.

Có hai chị Tám ở Đà Nẵng

.

Có hai người phụ nữ nổi tiếng tên Tám với nhiều nét tương đồng: Tuổi xấp xỉ nhau, đều trải qua chiến tranh khốc liệt, cùng quê Điện Bàn (Quảng Nam) và cùng gắn bó, đóng góp cho mảnh đất Đà Nẵng từ thời thanh xuân cho đến bây giờ. Đó chính là Nguyễn Thị Tám, Anh hùng LLVTND và Lê Thị Tám, Chủ tịch Hội Từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em thành phố Đà Nẵng.

Anh hùng LLVTND Nguyễn Thị Tám (thứ 2, trái sang) với phụ nữ Cục Chính trị Quân khu 5.
Anh hùng LLVTND Nguyễn Thị Tám (thứ 2, trái sang) với phụ nữ Cục Chính trị Quân khu 5.

Vang danh Dũng sĩ Thanh Khê

Trong căn nhà khang trang ở 143 Phan Thanh, quận Thanh Khê, bà Nguyễn Thị Tám đã có thể viên mãn với cuộc sống của mình khi con cháu hạnh phúc, thành đạt. Bệnh tật khiến bà về hưu sớm, nhưng lại là một thuận lợi để bà đảm nhận chức Bí thư chi bộ Trung Bình B2 (trước đây là Trung Bình B) suốt 20 năm nay, rồi làm Chủ tịch Hội Tù yêu nước phường Thạc Gián, tham gia các Ban liên lạc cựu chiến binh Anh hùng LLVTND TP. Đà Nẵng, Biệt động thành phố, Biệt động quận Nhì.

Ngày đó Quận ủy quận Nhì về hoạt động bí mật ở thôn Ngân Hà (Điện Ngọc, Điện Bàn). Người cha, cán bộ nông hội, cầu nối với cách mạng là tấm gương cho con gái dấn thân theo con đường của Đảng. Chỉ có người mẹ là lo lắng: “Nhỏ rứa, lỡ địch bắt được, không chịu đòn khai bậy bạ, hư việc người lớn”. Nhưng cô gái 14 tuổi không hề sợ hãi. Thử thách đầu tiên là các chú đưa mẹt xôi đường, dưới có truyền đơn bảo cô bắt xe ra Đà Nẵng giao cho cơ sở.

Chuyến đi đầu tiên trót lọt và cứ thế tiếp diễn. Cô được phân công ra Đà Nẵng tham gia vào tổ biệt động Thanh Khê trong vai người đi ở đợ. Tại đây, Nguyễn Thị Tám bí mật làm giao liên, gây dựng phong trào, vận chuyển tài liệu, vũ khí cho cách mạng. Nhiều lần địch nghi ngờ tra hỏi, không ít lần cô bị bắt, chịu những đòn tra tấn dã man, nhưng cô tuyệt đối không khai.

Bọn chúng buộc phải thả. Rồi cô bị lộ, được lệnh rút vào hoạt động bí mật ở nhà mẹ Nhu (Lê Thị Dãnh) cùng 2 đồng chí Trung và Huề. Còn tổ khác có 4 người (anh Mười, anh Phương, anh Năm và anh Chi) ở hầm nhà mẹ Hiền. Tổ biệt động đã từng đánh nhiều trận khiến quân địch khiếp sợ. Buổi sáng lịch sử ngày 26-12-1968, do có người phản bội, địch tràn đến. Mẹ Nhu hy sinh ngay trong nhà của mình để bảo vệ những đứa con cảm tử. Suốt ngày hôm đó, cô và 6 Dũng sĩ Thanh Khê chiến đấu dũng cảm, tiêu diệt 80 tên Mỹ, ngụy, trong đó bản thân cô Tám sử dụng 4 loại vũ khí tiêu diệt hàng chục tên.

Trên bức tường nhà nữ Anh hùng Nguyễn Thị Tám có tấm ảnh anh Trung cầm dao cắt mái tóc dài mượt của nữ biệt động quận Thanh Khê. Giải thích vì sao có tấm ảnh này, bà cười: “Sau khi tôi thoát khỏi vòng vây kẻ thù và rút lên núi, một phóng viên chiến trường đã bảo anh Trung tái diễn hành động anh đã làm cho tôi trong trận đánh. Hồi đó tóc dài quá sợ vướng thì làm vậy thôi”.

