.
CÁC TRUNG TÂM BẢO TRỢ TRẺ EM TẠI ĐÀ NẴNG

Mạnh ai nấy làm!

.

Bài 3: “Nội tình” rối ren

Thiếu người đứng đầu, thiếu cán bộ có trách nhiệm quản lý, có tiền hỗ trợ nhưng không thể ký nhận, và có hay không chuyện đánh đập trẻ là những vấn đề đang tồn tại ở một số trung tâm từ thiện xã hội mà cơ quan Nhà nước phải vào cuộc...

Trẻ ở các mái ấm cần được sống trong tình yêu thương của các cô, các bảo mẫu để bù đắp sự thiếu vắng hơi ấm gia đình.
Trẻ ở các mái ấm cần được sống trong tình yêu thương của các cô, các bảo mẫu để bù đắp sự thiếu vắng hơi ấm gia đình.

Mâu thuẫn nội bộ

Trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi Hoa Mai (phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn) có nhà tài trợ chính là Tổ chức Hội những người Việt Nam ở Pháp (AASORV). Hiện nay, nhà tài trợ này sẵn sàng chi tiền để tài trợ tiếp cho Trung tâm nhưng khổ nỗi là... không có đại diện đối tác phía Việt Nam ký nhận.

Tại cuộc họp ngày 5-1 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng quyết định tạm thời giao cho Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng trực tiếp quản lý Trung tâm Hoa Mai cho đến khi tìm được cơ quan chủ quản, hay đối tác mới để quản lý và thực hiện dự án tại Trung tâm này. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa tìm được đối tác nên phía AASORV không thể ký lại hợp đồng với Trung tâm để giúp đỡ trẻ em mồ côi nơi đây.

Năm 2002, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi thành phố Đà Nẵng do ông Nguyễn Hoàng Long, Chủ tịch Hội, ký kết với AASORV thực hiện dự án hỗ trợ trẻ mồ côi và thành lập Trung tâm Hoa Mai. Hai bên thỏa thuận mỗi năm nuôi 50 cháu, trong vòng 50 năm.

Tiền tài trợ chuyển từng năm theo hợp đồng. Tuy nhiên, từ năm 2013, Trung tâm Hoa Mai chuyển trụ sở từ Hòa Hải về Hòa Quý thì mâu thuẫn bắt đầu nảy sinh. Theo ông Long, mâu thuẫn nội bộ xuất phát khi lãnh đạo Trung tâm Hoa Mai tự vượt qua tầm quản lý của Hội, tự liên hệ công việc thẳng với AASORV và quận Ngũ Hành Sơn.

“Chúng tôi có quyền cách chức giám đốc Trung tâm, nhưng chúng tôi không làm vậy vì ngại ảnh hưởng đến mối quan hệ với đối tác AASORV và họ sẽ chấm dứt dự án thì các cháu nhỏ chịu thiệt thòi”, ông Long cho biết.

Bởi vậy, Hội đã chọn giải pháp chấm dứt quan hệ với AASORV và Trung tâm Hoa Mai vào tháng 5-2015 nên Hoa Mai không còn trực thuộc Hội. Đến đầu 2016, khi AASORV có nguyện vọng tiếp tục hỗ trợ Trung tâm Hoa Mai thì không có người đại diện đứng ra ký kết, vì Giám đốc bỏ việc, mà thực tế Giám đốc Trung tâm cũng không đủ thẩm quyền để ký hợp đồng, nên nhà tài trợ này đành quay ra “níu áo” lãnh đạo thành phố nhờ tìm giúp đối tác mới đại diện phía Việt Nam để ký lại hợp đồng.

Khi nhà tài trợ “dài tay”

Mới đây, Hội Từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em Đà Nẵng cũng “lao đao” vì nhà tài trợ quá “dài tay”. Bà Lê Thị Tám, Chủ tịch Hội Từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em Đà Nẵng cho biết, trước đây có nhà tài trợ người Ý đã ký với Hội dự án trong 10 năm nuôi 30 cháu, từ năm 2008-2018.

Tuy nhiên, sau khi dự án đi vào hoạt động được 5 năm thì “đại diện nhà tài trợ này can thiệp quá sâu vào hoạt động của Trung tâm. Ông ấy tự ý nhận người mới, cho nhiều người cũ nghỉ việc không có lý do và cũng không thông báo với chúng tôi, đơn vị trực tiếp quản lý Trung tâm. Ông ấy nói ông ấy trả lương nên có quyền (!?)”, bà Tám chia sẻ.

