.

Một ngày ở nông thôn mới

.

Chuyến về Hòa Vang trọn ngày cùng đoàn cán bộ nông dân huyện trung du xứ Nghệ mới đây để lại ấn tượng sâu đậm trong tôi và những người cùng đi. Để đến được nhiều nơi, trước khi khởi hành, tôi - hướng dẫn viên không chuyên về nông thôn mới - phác họa lộ trình: Từ Đà Nẵng, vượt cầu Cẩm Lệ, xuôi Hòa Châu, Hòa Phước, vòng qua Hòa Tiến, Hòa Khương, rồi chạy về Hòa Phong, Hòa Nhơn, ngược Hòa Phú. Ăn và nghỉ trưa tại Khu du lịch sinh thái Suối Hoa. Chiều về Hòa Ninh, Hòa Sơn, sang Hòa Liên, ngược Hòa Bắc, vượt cầu treo về phố theo đường ADB 5. Tại mỗi xã dừng lại tham quan một mô hình. Thời gian ghé mỗi mô hình chừng 20 phút.

Trường THCS Nguyễn Văn Linh, xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang.
Trường THCS Nguyễn Văn Linh, xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang.

Vượt cầu Cẩm Lệ, chúng tôi về huyện nông thôn mới Hòa Vang vào một ngày đẹp trời đầu tháng 12-2015. Đến thôn Cồn Mong, xã Hòa Phước, mọi người nhìn như thôi miên về dãy phố trước mặt và con đường rộng thênh thang, tấp nập người xe. “Không thể tin được, đây là phố chứ làng quê gì”, người phụ nữ tên Hòa nói như thắc mắc.  

Cả đoàn bước vào nhà ông Lê Đình Cang trước sự ngỡ ngàng của gia chủ, bởi chuyến thăm không báo trước của khách. Tuy vậy, ông bà Cang niềm nở mời mọi người. Mấy phút ngắm nghía nội thất ngôi nhà chẳng khác nào biệt thự, mọi người mới ngồi lại bàn uống nước và chuyện trò.

Khi biết cơ ngơi đồ sộ ấy dựng lên từ sự nỗ lực không mệt mỏi của gia đình, mọi người tỏ rõ sự khâm phục. Trước khi chia tay, tuy đã ngoài 80, vợ chồng gia chủ dẫn mọi người tham quan khu vực nuôi hàng trăm con bồ câu Pháp.    

Sau khi ghé vườn phong lan cắt cành của anh Nguyễn Xuân Hùng, ở xã Hòa Châu; trại nuôi heo quy mô lớn của bà Ngô Thị Chúc, ở xã Hòa Tiến; vùng rau sạch Phú Sơn Nam, xã Hòa Khương; chúng tôi về Trung tâm Hành chính huyện, rồi đến làng bánh tráng Túy Loan xã Hòa Phong, dừng lại chiêm ngưỡng cảnh sắc như bức tranh tuyệt đẹp của dòng sông chạy qua địa phận 2 xã Hòa Phong, Hòa Nhơn, rồi ngược lên thôn Hòa Hải, xã Hòa Phú.

Tiếp đó, chúng tôi ghé thăm Trưởng thôn Hòa Hải Võ Sơn, trước khi ngược Suối Hoa. Vừa xuống xe, ai nấy đã trầm trồ khi thấy ngôi nhà khang trang bề thế, trong sân xếp hàng trăm bịch keo giống. “Thôn có 127 hộ, trong đó hơn 60 hộ chuyên ươm keo giống, mỗi năm xuất bán khoảng 10 triệu cây.

Nhờ hoạt động kinh tế này mà đời sống bà con đổi thay nhanh chóng. Trước đây, Hòa Hải là thôn rất nghèo. Còn nay, hộ thu nhập 400-500 triệu đồng/năm nhiều lắm. Hiện tại, 15 hộ đã xây nhà tầng, cả thôn có 16 ô-tô, chỉ còn 2 hộ nghèo”, Trưởng thôn Võ Sơn cho biết. Để minh chứng cho lời nói của mình, ông dẫn mọi người đến thăm các hộ ươm keo giống số lượng lớn.

Ngược Suối Hoa, chúng tôi không quên ghé quầy hàng của ông Lê Văn Nghĩa, người Cơtu, nguyên Trưởng thôn Phú Túc, mua ché rượu cần. Giữa khung cảnh hữu tình của Khu du lịch sinh thái Suối Hoa, đặc sản núi rừng cùng hương vị dịu ngọt của rượu cần, mọi người đều ngất ngây. Trước khi xuống núi, ông Hùng, chủ khu du lịch gửi biếu khá nhiều đặc sản, nào là sắn, măng củ, rượu ngâm gốc cây mật nhân...

Tại xã Hòa Bắc, ai cũng đều bán tín bán nghi khi ông Hồ Phú Sâm cho biết chỉ trong phạm vi 200m2 lồng bè nuôi cá trên sông Cu Đê, mỗi năm thu hơn 1 tỷ đồng. Thế nhưng, khi nhìn đàn cá diêu hồng cỡ bàn tay nổi lên dày đặc thi nhau đớp mồi, mọi người đều tin điều ông Sâm nói hoàn toàn có cơ sở.

Khi vượt cầu treo Hòa Bắc, xuôi theo đường ADB 5 về phố, tôi tranh thủ giới thiệu với đoàn: Trước đây, một số thôn của xã này, bà con mỗi khi về xuôi phải qua đò ngang. Đường này mở cách đây 4-5 năm.

Tiếp lời, ông Cẩm trưởng đoàn nói như đúc kết sau một ngày có mặt trên đất Hòa Vang anh hùng: “Điều nhận thấy ở huyện này là cơ sở hạ tầng quá hoàn thiện. Mạng lưới giao thông chằng chịt, kết nối từ đồng bằng đến miền núi, tuyến nào cũng thảm nhựa và bê-tông hóa. Các trụ sở xã, trường học, trạm xá tất thảy đều xây tầng. Nhiều mô hình kinh tế rất ấn tượng. Có lẽ, ít địa phương nào trên cả nước đạt thành tựu nổi bật như vậy”.

“Hơn 2.400 tỷ đồng đã đầu tư cho công cuộc xây dựng nông thôn mới ở huyện này rồi đó! 5 năm tới, dự kiến sẽ có khoảng 2.300 tỷ đồng nữa. Hiện 10/11 xã đã về đích. Xã còn lại là Hòa Bắc sẽ hoàn thành nốt vào năm 2016”, tôi tự hào thông báo với mọi người khi xe bon bon trên đường Nguyễn Tất Thành...

Sau 5 năm nỗ lực xây dựng nông thôn mới, huyện Hòa Vang đã về đích sớm trong niềm vui khôn tả của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương. Cờ đơn vị xuất sắc trong phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” được Thủ tướng Chính phủ trao tặng đã treo trang trọng tại phòng khánh tiết của UBND huyện trước mùa xuân này.

Bài và ảnh: NGUYỄN CẦU

;
.
.
.
.
.