Bà Nguyễn Thị Tám không ngờ rằng, trận đánh ở Thanh Khê, đặc biệt hành động rất nữ tính nhờ đồng đội cắt tóc trong lúc trận đánh diễn ra quyết liệt đã nâng lên vóc dáng nữ anh hùng thời đại Hồ Chí Minh. Bà được đi tham quan 5 nước: Trung Quốc, Liên Xô, Cu Ba, Chi-lê, Nam Tư. Nhiều nơi bà đến kể chuyện miền Nam, người ta công kênh bà đầy ngưỡng mộ. Có nơi nói chuyện đến 2 giờ sáng mới về. Đặc biệt, Tổng thống Chi-lê đã mời bà và cả đoàn về thăm, ăn cơm nhà ông.  Đó là những ngày không thể nào quên.

Cứ ngỡ vết thương chiến tranh đã lành, vậy mà mới đây bà tiếp đoàn cựu binh Mỹ, trong đó có người lính năm 1968 ở Hạm đội 7 đứng chân ở Đà Nẵng. Ông ta gặp nữ anh hùng để viết cuốn sách tuyên truyền, giáo dục cho thanh niên Mỹ và được bà chấp nhận ký vào văn bản. Hàng chục câu hỏi được nhà sử học - cựu binh nêu ra và đều được bà trả lời thỏa đáng. Đặc biệt câu hỏi bà thấy bất ngờ nhất đó là tại sao nam, nữ lại ở chung hầm (nhà mẹ Nhu) liệu có vấn đề gì xảy ra... Bà nói rằng, chẳng có chuyện gì xảy ra cả, đội biệt động coi như anh em ruột thịt và tất cả chỉ nghĩ đến chuyện đánh giặc. Có những chuyện cựu binh Mỹ không hỏi tới (hoặc cố tình lờ đi) nhưng bà đã kể họ nghe về sự hy sinh quả cảm của mẹ Nhu. Mẹ bị bắn trong tư thế nằm úp. Bọn địch dã man không cho gia đình chôn cất mà lấp mẹ sơ sài. Đến năm 1975, con cái quy tập đã bật khóc khi thấy tư thế cuối cùng của mẹ.

Chất giọng chân quê mà dễ nghe, lôi cuốn, nơi đâu bà Tám nói chuyện nơi đó sôi nổi, rộn rã. Chuyện đánh giặc ngày xưa, bây giờ kể cứ nhẹ bâng. Nhẹ như ngày đầu tiên bà cắp mẹt xôi đường ra Đà Nẵng khi tuổi mới 14 và bắt đầu làm nữ biệt động Đà thành.

35 năm làm công tác phụ nữ

Bà Lê Thị Tám, Chủ tịch Hội Từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em thành phố Đà Nẵng như sinh ra để làm công tác phong trào, đặc biệt là công tác phụ nữ.

12 tuổi, người con gái thôn Viêm Tây, Điện Thắng Bắc, Điện Bàn đã làm liên lạc cho các chú. Lớn lên một chút, cô bé làm du kích mật. Nhà có hai cái hầm trong nhà và bụi tre, Tám còn nhỏ nhưng đã biết cùng gia đình che chở, bảo vệ cán bộ đi về. Bị bắt rồi được thả, cô lại như cá về với nước. Cô được kết nạp Đảng lúc 18 tuổi, làm Bí thư chi bộ thôn Viêm Tây. Bị bắt trở lại, đòn thù tàn khốc không khuất phục nổi cô gái can trường. Năm 1973, cô được đưa lên núi Hòn Tàu làm Hội Phụ nữ Quảng Đà. Chính tại đây cô kết duyên với ông Đặng Hữu Tại sau này là Bí thư Huyện ủy Điện Bàn. Cưới nhau đơn giản rồi mỗi người mỗi nơi.  Lê Thị Tám về những vùng ác liệt nhất vận động phụ nữ đấu tranh chính trị, bám trụ với quê hương, một tấc không đi, một ly không rời.

Chứng kiến nhiều cặp đôi vì chiến tranh mà ly tán, nhiều người chồng hy sinh ngay sau lần gặp gỡ vội vã với vợ trên đường công tác như hằn sâu trong tâm trí bà về thân phận khổ đau của người phụ nữ. Tháng 3-1975, bà cùng lãnh đạo Hội Phụ nữ Quảng Đà tiếp quản cơ ngơi nay là Hội LHPN thành phố Đà Nẵng.