Năm 2014, Hội Từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em Đà Nẵng buộc lòng chấm dứt quan hệ với nhà tài trợ. Bà Tám còn nhớ, sau đó là những chuỗi ngày khó khăn khi nguồn tiền tài trợ bị cắt, bà phải đích thân đi vận động các tổ chức, cá nhân nhận nuôi 6 trẻ em thiệt thòi cho đến khi tìm được nguồn tài trợ mới.

“Khi ký kết một dự án tài trợ từ thiện tại Trung tâm bảo trợ, nhà tài trợ chủ yếu lo về kinh phí để thực hiện dự án, cụ thể là các khoản tiền nuôi dưỡng chăm sóc các em khuyết tật, tiền trả lương cho bảo mẫu… Còn Hội có nhiệm vụ quản lý, chịu trách nhiệm mọi hoạt động tại đây. Tuy nhiên, nhiều nhà tài trợ đã can thiệp quá sâu vào nhân sự, quản lý trong khi họ không nắm vấn đề cụ thể nên dẫn đến những mâu thuẫn không đáng có”, bà Tám nói.

Có hay không chuyện đánh trẻ?

Chưa hết lình xình về mặt tổ chức, ở một số trung tâm, nhà nuôi trẻ đã có nhiều điều tiếng không hay về tình trạng đánh đập trẻ em. Hoạt động nuôi và dạy tại một số trung tâm này cần được xem xét lại.
Trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi Hoa Mai hiện nuôi dưỡng gần 50 trẻ mồ côi bất hạnh. Theo nguồn tin riêng của chúng tôi, tại Trung tâm này đã xảy ra tình trạng một số trẻ mồ côi bị đánh nhiều lần và có cháu đã bỏ về nhà, thậm chí có em vì quá bức xúc nên đã có những hành động dại dột.

Một ngày đầu năm 2016, chúng tôi đến Trung tâm Hoa Mai để tìm hiểu thực hư nhưng bà Ngọc Anh, Phó Giám đốc Trung tâm liên tục từ chối. “Để khi nào chị X. (giám đốc - PV) đi làm lại rồi các em làm việc với chị X. Chị không nói được. Chị không biết gì cả”, bà này nói. Trong khi đó, theo nguồn tin của chúng tôi, bà X. đã phải nghỉ việc từ ngày

15-12-2015 do “vi phạm” về mặt quản lý. Khi chúng tôi hỏi có việc đánh trẻ xảy ra tại Trung tâm hay không, bà Anh nói đó chỉ là thông tin bên lề và từ chối trả lời.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hùng Hiệp, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng xác nhận thông tin bà X. đã nghỉ việc do có nhiều vi phạm. “Tôi cũng đã nghe thông tin về việc trẻ mồ côi bị đánh tại Trung tâm và đang cho anh em xác minh thêm”, ông Hiệp nói.

Tại Mái ấm gia đình cơ sở 1 (ở 27 Dương Thị Xuân Quý, quận Ngũ Hành Sơn) thuộc Hội Từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em Đà Nẵng cũng từng xảy ra tình trạng bảo mẫu trừng phạt trẻ như: la mắng, bắt trẻ quỳ… Bà Nguyễn Thị Minh Lành, Phó Giám đốc các mái ấm thuộc Hội Từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em thành phố xác nhận nơi đây đã có bảo mẫu bị buộc thôi việc vì bắt trẻ quỳ. “Nguyên tắc của tổ chức này đưa ra cho các bảo mẫu là tuyệt đối không đánh, nạt hoặc dùng lời xưng hô thiếu tôn trọng đối với trẻ. Bảo mẫu nào vi phạm thì phải nghỉ việc”, bà Lành nói.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Hùng Hiệp thừa nhận, đoàn kiểm tra liên ngành của Nhà nước chủ yếu chỉ kiểm tra về mặt hành chính, tài chính, cách thức quản lý, còn những vấn đề nảy sinh tại Trung tâm thì hầu hết các cơ sở đều phải tự giải quyết. “Việc trẻ bị đánh, bị phạt được phát hiện chỉ là một phần nhỏ ở bề nổi. Những vụ việc xảy ra tại các Trung tâm phần lớn do cơ sở tự giải quyết trong im lặng, các cơ quan quản lý Nhà nước rất khó biết và nếu biết thì sự việc cũng đã xảy ra rồi”, một cán bộ Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng nêu ý kiến.

Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ - THU HOA

;
.
.
.
.
.