.

Rừng Sơn Trà tiếp tục bị tàn phá

.

Vụ phá rừng ở Bán đảo Sơn Trà hồi cuối tháng 2 chưa lắng lại, thì cũng ở nơi đây, cơ quan chức năng vừa phát hiện thêm vụ phá rừng khác ở tiểu khu 63, khiến dư luận hết sức bức xúc. Nhiều cây cổ thụ to hơn vòng tay người lớn đã bị đốn hạ không thương tiếc.

Một gốc cây cổ thụ to hơn vòng tay người ôm đã bị đốn hạ. Ảnh: NGỌC ĐOAN
Một gốc cây cổ thụ to hơn vòng tay người ôm đã bị đốn hạ. Ảnh: NGỌC ĐOAN

Hàng loạt cây cổ thụ bị triệt hạ

Sáng 8-6, có mặt ở khu du lịch sinh thái Nhất Lâm Thủy Trang Trà ở tiểu khu 63 rừng bán đảo Sơn Trà (thuộc Công ty TNHH MTV Trường Mai), do ông Phạm Trường Mai (SN 1988, trú tổ 51, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) làm Giám đốc, chúng tôi không khỏi xót xa khi chứng kiến hiện trường cảnh phá rừng không thương tiếc xảy ra trước đó. Xen lẫn giữa hàng trăm cây cổ thụ rợp bóng mát, nhiều gốc cây lim xẹt, chò, dẻ… to hơn vòng tay người ôm đã bị đốn hạ, chỉ còn trơ trọi gốc. Ngoài những khúc gỗ to bị lấy đi, chỉ còn cành nhánh nhỏ nằm từng đống dưới đất.  

Trong khu du lịch này, không chỉ có những loại cây to, nhiều loại cây nhỏ có đường kính từ 15-40cm cũng bị triệt hạ. Đáng chú ý, trong căn nhà cấp 4 nằm cạnh con đường bê-tông ở khu du lịch có 25 hộp gỗ xẻ các loại được bào nhẵn thín, với tổng khối lượng hơn 3m3.

Ông Phạm Trường Mai cho biết, khu đất này rộng 63ha, trước đây được bố là ông Phạm Hùng Mạnh nhận khoán cùng với những người khác. Sau đó, gia đình làm khu du lịch. “Gia đình tôi không khai thác gỗ, mà chỉ dọn cây ngã đổ do mưa bão mà thôi”, ông Phạm Trường Mai nói.  

Sau khi nhận được tin báo của người dân, trong tháng 4 và tháng 5, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Chi cục Kiểm lâm thành phố, UBND quận Sơn Trà vào cuộc xác minh tình trạng chặt phá rừng ở tiểu khu 63. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện tổng số gỗ rừng tự nhiên gồm các loại chò, nhội, dẻ, sồi, lim xẹt, lòng mang đã bị khai thác là 16 cây (đường kính gốc từ 15 – 143cm), với tổng khối lượng cây đứng tạm tính là 63,4m3. Trong đó có 2 cây (khối lượng cây đứng tạm tính là 12,3m3) nằm trong phạm vi đất rừng đặc dụng của Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà.

Ông Lê Mạnh Hùng, Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm thành phố Đà Nẵng cho hay, đối với 25 hộp gỗ xẻ, ông Phạm Trường Mai trưng ra hóa đơn chứng từ và nói rằng mua ở nơi khác đưa về. Tuy nhiên, trong quá trình điều tra, xử lý vụ việc, cơ quan chức năng sẽ lấy mẫu các hộp gỗ và mẫu gốc gỗ bị đốn hạ mang đi giám định xem có trùng khớp hay không. Trước mắt, giao Công ty TNHH MTV Trường Mai bảo quản 25 phách gỗ này.

Những hộp gỗ xẻ để trong khu du lịch sinh thái Nhất Lâm Thủy Trang Trà.
Những hộp gỗ xẻ để trong khu du lịch sinh thái Nhất Lâm Thủy Trang Trà.

Một cá nhân được ưu tiên sở hữu hơn 100ha đất rừng

Theo người dân phản ảnh, ở địa bàn phường Thọ Quang, ông Phạm Hùng Mạnh sở hữu hàng trăm héc-ta đất rừng trước đây được Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà giao khoán. Khi nghe chúng tôi thắc mắc về việc được ưu ái giao khoán nhiều diện tích đất rừng so với những người dân khác, ông Phạm Hùng Mạnh cho biết, do trước đây nhờ thân thiết với lãnh đạo Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà, nên thấy tôi khai hoang đất, anh em bảo làm đơn để giao khoán(!). Tiếp đó, ông Mạnh liệt kê các khu đất cá nhân ông được nhận khoán, cũng như nhận khoán chung với người khác ở Bán đảo Sơn Trà, gồm: 63 héc-ta ở tiểu khu 63; khu vực Hố Sâu 25 héc-ta; khu vực Đồi 82 có 9 héc-ta; khu vực Tiên Sa 10,8 héc-ta.  

