.
Vụ tàu Thảo Vân 2 chìm trên sông Hàn

Xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân liên quan

.

* Đình chỉ chức vụ Giám đốc Cảng vụ đường thủy nội địa và Đội trưởng đội quản lý bến

* Khởi tố vụ án vi phạm giao thông đường thủy

* Còn 7 nạn nhân được chăm sóc tại bệnh viện

Trong cuộc họp sáng 6-6 xử lý hậu quả vụ chìm tàu Thảo Vân 2 làm 3 người tử nạn trên sông Hàn tối 4-6, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu đình chỉ công tác đối với ông Lê Sáu, Giám đốc Cảng vụ Đường thủy nội địa Đà Nẵng và ông Nguyễn Công Hiệu, Đội trưởng đội quản lý bến (Cảng vụ đường thủy nội địa  Đà Nẵng); đồng thời kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm đối với hai đơn vị khác.

Lực lượng quân đội tìm kiếm các nạn nhân. 													                                Ảnh: ĐẮC MẠNH
Lực lượng quân đội tìm kiếm các nạn nhân. Ảnh: ĐẮC MẠNH

Tham gia cuộc họp có các Phó Chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng, Hồ Kỳ Minh, Phùng Tấn Viết, Nguyễn Ngọc Tuấn.

Truy vấn gắt gao trách nhiệm cụ thể

Tại buổi họp, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ truy vấn gay gắt trách nhiệm của từng ngành, từng đơn vị, từng cá nhân liên quan đến vụ việc tàu Thảo Vân 2 chìm trên tàu sông Hàn. Trong đó, trách nhiệm nặng nề nhất liên quan đến ngành giao thông vận tải, mà trực tiếp là Cảng vụ Đường thủy nội địa trong công tác quản lý, giám sát.

Ông Lê Văn Trung, Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT), cho biết quy trình xuất bến của cảng rất chặt chẽ. Tàu Thảo Vân 2 đã nhiều lần chở khách, dù tàu không được phép; Sở đã nhiều lần mời lên làm việc nhiều lần nhưng cố tình chở khách. Ngày 2-6, Sở GTVT mời các chủ tàu họp, tại cuộc họp có đề xuất giao lực lượng chức năng áp tải tàu này về khu vực trước trạm biên phòng để giữ không cho hoạt động nữa nhưng do sơ xuất của cán bộ quản lý bến, cảng nội địa tàu này đã hoạt động chui, không có giấy tờ xuất bến, không được sự đồng ý xuất bến của Bộ đội Biên phòng và gây nên vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng vừa qua.  

Trong khi đó, Trung tá Đặng Viết Tài, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông đường thủy – Phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố cho rằng, trong quá trình hoạt động, đã có những ý kiến rất thẳng thắn như quản lý về phương tiện và người lái, đề xuất xem lại đội ngũ tàu hiện nay. Trong đó có việc đề nghị cơ quan chức năng gom hết các tàu du lịch về khu vực cầu cảng để quản lý; đồng thời những phương tiện không đủ điều kiện hoạt động có phương án đưa lên bờ. “Trong cuộc họp ngày 2-6, chúng tôi cũng đã nêu vấn đề này, có 3 phương tiện không đủ điều kiện hoạt động, nên cần phải đưa lên bờ luôn, không thể đẩy ở cảng để  trôi nổi không ai quản lý”, Trung tá Tài nói.

Trong khi đó, theo ông Lê Sáu, Giám đốc Cảng vụ đường thủy nội địa Đà Nẵng, chủ phương tiện Thảo Vân 2 có hai tàu. Tàu Thảo Vân 2 có đăng ký, đăng kiểm đầy đủ, nhưng phương tiện này chỉ có thể đi lại trên sông Hàn chứ không được chở khách, vì còn thiếu rất nhiều thủ tục liên quan. Vào tối 4-6, có 3 người trực “Vậy 3 ông đó làm gì giờ đó mà để tàu to đùng xuất bến mà không biết?”, Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ hỏi. Trước truy vấn của lãnh đạo thành phố,  ông Lê Sáu xin lỗi và xin chịu trách nhiệm về cá nhân của mình.

Đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ của ông Lê Sáu là hời hợt, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ yêu cầu tạm thời đình chỉ chức vụ Giám đốc Cảng vụ Đường thủy nội địa của ông Lê Sáu: “Giám đốc Cảng vụ không làm hết trách nhiệm, không ai có thể giao sinh mạng hàng nghìn người cho một người thiếu trách nhiệm như vậy được”.

Chủ tịch UBND thành phố đề nghị đình chỉ Đội trưởng Đội Quản lý bến (Cảng vụ Đường thủy nội địa Đà Nẵng) đối với ông Nguyễn Công Hiệu; đồng thời cử ông Bùi Thanh Thuận, Phó Giám đốc Sở GTVT phụ trách Cảng vụ đến khi hoàn thiện công tác quản lý các nội dung quy chế thì sẽ tìm người thay thế. Các Phó Chủ tịch UBND thành phố Phùng Tấn Viết, Nguyễn Ngọc Tuấn cũng thống nhất đề nghị tạm đình chỉ các trường hợp nói trên để thay thế những cán bộ có năng lực hơn, đồng thời cần phải chấn chỉnh lại công tác này.

Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ cũng đề nghị Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng kiểm điểm trách nhiệm đối với Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Biên phòng cửa khẩu cảng; Giám đốc Công an thành phố kiểm điểm trách nhiệm đối với Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông đường thủy. Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng thành phố, Đại tá Lê Văn Phúc cho rằng, sẽ xem xét trách nhiệm từng cá nhân để xử lý.

Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ chủ trì buổi họp.
Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ chủ trì buổi họp.

Chấn chỉnh hoạt động cứu hộ, cứu nạn trên sông

Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ cho rằng, qua vụ việc cứu nạn trên sông vừa rồi, công tác chỉ huy vẫn còn hạn chế. Khi ra hiện trường, thấy tàu bè chạy loạn xạ, không có người chỉ huy nên đích thân Chủ tịch UBND thành phố là người tổng chỉ huy, trực tiếp phân công, chỉ huy từng việc cụ thể.

Trong công tác cứu nạn, xuất hiện các tổ chức, cá nhân điển hình, xuất sắc, dũng cảm, kịp thời cứu rất nhiều người như tàu Phú Quý, tàu Sông Hàn…; lực lượng ngư dân, các thợ lặn cũng đã làm việc hết mình và rất hiệu quả. Thực tiễn cho thấy, lực lượng ngư dân, thợ lặn rất có năng lực cứu hộ trên sông vì vậy nên rà soát lại đội thợ lặn để thành lập đội cứu hộ trên sông khi cần thiết. Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ cũng yêu cầu xem xét tập hợp những tàu du lịch trên sông để thành lập đội cứu hộ, khi có sự cố thì ngay lập tức hỗ trợ nhau. “Khi có sự cố xảy ra, chúng ta chỉ có 2 phút hành động chứ không có nhiều hơn 2 phút. Vì vậy, cần phải có sự tham gia tích cực của các tàu hoạt động du lịch trên sông Hàn. Sở Du lịch nên nghiên cứu thành lập hiệp hội tàu du lịch để có hội quản lý giám sát lẫn nhau.”, Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ nhấn mạnh.

Lãnh đạo Sở Du lịch kiến nghị, qua việc này, ngành chức năng phải quy định nghiêm khắc về trang bị phao cứu hộ giữa các tàu, lắp đặt tín hiệu khẩn cấp cho các tàu du lịch để khi bị nạn họ tới ứng cứu ngay; đồng thời thành lập đội cứu hộ trên sông, có các ca-nô để thường xuyên kiểm tra kiểm soát…

Nhằm chấn chỉnh hoạt động tàu du lịch trên sông trong thời gian tới, Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ yêu cầu, trước mắt, tạm đình chỉ việc hoạt động tàu trên sông Hàn, nhưng không được kéo dài, ảnh hưởng đến việc làm ăn sinh sống của người dân, doanh nghiệp. “Trách nhiệm của chúng ta rất lớn đối với nhân dân. Không chấp nhận một một cá nhân, tổ chức nào lơ là việc này”, Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ nói và đề nghị phải điều tra nhanh để truy tố, xét xử, không để kéo dài cả năm. Hình phạt nào thì phải xử nghiêm hình phạt đó…

NGỌC PHÚ – THU HÀ

Khởi tố vụ án chìm tàu trên sông Hàn

Liên quan vụ tàu du lịch Thảo Vân 2 chở 56 khách bị chìm trên sông Hàn tối 4-6 làm 3 người tử nạn, chiều 6-6, Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Đà Nẵng cho biết, đã ra quyết định khởi tố vụ án về hành vi  “vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thủy” để tiếp tục điều tra, làm rõ. Tàu do tài công Lê Công Chí (trú phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà) điều khiển. Chủ tàu là ông Võ Quốc Hùng. Giấy chứng nhận đăng kiểm của tàu được cấp ngày 19-5-2016, có hiệu lực đến ngày 20-11-2016 với sức chở 28 khách. Tàu này chưa được cấp phép vận tải hành khách; khi xuất bến không trình báo với Cảng vụ Đường thủy nội địa và các cơ quan có liên quan theo quy định. Nguyên nhân vụ tai nạn ban đầu được xác định là do chủ tàu không chấp hành các quy định về vận tải hành khách và tàu chở quá số người quy định.

ĐẮC MẠNH

Thưởng nóng ngư dân phát hiện thi thể du khách

Ngày 6-6, tại Trạm Biên phòng cửa khẩu cảng Sông Hàn, UBND phường Thuận Phước (quận Hải Châu) thưởng nóng cho bà Nguyễn Thị Bé - ngư dân phát hiện và trục vớt thi thể ông Phạm Tấn Cường (quê Bình Định), nạn nhân trong vụ chìm tàu Thảo Vân 2 trên sông Hàn vào đêm 4-6.

