.

Sáng tạo không giới hạn

.

Chiếc ổ khóa tủ, khóa két sắt và chìa khóa giải mã mật thư có gì liên quan với nhau không? Đó là nguồn gốc phát sinh kỹ năng mã hóa và giải mã mật thư độc đáo trở thành tác phẩm “Trò chơi trí tuệ cao cấp”. Một câu chuyện tình toàn chữ T ban đầu tính viết khoảng 100 chữ là giỏi rồi, ai ngờ khi viết, nó tuôn chảy đến gần 9.000 từ bắt đầu với chữ T. Chuyện con cá vàng chết trở thành chuyện ngụ ngôn mang tính giáo dục rất nhẹ nhàng.

Linh mục Nguyễn Ngọc Phi nhận Bằng chứng nhận xác lập kỷ lục quốc gia từ đại diện Vietkings.  Ảnh: SƠN TRUNG
Linh mục Nguyễn Ngọc Phi nhận Bằng chứng nhận xác lập kỷ lục quốc gia từ đại diện Vietkings. Ảnh: SƠN TRUNG

Những tác phẩm này đều được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (Vietkings) công nhận kỷ lục Việt Nam. Linh mục Nguyễn Ngọc Phi (Quản xứ Lệ Sơn, xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang), chủ nhân của 3 kỷ lục này nói: Bất cứ ai có ý tưởng và nuôi dưỡng ý tưởng, sự sáng tạo sẽ rất dồi dào.

Chìa khóa mật mã độc đáo

Sau buổi lễ đón nhận liền một lúc 2 bằng công nhận xác lập kỷ lục Việt Nam đầy bận rộn, tôi mới hẹn gặp được Linh mục Phi để tìm hiểu câu chuyện về 3 kỷ lục Việt Nam này. Cảm nhận đầu tiên của tôi là vị linh mục rất năng động, nhiệt tình, vui tính, thật gần gũi. Linh mục bắt đầu câu chuyện sáng tạo chìa khóa mở mật thư, một trò chơi mà thanh niên tham gia hoạt động Đoàn thường gọi là “mật thư trò chơi lớn”.

Khi còn học ở Đại Chủng Viện Huế, Linh mục Phi đã có niềm đam mê với trò chơi này và thường bàn luận với đồng môn. Có lần khi nói đến chủ đề này, linh mục nhìn chiếc ổ khóa tủ trong phòng và nghĩ đến khóa két sắt. Chìa khóa mật thư cũng vậy, cũng từ đơn giản như chiếc khóa tủ đến phức tạp hơn như khóa két sắt. Tại sao mình không thể làm được khóa mã mật thư phức tạp như vậy? Câu hỏi trăn trở mãi trong suy nghĩ của linh mục Phi và cuối cùng những bức mật thư có độ phức tạp đòi hỏi nhiều chìa khóa hơn ra đời. Linh mục viết thành tập sách “Trò chơi trí tuệ” đầu tiên. Niềm đam mê viết khóa mã mật thư chưa dừng lại, một thời gian sau, tập sách “Trò chơi trí tuệ cao cấp” ra đời. Đây là tập sách hướng dẫn kỹ năng viết mật thư có mức độ khó cao và cần tới 12 chìa khóa để giải mã một bức mật thư.

Linh mục Phi đã dành hơn nửa giờ để giải thích về các chìa khóa nhưng là dân “ngoại đạo” nên tôi chỉ hiểu nôm na rằng muốn giải mã một bức mật thư phải tìm cho ra 12 quy luật - tức 12 chìa khóa, mới giải mã nội dung cuối cùng là bạch văn. Để minh họa, Linh mục Phi chỉ cho tôi xem cách giải một bức mật thư dưới dạng một lá thư của một người chị gửi cho em gồm 170 từ. Sau khi sử dụng 12 chìa khóa giải mã, cuối cùng bạch văn của bức mật thư đơn giản là câu tục ngữ “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Linh mục giải thích: Tính độc đáo trong phương pháp viết và giải mật thư này ở chỗ thông thường mỗi mật thư chỉ có một chìa khóa lệ thuộc một bản mã nhất định. Riêng thể loại mật thư này có đến 12 chìa khóa độc lập (có thể có nhiều hơn nữa) và không lệ thuộc bất kỳ bảng mã nào và tính bảo mật rất cao nằm ở đó.

Ngoài ra, loại mật thư này có thể áp dụng cho tất cả mọi chữ viết cũng như ký tự trên thế giới. Vì điểm độc đáo này mà Vietkings thừa nhận đây là một kỷ lục Việt Nam. Linh mục Phi giải thích thêm, những người học cách viết mật thư loại này có thể tự sáng tạo thêm cách viết và tạo chìa khóa cho riêng mình; nếu giỏi, họ có thể tạo thêm số lượng chìa khóa nhiều hơn cả kỷ lục linh mục đang nắm giữ. Tập sách “Trò chơi trí tuệ cao cấp” của linh mục có tác dụng tích cực là gợi mở và phát triển sự sáng tạo không ngừng, nhất là các thanh-thiếu niên có thể ứng dụng vào việc học tập của mình.  

