.

Dân chờ mẫu mái che mới

.

Thực hiện Năm văn hóa, văn minh đô thị 2015, nhiều hộ dân trên các tuyến đường trung tâm tiến hành tháo dỡ bạt quay, mái che, nhằm mang lại mỹ quan đô thị. Hơn một năm qua, người dân mỏi mòn chờ ban hành mẫu mái che mới thay thế, nhưng đến nay vẫn chưa thấy đâu.

Nắng nóng nên nhiều cửa hàng thời trang đường Lê Duẩn che tạm bằng vải màn.
Nắng nóng nên nhiều cửa hàng thời trang đường Lê Duẩn che tạm bằng vải màn.

Người dân bức xúc

Tại các tuyến đường trung tâm thành phố-nơi từng được yêu cầu tháo dỡ bạt quay, mái che, không khó để bắt gặp hình ảnh người dân “né” nắng bằng đủ cách như: che chắn bằng rèm, màn, mền; đậy xe bằng áo mưa, bìa carton…

Chủ cửa hàng quần áo thời trang Nam Style, đường Lê Duẩn than phiền, cây xanh trên tuyến đường này chưa đủ lớn để tỏa bóng mát nên cửa hàng bị ảnh hưởng lớn, nhất là khi bước vào mùa nắng nóng. “Không che đậy, vải sẽ phai màu, còn che thì khách hàng không xem được mẫu mã, tạo sự nhếch nhác và bị lực lượng chức năng nhắc nhở”, ông Viện, chủ cửa hàng này nói.

Không chỉ các hộ kinh doanh bị ảnh hưởng, những hộ dân sinh sống trên tuyến đường Lê Duẩn cũng rơi vào tình trạng tương tự. Bà Nguyễn Thị Thu (tổ 43, phường Tân Chính) chia sẻ: “Nắng nóng kéo dài từ trưa đến chiều, nhà tôi theo hướng tây bắc, 3 giờ chiều mà nắng còn rọi thẳng vào, không có mái che, chịu sao nổi. Lấy màn, rèm che nắng trên tuyến đường khang trang thế này là không đẹp mắt, nhưng chẳng còn cách nào khác”.

Bà Trần Thị Trang Thanh, Tổ trưởng tổ 43, phường Tân Chính cho biết thêm, cách đây 6 tháng, UBND phường tổ chức lấy ý kiến người dân về mẫu mái che mới, nhưng đến nay, câu trả lời của các ngành chức năng vẫn chưa thấy đâu. “Người dân kêu ca miết. Hy vọng các cấp chính quyền nhanh chóng ban hành mẫu mái che mới để không ảnh hưởng đến kinh doanh cũng như cuộc sống người dân”, bà Thanh ý kiến.

Vẫn đang chờ!

Ông Lê Ngọc Cường, Phó phòng Quản lý đô thị quận Hải Châu cho biết, hiện tại, UBND quận đã chọn một vài điểm trên 6 tuyến đường từng được vận động tháo dỡ bạt quay, che vào năm 2015 là: Lê Lợi, Phan Châu Trinh, 2 Tháng 9, Hoàng Diệu, Quang Trung, Trưng Nữ Vương để thực hiện lắp đặt lại theo mẫu truyền thống; tuy nhiên, yêu cầu phải đồng bộ về màu sắc, độ cao, độ vươn.

“Chúng tôi đã trình Sở Xây dựng và hiện vẫn chờ câu trả lời. Nếu được thông qua sẽ triển khai đồng bộ trên các tuyến đường này. Trong khi đó, các tuyến đường có yêu cầu về cảnh quan cao như: Bạch Đằng, Trần Phú, Nguyễn Văn Linh và Lê Duẩn vẫn phải chờ thành phố ban hành mẫu mái che mới”, ông Cường nói.

Tương tự, quận Thanh Khê cũng lấy ý kiến người dân và đi đến thống nhất chọn mẫu mái che truyền thống, đồng bộ màu sắc, kích thước; dự kiến triển khai tại 4 tuyến đường trung tâm quận gồm: Lê Duẩn, Hàm Nghi, Điện Biên Phủ, Nguyễn Văn Linh.

“Quận đã trình văn bản đến các cấp, ngành liên quan, nhưng đến nay chúng tôi vẫn chưa nhận được câu trả lời, nên chưa triển khai. Hiện tại, quận tiếp tục vận động người dân không tự ý lắp đặt mái che trong khi chờ quyết định của thành phố”, ông Nguyễn Văn Tĩnh, Chủ tịch UBND quận Thanh Khê cho biết.

Thực hiện Năm Văn hóa, văn minh đô thị 2015, chủ trương của thành phố là mỗi quận, huyện chọn một vài tuyến đường chính, vận động người dân tháo dỡ mái che nhằm trả lại mỹ quan đô thị. Tuy nhiên, từ tháng 1 đến tháng 3-2015, các quận, huyện lại rầm rộ ra quân tháo dỡ trên khá nhiều tuyến đường với hơn 5.000 dù bạt, mái che.

Sau khi tháo dỡ mái che, thời tiết nắng nóng và mưa gió đã ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Trước thực trạng đó, tháng 5-2015, UBND thành phố chỉ đạo giao Sở Xây dựng thiết kế bạt che theo quy chuẩn để người dân thực hiện đồng bộ. Song hai thiết kế của Sở Xây dựng hầu như không nhận được sự đồng tình của người dân. Hiện tại, chỉ riêng quận Hải Châu thí điểm mẫu mái che do quận nghiên cứu, đề xuất; các quận còn lại vẫn đang chờ mẫu do thành phố ban hành.

Bài và ảnh: NGỌC HÀ

;
.
.
.
.
.