.

Nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị

.

* Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII có 200 đồng chí

Ngày làm việc thứ 3 của Đại hội lần thứ XII của Đảng (23-1), buổi chiều các đại biểu làm việc tại Hội trường về công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch điều hành phiên họp. Trước đó, trong buổi sáng, các đại biểu tiếp tục thảo luận Văn kiện Đại hội XII dưới sự điều hành của Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng.

Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước chụp ảnh chung với Đoàn đại biểu Đảng bộ thành phố Đà Nẵng. Ảnh: TTXVN
Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước chụp ảnh chung với Đoàn đại biểu Đảng bộ thành phố Đà Nẵng. Ảnh: TTXVN

Nhiều vấn đề nêu tại phiên thảo luận không những làm sáng tỏ thêm thành tựu nêu trong dự thảo các Văn kiện trình Đại hội XII, mà còn đề xuất các giải pháp mang tính chiến lược cho sự phát triển bền vững hơn trong giai đoạn 5 năm đến; trong đó nhấn mạnh xây dựng các giai cấp công nhân, nông dân, xây dựng lực lượng thanh niên, phụ nữ… ngày càng vững mạnh, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị

Chăm lo thế hệ trẻ, phụ nữ

Trình bày tham luận “Giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ”, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Nguyễn Đắc Vinh khẳng định, tuổi trẻ Việt Nam ngày càng có môi trường, điều kiện tốt hơn để rèn luyện, trưởng thành, góp phần hình thành lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa, tuân thủ pháp luật, từng bước hoàn thiện nhân cách.

Đại bộ phận thanh-thiếu niên tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và con đường phát triển của đất nước; sống có trách nhiệm với Tổ quốc, gia đình và bản thân; có ước mơ, hoài bão; có kiến thức, kỹ năng, sức khỏe tốt; tư duy năng động, sáng tạo, dám nghĩ, biết làm.

Tuy nhiên, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn thẳng thắn thừa nhận rằng, công tác giáo dục thanh-thiếu nhi vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém. Nhiều tổ chức, cá nhân chưa nhận thức đúng và đầy đủ tầm quan trọng của nhiệm vụ giáo dục thế hệ trẻ, nhất là trong bối cảnh đất nước có nhiều thay đổi.

Do vậy, cần đầu tư đúng mức cho công tác bồi dưỡng, giáo dục thanh-thiếu nhi. Trong đó, triển khai nghiêm túc, đồng bộ các giải pháp đã được xác định trong Chỉ thị số 42-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015-2030”.

“Trân trọng đề nghị Đảng lãnh đạo cán bộ, đảng viên gương mẫu thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, củng cố niềm tin cho quần chúng nhân dân, trong đó có thanh niên. Nhà nước quan tâm, tăng cường đầu tư cho công tác giáo dục thế hệ trẻ; quy hoạch, đầu tư các thiết chế văn hóa, nơi vui chơi, giải trí cho thanh-thiếu nhi.

Tập trung giải quyết các vấn đề bức xúc trong xã hội; tăng cường công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội. Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận và lãnh đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm, dành thời gian tham dự các hoạt động của thanh-thiếu nhi; gặp gỡ, đối thoại với thế hệ trẻ”, ông Nguyễn Đắc Vinh kiến nghị tại Đại hội.

Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ đáp ứng yêu cầu thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Hòa đề nghị, cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến sâu rộng tới mọi tầng lớp nhân dân chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển nguồn nhân lực; về vị trí, vai trò của nguồn nhân lực nữ và xác định trách nhiệm của các cấp, các ngành trong công tác phát triển nguồn nhân lực nói chung, nguồn nhân lực nữ nói riêng.

Phát huy kết quả đạt được của nhiệm kỳ này, công tác cán bộ nữ cần được Đảng, Nhà nước tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo theo tinh thần Di chúc của Bác: “Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày càng thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc, kể cả công việc lãnh đạo”.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa cho biết, Hội LHPN Việt Nam đã trình Ban Bí thư Đề án với phương án đề xuất thành lập Bộ Gia đình, Phụ nữ và Trẻ em để giúp chính phủ quản lý các vấn đề về phụ nữ, gia đình và trẻ em...

Xây dựng giai cấp công nhân, nông dân vững mạnh

Đại diện cho hơn 9 triệu công nhân cả nước gửi mong ước và niềm tin tại Đại hội, ông Đặng Ngọc Tùng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, để tổ chức Công đoàn thực sự trở thành cơ sở xã hội vững chắc của Đảng, hơn lúc nào hết phải thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đảng Cộng sản không mang bản chất giai cấp công nhân, không đứng trên lập trường của giai cấp công nhân thì không còn là một Đảng tiên phong cách mạng”.

Theo ông Tùng, yêu cầu vai trò đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động ngày càng lớn và cấp bách, nhất là khi các Hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực. Vì vậy, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị nhiều biện pháp để giữ vững vai trò của Công đoàn Việt Nam.