Chuyện tình toàn chữ T

Một vị tu sĩ có tên là Ta-đê-ô Trần Trung Thành trên đường học tập, tu thân để bước vào ngưỡng cửa của đạo Công giáo nhưng rồi anh ta gặp một nhóm bạn gái xinh đẹp quyến rũ nên lạc lòng trở thành kẻ tội phạm. Với bản tính thật thà, trung thực, vị tu sĩ tự thú trước tòa tội trộm cắp tiền cho bạn gái. Tòa tha bổng, vị tu sĩ ân hận, nguyện quyết chí tu thân, vượt qua mọi cám dỗ, thử thách và rồi đạt được thành công đắc đạo và được phong thánh khi rời cõi trần thế. Tóm tắt câu chuyện là vậy.

Linh mục Phi kể khi sắp kết thúc khóa đào tạo ở Đại Chủng Viện Huế, linh mục muốn viết một câu chuyện độc đáo làm kỷ niệm với bạn bè và các thầy dạy mình tại đây. Ý tưởng của linh mục ban đầu sẽ viết một chuyện tình ngắn toàn chữ T (các từ đều bắt đầu từ chữ T) lấy ý tứ trong 4 từ: Tiền, tình, tù, tội và Ta-đê-ô là một nhân vật hư cấu. Linh mục dự định chỉ viết khoảng 100 từ toàn chữ T là giỏi lắm rồi, vì trước đó đọc các tiểu phẩm toàn chữ T trên báo chí cũng chỉ tương đương vậy thôi. Đâu ngờ rằng càng viết càng ham, càng muốn tìm thêm thật nhiều từ bắt đầu từ chữ T để diễn tả ý tứ câu chuyện. Cứ thế mỗi ngày thêm một ít, một ít, chuyện ngắn dần dà kéo dài thành tiểu thuyết toàn những từ bắt đầu bằng chữ T dài tới gần 9.000 từ, chia thành 7 chương theo từng giai đoạn mà nhân vật Ta-đê-ô Trần Trung Thành trải qua trong cuộc đời.

Nhạc sĩ Vũ Đình Ân viết lời giới thiệu cho cuốn tiểu thuyết này cho rằng đây là câu chuyện có một không hai và độc đáo trong cách sử dụng tiếng Việt toàn các từ bắt đầu từ chữ T. “Một câu chuyện hoàn toàn hư cấu về nội dung và nhân vật nhưng người đọc vẫn cảm thấy một điều gì đó na ná giống chuyện ngoài đời, dù chỉ là “rất hiếm hoi”… Còn Linh mục Phi thì nghĩ qua câu chuyện chứng minh rằng tiếng Việt rất phong phú và giàu hình tượng. Câu chuyện được viết từ năm 2001 nhưng đến năm 2013 mới được nộp hồ sơ đề nghị thẩm định và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

17 năm viết 300 truyện ngụ ngôn

“Ngụ ngôn cha Phi” - đó là tên chung của 8 tập truyện với hơn 300 câu chuyện ngụ ngôn Linh mục Phi viết trong suốt 17 năm qua. Quá trình đó được Vietkings công nhận kỷ lục Việt Nam: Vị linh mục viết nhiều chuyện ngụ ngôn nhất.

Niềm đam mê viết chuyện ngụ ngôn của Linh mục Phi bắt đầu từ ngày còn là chủng sinh học ở Đại Chủng Viện Huế. Khởi nguồn từ việc có một học trò giáo lý tặng một cái hồ gương trong đó có một con lý ngư màu vàng. Linh mục quý con cá đó lắm và các thầy bạn cũng vẫn thường xuyên quây quần chung quanh cái hồ gương và đôi lúc khen ngợi con cá ấy. Một hôm con cá nhảy ra khỏi hồ và bị chết. Tự nhiên cứ ngẫm nghĩ vì sao nó nhảy ra khỏi hồ để bị chết. Thế là ý tưởng về câu chuyện “chim lồng, cá chậu” nảy sinh và liên tưởng đến đời sống con người, thế là câu chuyện ngụ ngôn đầu tiên ra đời. Đưa cho các bạn đồng môn xem chơi. Các bạn khen hay và khuyến khích viết tiếp. Thế là hết truyện này đến truyện khác ra đời. Mỗi sự vật, cây cỏ, thiên nhiên trong cuộc sống đều có thể là chất liệu để linh mục Phi viết truyện ngụ ngôn với mục đích là những bài học giáo dục tư tưởng, luân lý một cách nhẹ nhàng, vừa có tính giải trí. Viết một thời gian thế là nhiều truyện lên thôi, ngụ ngôn cha Phi từ đó mà được nhiều người biết đến.

Linh mục Phi là một trong số rất ít người xác lập đến 3 kỷ lục Việt Nam và được mời tham gia Hội đồng tư vấn của Vietkings. Ngoài 3 kỷ lục Việt Nam được công nhận, Linh mục Phi cũng rất đa tài trong các lĩnh vực viết nhạc, làm thơ, viết sách nghiên cứu, dạy kỹ năng sống… và là tác giả của 60 tập sách ở nhiều lĩnh vực. “Khi thực hiện những công trình của mình, tôi không nghĩ đến mục tiêu làm để lập kỷ lục mà trước hết là phục vụ cho công việc, cho cộng đồng giáo dân. Bất kỳ ai cũng có thể sáng tạo, nếu có ý tưởng và biết nuôi dưỡng nó, sự sáng tạo sẽ dồi dào và không có giới hạn”, linh mục Phi nói.

SƠN TRUNG

;
.
.
.
.
.