nẵng tổ chức, chị H. không khỏi ngậm ngùi.

Trong khi đó, bé M. (quê Quảng Nam) thì luôn nép sau vòng tay mẹ bởi cô bé rất nhút nhát, ít tiếp xúc với người lạ. “M. đã 3 tuổi nhưng vẫn chưa đi nhà trẻ bởi thể trạng ốm yếu từ nhỏ, lại mang trong mình căn bệnh lây nhiễm này nên cháu luôn ở nhà với bà ngoại và ít ra đường”, chị L., mẹ bé M. tâm sự. Chị L. cho biết, hiếm khi bé được tham dự một cuộc vui như thế nên cháu rất thích dù vẫn còn ngại ngùng.

Không chỉ tham gia các trò chơi, ăn bánh kẹo, hơn 100 em nhỏ bị nhiễm HIV có mặt trong buổi giao lưu còn được tặng quà và tiền mặt với tổng trị giá gần 40 triệu đồng. Trong đó, Công ty CP Sữa Việt Nam - Nhà máy Sữa Đà Nẵng và các nhà hảo tâm hỗ trợ tiền và quà trị giá gần 25 triệu đồng, số còn lại được chi từ nguồn kinh phí của Trung tâm. Nhân dịp này, Trung tâm cũng khen thưởng cho 10 em nhiễm HIV và bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS có thành tích tốt trong học tập năm học vừa qua.

Tổ chức vui chơi cho trẻ em bị nhiễm HIV là một trong các hoạt động chăm sóc, hỗ trợ điều trị HIV/AIDS và dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con do Trung tâm tổ chức. Bà Phạm Thị Đào, Giám đốc Trung tâm cho biết, trong 5 năm qua, đơn vị đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ, chăm sóc, điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS tại gia đình và cộng đồng như: lập hồ sơ quản lý người nhiễm HIV/AIDS, giới thiệu chuyển tiếp dịch vụ dự phòng và điều trị HIV/AIDS cùng các dịch vụ xã hội khác khi bệnh nhân có nhu cầu. Hoạt động này cũng nhận được sự hỗ trợ tích cực từ chính quyền địa phương như: thăm, tặng quà cho người nhiễm HIV/AIDS nhân các dịp lễ, Tết..., hỗ trợ tiền sửa chữa nhà, tặng sách vở, áo quần cho trẻ nhiễm HIV nhân dịp năm học mới...

Theo thống kê của Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS thành phố, trong giai đoạn 2011-2015, tình hình nhiễm HIV mới trên địa bàn có xu hướng giảm dần và ổn định qua các năm với khoảng 120-130 trường hợp nhiễm mới mỗi năm. Hoạt động can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS trong các nhóm có hành vi nguy cơ cao được triển khai có hiệu quả với sự hỗ trợ phần lớn kinh phí của các tổ chức quốc tế tại các quận Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà và Liên Chiểu. Ngoài ra, tỷ lệ nhiễm HIV trong các nhóm có hành vi nguy cơ cũng có chiều hướng giảm và duy trì ở mức thấp.

Kết quả giám sát trọng điểm của ngành Y tế qua các năm cho thấy, tỷ lệ người nhiễm HIV trong nhóm nghiện chích ma túy liên tục giảm và năm 2015 là 2% (năm 2014 là 2,6%). Tuy nhiên hiện nay, công tác phòng chống HIV vẫn còn gặp nhiều khó khăn do người nhiễm HIV/AIDS mặc cảm nên thường né tránh khi cán bộ y tế đến thăm nhà. Vì vậy, có lúc việc quản lý, chăm sóc rất khó thực hiện. “Một số người nhiễm HIV cố tình ghi không đúng địa chỉ hay thay đổi địa điểm cư trú làm cho việc quản lý, theo dõi, chăm sóc của chúng tôi có lúc gặp khó khăn. Ngoài ra, việc phát hiện sớm người nhiễm HIV còn gặp nhiều trở ngại do các cá nhân có hành vi nguy cơ không biết hoặc biết nhưng vì mặc cảm chưa tự giác chủ động tìm đến cơ sở y tế để được tư vấn và xét nghiệm HIV“, bà Đào cho biết.

KIM NGÂN – CHÂU GIANG

;
.
.
.
.
.