Ông Võ Đình Công, Chủ tịch UBND phường Thọ Quang (quận Sơn Trà) cho hay, ông Phạm Hùng Mạnh hiện là sĩ quan cấp tá, công tác ở Lữ đoàn công binh 83 thuộc Quân chủng Hải Quân. Trước đây, trên địa bàn phường, nhiều người dân tha thiết xin giao khoán đất rừng để trồng cây, phát triển kinh tế thì lại không được, nhưng không hiểu sao Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà ưu ái giao khoán đất rừng cho ông Phạm Hùng Mạnh nhiều như vậy.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, đa số diện tích đất rừng ông Phạm Hùng Mạnh nhận khoán đều xảy ra sai phạm. Ngoài việc chặt phá cây rừng ở tiểu khu 63 như đã nêu, hồi đầu tháng 2-2016, ở khu vực rừng thuộc tiểu khu 54 của ông Phạm Hùng Mạnh được giao khoán diện tích 10,8 héc-ta cũng xảy ra tình trạng chặt phá rừng. Tại hiện trường, một khoảng rừng rộng hàng nghìn mét vuông bị triệt hạ, nhiều loại cây bị chặt ngã đổ ngổn ngang. Trong đó, có nhiều cây to bằng bắp tay, bắp chân người lớn. Ngay sau khi phát hiện vụ việc, các cơ quan chức năng thành phố, quận Sơn Trà đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn.

Xử lý nghiêm theo quy định pháp luật

Liên quan đến vụ việc chặt phá rừng ở tiểu khu 63, sáng 8-6, ông Trần Thắng, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà-Ngũ Hành Sơn khẳng định, việc chặt phá rừng như vậy là sai với quy định pháp luật. Hiện Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà-Ngũ Hành Sơn đã đề nghị các cơ quan chức năng thành phố lập đoàn kiểm tra để xác minh, đo đạc lại chính xác khối lượng gỗ thiệt hại. Trên cơ sở đó sẽ có hướng xử lý theo quy định pháp luật.

Về trách nhiệm của kiểm lâm địa bàn phụ trách tiểu khu 63, ông Trần Thắng cho hay, sau vụ phá rừng hồi cuối tháng 2-2016 xảy ra ở Bán đảo Sơn Trà, Chi cục Kiểm lâm đã đổi toàn bộ cán bộ, kiểm lâm ở Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà-Ngũ Hành Sơn đi nơi khác. Hiện nay, kiểm lâm địa bàn phụ trách tiểu khu 63 mới được điều động từ Hạt Kiểm lâm Liên Chiểu về được vài ngày.

Trao đổi với chúng tôi qua điện thoại trưa cùng ngày, ông Trần Viết Phương, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, đã báo cáo toàn bộ vụ phá rừng ở tiểu khu 63 Bán đảo Sơn Trà cho Thường trực Thành ủy, Thường trực HĐND và UBND thành phố. Đồng thời, Sở NN&PTNT chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm thành phố, Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà-Ngũ Hành Sơn khẩn trương phối hợp với các đơn vị, cơ quan chức năng liên quan tiến hành điều tra, xác minh làm rõ vụ việc và xử lý nghiêm minh theo đúng quy định pháp luật những cá nhân, tổ chức sai phạm.

Ảnh hưởng môi trường sinh sống của voọc chà vá chân nâu

Trước thực trạng phá rừng ở tiểu khu 63 Bán đảo Sơn Trà, ông Bùi Văn Tuấn, Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học - Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (trụ sở quận Sơn Trà) tỏ ra bức xúc. Theo ông Tuấn, khu vực rừng ở tiểu khu 63 có nhiều cây cổ thụ, voọc chà vá chân nâu (loài vật quý hiếm ghi trong sách đỏ Việt Nam, còn gọi nữ hoàng linh trưởng) thường kéo cả đàn đến đây tìm kiếm thức ăn, ngủ nghỉ. Vì vậy, việc chặt phá cây rừng ở đây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống của “nữ hoàng linh trưởng”.

Ông Tuấn cũng cho biết, ở Bán đảo Sơn Trà hiện có khoảng 250-300 cá thể voọc chà vá chân nâu quý hiếm đang sinh sống. Vì thế, việc chặt phá rừng này ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái nơi đây, ngôi nhà của  đàn voọc.

Bài và ảnh: Ngọc Đoan

;
.
.
.
.
.