.

Tình hình đất nước đặt lên vai Quốc hội nhiệm vụ nặng nề

.

● Hôm nay, bầu Chủ tịch, Phó Chủ tịch Quốc hội

Sáng 20-7, kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV khai mạc trọng thể tại Nhà Quốc hội ở thủ đô Hà Nội.
Phát biểu tại phiên khai mạc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng chào mừng thắng lợi toàn diện, to lớn của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021; chúc mừng các ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp trong cả nước vừa trúng cử; hoan nghênh và cảm ơn toàn thể cử tri, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội, Hội đồng Bầu cử quốc gia, các cơ quan, tổ chức liên quan đã hoàn thành tốt trọng trách của mình trong cuộc bầu cử này.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với các đại biểu.         Ảnh: TTXVN
Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với các đại biểu. Ảnh: TTXVN

Tổng Bí thư phân tích bối cảnh tình hình hoạt động của Quốc hội khóa XIV, đồng thời gợi mở một số định hướng lớn cần quan tâm thực hiện trong nhiệm kỳ này. Đó là phải tập trung xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, khả thi để tiếp tục thể chế hóa Cương lĩnh chính trị, các quan điểm, đường lối của Đảng, cụ thể hóa Hiến pháp, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, vai trò và hiệu lực quản lý của Nhà nước, bảo đảm giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường quốc phòng - an ninh, đẩy mạnh hội nhập quốc tế, xây dựng Nhà nước ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Tổng Bí thư đề nghị tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội; đổi mới hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp Quốc hội, các phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH); đề cao hơn nữa trách nhiệm và nâng cao chất lượng quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, nhất là những vấn đề về kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước.

Tổng Bí thư chỉ rõ, cần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của UBTVQH; tăng thẩm quyền, đề cao trách nhiệm, tăng cường năng lực hoạt động của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban trong việc thẩm tra các dự án luật, các đề án, công trình quan trọng quốc gia. Quốc hội và các cơ
quan của Quốc hội có mối quan hệ công tác chặt chẽ với Chủ tịch nước, Chính phủ, TAND tối cao, Viện KSND tối cao, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; tăng cường phối hợp với các cơ quan, tổ chức hữu quan, kịp thời trao đổi về những vấn đề cần thiết để giải quyết hiệu quả việc thực hiện nhiệm vụ chung và của mỗi cơ quan theo quy định của pháp luật.

Đối với cá nhân ĐBQH - người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, chịu trách nhiệm trước cử tri và trước Quốc hội về việc thực hiện nhiệm vụ của mình, dù ở cương vị công tác nào cũng cần ý thức đầy đủ về quyền hạn và trách nhiệm của người đại biểu nhân dân; thực hiện tốt chương trình hành động, thường xuyên liên hệ với cử tri; lắng nghe, phản ánh trung thực ý kiến, kiến nghị của cử tri; chịu sự giám sát của cử tri; tích cực, chủ động đóng góp công sức, trí tuệ, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội; đồng thời nêu cao phẩm chất đạo đức, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; gương mẫu học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ và năng lực công tác; nghiêm chỉnh chấp hành nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kiên quyết đấu tranh chống mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, tham nhũng, lãng phí và các hành vi tiêu cực khác.
Tổng Bí thư nhấn mạnh, yêu cầu xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới đang đặt lên vai Quốc hội và các ĐBQH khóa XIV những nhiệm vụ rất nặng nề và cao cả. Cử tri cả nước đang kỳ vọng Quốc hội khóa mới sẽ kế thừa, phát huy những thành quả của Quốc hội các khóa trước, tiếp tục có nhiều giải pháp đột phá, đổi mới nội dung và phương thức hoạt động để nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả hoạt động.

Giữ vững chủ quyền biển, đảo của quốc gia

Tại phiên khai mạc, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã đọc báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân trong cuộc bầu cử ĐBQH khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho biết, cử tri và nhân dân cả nước rất lo lắng, bất bình trước việc Trung Quốc tiếp tục gia tăng các hoạt động bồi đắp, xây dựng các công trình, bố trí vũ khí, quân đội tại các đảo, bãi đá trái luật pháp quốc tế thuộc quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và tàu thuyền của Trung Quốc hành hung, cướp phá tài sản, ngư cụ của ngư dân Việt Nam. “Cử tri và nhân dân mong muốn Đảng, Nhà nước tiếp tục có các giải pháp đấu tranh đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả, vừa bảo đảm giữ vững chủ quyền biển, đảo của quốc gia, vừa bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước; mở rộng và tăng cường các hoạt động tuyên truyền đối ngoại để cộng đồng quốc tế hiểu và ủng hộ sự chính nghĩa, ý chí quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển, đảo của nhân dân ta; sớm đưa nước ta trở thành nước mạnh về kinh tế biển trong khu vực”, ông Nguyễn Thiện Nhân nói.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân khẳng định cử tri rất bất bình và bức xúc trước việc Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh che giấu việc xả thải gây ô nhiễm môi trường và gây hậu quả nghiêm trọng về nhiều mặt ở 4 tỉnh miền Trung. “Cử tri và nhân dân hoan nghênh Chính phủ đã chỉ đạo xác minh, kết luận và công bố công khai nguyên nhân hải sản chết hàng loạt và chỉ rõ Công ty Formosa đã vi phạm pháp luật về đầu tư và bảo vệ môi trường, vì vậy đã gây ra sự cố môi trường biển chưa từng có ở Việt Nam. Đồng thời, đề nghị Chính phủ, chính quyền địa phương tiếp tục có các giải pháp tích cực, cụ thể để giải quyết hậu quả trước mắt và lâu dài, bảo vệ môi trường, bảo đảm cuộc sống của người dân và sự phát triển của địa phương; giám sát Công ty Formosa thực hiện đầy đủ các cam kết. Làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân đã buông lỏng trách nhiệm quản lý Nhà nước về đầu tư và bảo vệ môi trường”, ông Nhân phản ánh.