Trong đó nhấn mạnh không vì thu hút đầu tư­ mà xem nhẹ quyền lợi của công nhân, lao động. Ông Đặng Ngọc Tùng cũng đề nghị phải quan tâm hơn nữa và đổi mới mạnh mẽ ph­ương thức lãnh đạo của Đảng đối với Công đoàn. Lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước cần thư­ờng xuyên tiếp xúc, làm việc, lắng nghe, đối thoại và giải quyết kịp thời những ý kiến kiến nghị của người lao động và tổ chức Công đoàn.

Về vấn đề tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng giai cấp nông dân thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, các tham luận của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Quốc Cường cho rằng, Đảng ta xác định nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Mục tiêu của quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn là không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của dân cư nông thôn trên cơ sở công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; trong đó, phát triển sản xuất nông nghiệp là then chốt, xây dựng nông thôn mới là căn bản, nông dân giữ vai trò chủ thể.

Trong định hướng phát triển kinh tế- xã hội giai đoạn 5 năm tới, dự thảo Văn kiện của Đại hội XII xác định: “Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại đồng bộ, tổng thể nền kinh tế”, trong đó “cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, gắn với phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới” là một trong những nhiệm vụ quan trọng cần tập trung thực hiện.

Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, mục tiêu chính của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn trong những năm tới là phát triển bền vững theo 3 trụ cột kinh tế, xã hội và môi trường. Cụ thể là: Thực hiện tái cơ cấu, xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, giá trị gia tăng và hiệu quả cao; xây dựng nông thôn mới, nâng cao thu nhập, cải thiện điều kiện sống của dân cư nông thôn; phát triển kết cấu hạ tầng, nâng cao năng lực phòng chống, giảm nhẹ thiên tai; bảo vệ và sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn tài nguyên và môi trường bền vững.

Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Quốc Cường đề nghị, trong tái cơ cấu nông nghiệp, cần chú trọng rà soát, điều chỉnh quy hoạch tổng thể ngành, hàng sản xuất theo thế mạnh của vùng miền, địa phương và đặc điểm đất, sinh thái cây trồng, vật nuôi gắn với phát triển công nghệ cao, công nghiệp chế biến, công nghiệp phụ trợ cho phù hợp.

Tập trung giải quyết khó khăn, tạo sức bật cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn bằng 3 biện pháp mạnh, có tính đột phá gồm: Khoa học kỹ thuật; an toàn vệ sinh thực phẩm và cung cấp thông tin thị trường, giá cả; gắn liền với mở rộng, phát triển thị trường tiềm năng có giá trị sinh lời cao.

“Cần đề ra các tiêu chí cụ thể và chỉ đạo xây dựng hình mẫu “người nông dân mới” trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa với các tiêu chí “nhận thức mới, kiến thức mới, ý thức mới, văn hóa mới, quyết tâm mới” để có đời sống cao hơn và để xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam vững mạnh, phù hợp với yêu cầu của tình hình mới”, ông Nguyễn Quốc Cường nhấn mạnh.

Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII có 200 đồng chí

Ngày 24-1, các đoàn dành cả ngày để thảo luận về tiêu chuẩn và cơ cấu Ban Chấp hành Trung ương (BCH) Đảng khóa XII. Trong buổi sáng, tại các đoàn, đồng chí trưởng đoàn phổ biến báo cáo của Đoàn Chủ tịch về những thông tin cần thiết trong danh sách giới thiệu nhân sự ứng cử BCH Trung ương khóa XII do BCH Trung ương khóa XI chuẩn bị (nếu có).

Các đại biểu nghiên cứu danh sách giới thiệu ứng cử, đề cử BCH Trung ương khóa XII (chính thức và dự khuyết) do BCH Trung ương khóa XI chuẩn bị. Buổi chiều, các đại biểu trao đổi tiếp về tiêu chuẩn, cơ cấu, danh sách đề cử BCH Trung ương khóa XII và nghiên cứu các tài liệu, hồ sơ về nhân sự.

Các đại biểu ghi phiếu ứng cử, đề cử vào BCH Trung ương khóa XII. Đoàn Chủ tịch nghe các đồng chí trưởng đoàn báo cáo về danh sách ứng cử, đề cử (bổ sung) vào BCH Trung ương khóa XII. Được biết, đại biểu sẽ ghi phiếu xin rút khỏi danh sách ứng cử, đề cử vào BCH Trung ương khóa XII (nếu có) vào sáng 25-1.

Đoàn Chủ tịch sẽ họp để xem xét các trường hợp xin rút. Đại hội thực hiện quy trình biểu quyết thông qua danh sách ứng cử, đề cử, các trường hợp xin rút trong buổi chiều cùng ngày để ngày 26-1 chính thức bầu BCH Trung ương Đảng khóa XII.

Trước đó, trong phiên làm việc chiều 23-1, Đại hội đã thảo luận và biểu quyết thông qua số lượng Ủy viên BCH Trung ương khóa XII là 200 đồng chí, gồm 180 đồng chí ủy viên chính thức và 20 đồng chí ủy viên dự khuyết. So với khóa XI, số lượng ủy viên chính thức tăng lên 5 người trong khi ủy viên dự khuyết giảm 5 người.

N. THÀNH - V. DŨNG

;
.
.
.
.
.