Theo bà Nguyễn Thị Bé, trú tại tổ 39 phường Thuận Phước, khoảng 14 giờ ngày 5-6, trong khi đánh bắt cá khu vực Vịnh Đà Nẵng (gần cầu Phú Lộc, biển Thanh Khê), bà đang chuẩn bị giăng lưới thì phát hiện thi thể một người đàn ông nổi lên mặt nước, có chiều hướng dạt về phía biển Kim Liên (Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu). Sau khi phát hiện, bà Bé đã liên lạc với chồng mình là ông Đỗ Chính và một người khác là ông Nguyễn Xuân Hào, đồng thời điện báo các cơ quan chức năng cùng hỗ trợ trục vớt, đưa thi thể người đàn ông này vào bờ.

Trước vụ việc trên, UBND phường Thuận Phước quyết định thưởng nóng cho bà Nguyễn Thị Bé số tiền 1 triệu đồng, tuyên dương các tổ chức, cá nhân liên quan tích cực trong việc hỗ trợ, vớt thi thể ông Cường. Bên cạnh đó, Ban Chỉ huy Biên phòng cửa khẩu cảng Sông Hàn cũng thưởng nóng cho cá nhân bà Bé 500.000 đồng.

TR. HUY

Còn 7 nạn nhân đang điều trị

Trưa 6-6, Bệnh viện Đà Nẵng và Bệnh viện Phụ sản-Nhi xác nhận, hiện vẫn còn 7 nạn nhân trong vụ lật tàu trên sông Hàn vào tối 4-6 đang được điều trị. Tại Bệnh viện Đà Nẵng, 3 nạn nhân (trong đó có 1 du khách nước ngoài) đang được các bác sĩ tiếp tục theo dõi. Tình hình sức khỏe, tâm lý có biến chuyển tích cực nhưng cần được theo dõi, điều trị thêm một thời gian.

Trong khi đó, bác sĩ Nguyễn Thanh Vân, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Phụ sản-Nhi cho biết, hiện còn 4 nạn nhân là trẻ em đang điều trị tại Khoa Nhi hô hấp và Khoa Nhi Cấp cứu-Hồi sức tích cực, chống độc. Ngoài ra, có một trường hợp xin chuyển về tỉnh Bình Định điều trị trong sáng 6-6 trên cơ sở được các bác sĩ khám, chẩn đoán tình hình sức khỏe đã ổn định. Được biết, có tổng cộng 17 nạn nhân là trẻ em (10 tháng tuổi đến 12 tuổi) trong vụ lật tàu trên sông Hàn tối 4-6 được chuyển vào Bệnh viện Phụ sản-Nhi từ 21 giờ 30 đến 23 giờ 30 cùng ngày trong tình trạng suy hô hấp, hoảng loạn, chấn thương.

PHAN CHUNG

Taxi Tiên Sa: Cam kết vận chuyển miễn phí trong công tác cứu nạn, cứu hộ

Ông Lê Vinh Quang, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Vận tải và dịch vụ Phú Hoàng - Taxi Tiên Sa cam kết thực hiện vận chuyển miễn phí các nạn nhân trong quá trình sơ tán, cấp cứu người bị nạn trong những trường hợp thực hiện cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn thành phố cũng như tại các địa phương công ty đang hoạt động.

Trong vụ việc chìm tàu du lịch Thảo Vân 2 vào ngày 4-6 trên sông Hàn, nhiều lái xe Taxi Tiên Sa đã chủ động vận chuyển miễn phí các nạn nhân cần được di chuyển đến bệnh viện cấp cứu, trong đó có trường hợp sau vận chuyển đã tự giác hỗ trợ chăm sóc và trả lại tài sản cho nạn nhân. Ngày 5-6, đại diện Công ty CP Vận tải và dịch vụ Phú Hoàng – Taxi Tiên Sa và lãnh đạo Sở Du lịch TP. Đà Nẵng đã đến Bệnh viện Đà Nẵng bàn giao tài sản cùng nhiều giấy tờ quan trọng cho Tiến sĩ Ong Tah Fatt là nạn nhân của vụ chìm tàu du lịch trên sông Hàn vào tối 4-6. Sau khi nhận lại giấy tờ, bà Dinh Swee Yoke, vợ Tiến sĩ Ong Tah Fatt gửi lời cảm ơn hãng taxi Tiên Sa, nhân dân và chính quyền Đà Nẵng đã giúp đỡ đưa chồng bà đi cấp cứu kịp thời và nay đã qua cơn nguy kịch.

Trước đó, anh Trần Ngọc Sơn lái xe của hãng Taxi Tiên Sa đang chạy trên đường và tham gia đưa Tiến sĩ Ong Tah Fahh đi cấp cứu tại Bệnh viện Đà Nẵng trong tình trạng hôn mê; khi quay về thì phát hiện một túi xách, bên trong chứa nhiều tiền cùng giấy tờ tùy thân và nhiều thẻ tín dụng... nên mang về trình báo với công ty. Taxi Tiên Sa thưởng nóng 2 triệu đồng cho lái xe Trần Ngọc Sơn.

TRIỆU TÙNG

 

;
.
.
.
.
.