Bổ nhiệm người thân làm giảm niềm tin của nhân dân

Theo phản ánh của cử tri, bộ máy hành chính Nhà nước ở nhiều bộ, ngành, địa phương, đơn vị vẫn chưa tinh gọn. Việc phân định chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước có lĩnh vực còn chồng chéo hoặc chưa bao quát hết các hoạt động trong thực tiễn. Cơ chế xác định trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan quản lý Nhà nước các cấp và người đứng đầu cấp ủy Đảng cùng cấp còn chưa rõ là một nguyên nhân của sự trì trệ trong quản lý Nhà nước và tiêu cực, tham nhũng.

Một số cán bộ cơ quan bảo vệ pháp luật vi phạm pháp luật, vi phạm quyền sản xuất, kinh doanh hợp pháp, gây bất bình trong nhân dân. “Tình trạng bổ nhiệm người thân trong gia đình vào các vị trí lãnh đạo mà không bảo đảm quy trình và các tiêu chuẩn về đạo đức, trình độ năng lực, uy tín đã làm giảm niềm tin của nhân dân. Công tác thanh tra, kiểm tra ở một số bộ, ngành, địa phương còn chưa sâu sát, thiếu quyết liệt; việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của một số cơ quan chức năng và chính quyền địa phương còn chậm, một số vụ việc tồn đọng kéo dài”, ông Nguyễn Thiện Nhân nói.

Cử tri và nhân dân mong muốn các hạn chế này sẽ được Quốc hội khóa XIV, HĐND các cấp và các cơ quan Nhà nước quan tâm, ngay từ những phiên họp đầu nhiệm kỳ phải đưa vào chương trình, kế hoạch hoạt động của mình để giải quyết một cách triệt để. Đề nghị Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan tư pháp tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp quyết liệt phòng, chống tham nhũng, lãng phí; tăng cường công tác quản lý, giám sát việc bố trí cán bộ, công chức, nhất là đối với các chức danh lãnh đạo ở các cơ quan Nhà nước, các doanh nghiệp Nhà nước, chính quyền địa phương; tiếp tục chỉ đạo các ngành chức năng tập trung giải quyết dứt điểm các khiếu nại, tố cáo tồn đọng.

494 người trúng cử đại biểu Quốc hội

Theo báo cáo kết quả xác nhận tư cách ĐBQH khóa XIV do Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển trình bày, Hội đồng Bầu cử quốc gia đã xem xét, thảo luận, cân nhắc thận trọng biểu quyết bằng phiếu kín để xác nhận tư cách ĐBQH đối với 496 người trúng cử ĐBQH khóa XIV. Kết quả, Hội đồng Bầu cử quốc gia xác nhận 494 người trúng cử có đủ tư cách ĐBQH khóa XIV theo quy định của pháp luật.

Hội đồng Bầu cử quốc gia không xác nhận tư cách ĐBQH khóa XIV đối với ông Trịnh Xuân Thanh (đã trúng cử ĐBQH khóa XIV tại đơn vị bầu cử ĐBQH số 1 tỉnh Hậu Giang) vì không đủ tiêu chuẩn ĐBQH theo quy định của pháp luật; bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường (đã trúng cử ĐBQH khóa XIV tại đơn vị bầu cử ĐBQH số 5, thành phố Hà Nội) vì không đủ tiêu chuẩn ĐBQH theo quy định của pháp luật và đã có đơn xin rút khỏi danh sách trúng cử ĐBQH khóa XIV.

Hôm nay (21-7), ngày làm việc thứ hai, kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIV, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường, tập trung chủ yếu nghe báo cáo và quyết định công tác nhân sự.

Quốc hội sẽ thảo luận, biểu quyết thông qua danh sách để bầu Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên UBTVQH bằng hệ thống biểu quyết điện tử.

Sau đó, Quốc hội sẽ tiến hành bầu Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên UBTVQH bằng hình thức bỏ phiếu kín.

Kết quả bầu Chủ tịch Quốc hội sẽ được công bố vào sáng 22-7 và ngay sau đó, Chủ tịch Quốc hội khóa XIV sẽ tuyên thệ nhậm chức.

B.T tổng hợp

;
.
.
.
.
.