Làm ủy viên, sau đó 10 năm là Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ), bà đã thể hiện phong cách năng động, tháo vát, miệng nói tay làm. Chồng công tác ở Điện Bàn, cuộc sống của bà một nách hai con thơ gắn liền với khu tập thể của Hội. Thậm chí thành phố cho nhà riêng, bà cũng trả lại, vì ở tập thể còn có các cô cơ quan đón đưa con khi bà đi công tác xa. Địa bàn tỉnh dài rộng, nhiều huyện miền núi, bà lặn lội khắp nơi vận động chị em xây dựng cuộc sống mới. Ngay cả việc tuyên truyền làm hố xí hai ngăn cũng không dễ.

Có lần bà về xã Hòa Ninh (huyện Hòa Vang) ở nhà Bí thư Đảng ủy, quan sát cũng không có công trình phụ, liền sau đó bà quyết liệt làm cuộc “cách mạng” tại xã. Bà đứng ra xin vay Ngân hàng Thế giới xây 10.000 công trình vệ sinh cho chị em thành phố Đà Nẵng.

Sau khi tách tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng năm 1997, bà làm Chủ tịch Hội LHPN Đà Nẵng và đảm nhiệm cương vị này 2 nhiệm kỳ liền. Đây là quãng thời gian bà hoạt động thăng hoa vì quyền lợi phụ nữ, đưa phong trào trở thành điểm sáng của cả nước. Lớp cán bộ kế cận đang tiếp tục hoạt động hiệu quả. Điều bà tự hào nhất là với cương vị Thành ủy viên, bà có tiếng nói quan trọng giới thiệu nhiều cán bộ nữ giữ cương vị chủ chốt trong bộ máy chính quyền.

Về hưu, với kinh nghiệm 35 năm làm phụ nữ và bản lĩnh trong chiến tranh giúp bà có nhiều thuận lợi trên vai trò Chủ tịch Hội Từ thiện và Bảo vệ quyền lợi trẻ em thành phố. Bà cùng Ban Chấp hành Hội vận động nhiều nguồn lực, tiến hành hoạt động nhân đạo, từ thiện, tiêu biểu như các chương trình “Mái ấm tình người”, “Viết tiếp ước mơ”, “Vòng tay nhân ái”… Nhiều lần Hội còn tặng áo quan cho người nghèo không có tiền lo hậu sự. Hội có 92 nồi cháo tình thương đặt ở các bệnh viện, trung tâm y tế từ sự giúp đỡ, phối hợp của các nhà sư, tiểu thương và những người hảo tâm.

Hiện nay, Hội làm việc với  8 tổ chức phi chính phủ để nhận các nguồn tài trợ. Nhiều doanh nghiệp đã chung thủy với Hội hàng chục năm nay dù việc kinh doanh không phải lúc nào cũng hanh thông. Tổng các nguồn lực vận động của các cấp Hội trong nhiệm kỳ 2010-2015 đạt hơn 109 tỷ đồng. Hội hiện có 18.100 hội viên, trong đó có 6.900 hội viên liên kết và 202 hội viên danh dự.  Khi hỏi có bao giờ gặp đối tác làm bà phải “cân não” để nhận tài trợ không, bà Lê Thị Tám cười: “Có chứ,

nhưng mình đều vững vàng. Có nhà tài trợ ở Mỹ, nguyên trước đây làm ở chế độ Sài Gòn, lúc đầu giữ thái độ hiềm khích, nhưng qua nói chuyện, biết mình từng tham gia cách mạng rồi bị tù đày, họ đã ôn hòa và hợp tác hơn, làm từ thiện đơn thuần không lồng động cơ chính trị nào”. Hội đã nhận nhiều phần thưởng cao quý của Nhà nước. Năm 2014, Hội Từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em thành phố Đà Nẵng được nhận Cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ; năm 2015 nhận Cờ thi đua xuất sắc của UBND thành phố.

Cuộc sống của bà luôn là những chuyến đi. Nhưng dù làm gì bà vẫn dành thời gian chăm sóc người chồng bị bệnh rồi lo cơm nước cho con cháu quây quần sau một ngày làm việc. Vừa mạnh mẽ, quyết liệt nhưng cũng thật dịu dàng, gần gũi, có cảm giác bà Lê Thị Tám luôn tràn đầy năng lượng để đảm đương công việc đầy ý nghĩa mà bà đang gánh vác.

Chiến tranh đã sinh ra những người phụ nữ can trường như hai bà Nguyễn Thị Tám và Lê Thị Tám. Cả hai người phụ nữ đã và đang làm đẹp thành phố sông Hàn bằng tuổi trẻ nhiệt huyết và ngay cả khi tóc đã điểm sương, thực sự là tấm gương cho thế hệ trẻ hôm nay.

Bài và ảnh: HỒNG VÂN

;
.
.
.
.
.