.

Xử lý ùn tắc tại các nút giao thông: Cần giải pháp mang tính lâu dài

.

Một thực tế gần đây tại thành phố là các cơ quan chức năng rất nỗ lực trong việc xử lý ùn tắc tại các nút giao thông quan trọng, tuy nhiên kết quả còn khá khiêm tốn.

Hình ảnh khá phổ biến tại các nút giao thông trong giờ cao điểm hiện nay của thành phố. Trong ảnh: Ngã tư Hải Phòng-Nguyễn Thị Minh Khai vào giờ cao điểm.
Hình ảnh khá phổ biến tại các nút giao thông trong giờ cao điểm hiện nay của thành phố. Trong ảnh: Ngã tư Hải Phòng-Nguyễn Thị Minh Khai vào giờ cao điểm.

Nhiều  nút giao thông quan trọng bị ùn tắc giờ cao điểm

Nút giao thông phía tây cầu Sông Hàn là một trong những nút giao thông quan trọng bậc nhất thành phố; vì vậy thành phố đầu tư nhiều công sức cho việc hoàn thiện hạ tầng, tổ chức nhiều hình thức giao thông cũng như tốn nhiều công sức tham gia điều tiết giao thông của lực lượng Cảnh sát giao thông.

Tuy nhiên, hầu như các ngành càng nỗ lực bao nhiêu thì tình hình ùn tắc giao thông tại đây càng trầm trọng hơn. Khi cầu Sông Hàn được khánh thành đưa vào sử dụng, nút giao thông phía tây được tổ chức theo mô hình đảo giao thông, nhưng sau khi nhận thấy tình hình giao thông vào giờ cao điểm bị ùn tắc thường xuyên, thành phố đã quyết định tổ chức giao thông nơi đây thành ngã tư có đèn tín hiệu, đồng thời thực hiện điều chỉnh thời gian “cấm ô-tô qua cầu”...

Điều này lại khiến cho người tham gia giao thông khá bối rối khi đi qua nút giao thông này. Ngoài việc cấm theo giờ, tại đây còn có biển cấm rẽ trái từ cầu Sông Hàn vào đuờng Trần Phú theo một số giờ cao điểm.

Nhiều tài xế từ nơi khác đến đây đã than thở: Khi vào nút có quá nhiều biển hướng dẫn, với rất nhiều con số và chữ nhỏ rất khó đọc, nhất là vào ban đêm khi ở khoảng cách từ xa, còn khi đến gần thì những biển này ở quá cao nên muốn nhìn rõ tài xế chỉ có cách... thò đầu ra khỏi cửa ô-tô.

Tương tự, nút giao thông phía đông cầu Sông Hàn truớc đây cũng được tổ chức giao thông theo mô hình đảo giao thông có hình “vây cá” với mục đích không cho các phương tiện lấn làn khi vào nút. Thế nhưng, chỉ sau một thời gian ngắn thành phố cũng phải phá bỏ các “vây cá” này vì... cản trở giao thông.

Trong khi đó, tại nút giao thông phía tây cầu Rồng, mặc dù cũng đã qua vài lần thay đổi tổ chức giao thông từ mô hình đảo giao thông sang một ngã tư và bây giờ là hai ngã tư có đèn tín hiệu giao thông, tuy nhiên có thể thấy vào giờ cao điểm tại đây vẫn thường xuyên ùn ứ.

Đặc biệt, là tình trạng phương tiện  “đối đầu” nhau vì nhiều ô-tô, mô-tô khi vừa đổ dốc cầu (ngã tư đầu tiên) liền rẽ ngay vào đường 2 Tháng 9 thay vì đi đến ngã tư thứ 2 mới rẽ vào đường 2 Tháng 9 như quy định.

Đặc biệt, các nút giao thông ở phía đông của các cầu  Rồng, Trần Thị Lý, Tiên Sơn đều trong tình trạng khá rối rắm và nguy cơ tai nạn giao thông đã trở thành nỗi ám ảnh với người tham gia giao thông.

Trước đây, nhận thấy việc cho  đường gom dọc theo trục đường Ngô Quyền, Ngũ Hành Sơn... đi hai làn ngược chiều tồn tại nhiều nguy cơ tai nạn giao thông, nhất là khi vào nút là khá hỗn loạn, ngành chức năng thành phố cho tổ chức giao thông một chiều.

Thế nhưng, vừa triển khai tổ chức giao thông một chiều, lập tức gặp sự phản đối của người dân vì họ cho rằng phải đi rất xa mỗi khi muốn  qua bên kia đường. Sau đó thành phố phải dừng việc tổ chức theo đường một chiều, đây có thể nói là nguyên nhân khiến cho các nút giao thông này trong nhiều năm nay khá hỗn loạn ở trong nút.

Tương tự  là việc mở đường Tôn Thất Đạm nối đường Nguyễn Tất Thành vào trục đường Lê Độ, Nguyễn Tri Phuơng, ngay lập tức đưa hàng loạt nút giao thông như Tôn Thất Đạm-Lê Độ-Trần Cao Vân, Lê Độ-Nguyễn Tri Phương-Điện Biên Phủ... vào các giờ cao điểm ùn tắc giao thông nghiêm trọng hơn.

Cần có giải pháp lâu dài

Trước đây, khi tham gia tư vấn cho thành phố trong vịêc xây dựng hạ tầng giao thông, các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới nhiều lần lên tiếng cảnh báo thành phố cần sớm có phương án tổ chức điều tiết giao thông cũng như xây dựng các công trình khác mức tại các nút giao thông nhằm tránh vào giờ cao điểm các phương tiện đổ dồn vào các nút giao thông quan trọng gây nên quá tải.

Điều này đến nay đã thành hiện thực. Ông Toshida Osi, chuyên gia tổ chức giao thông thuộc Tổ chức JICA Nhật Bản, cũng đã dự báo về ùn tắc ở các nút giao thông tại Đà Nẵng. Theo chuyên gia này, với những nút giao thông có mật độ lưu thông cao thì giải pháp tốt nhất là tổ chức hình thức giao thông khác mức (xây cầu vượt tại các nút giao thông), đồng thời điều tiết giao thông từ xa để giảm tải cho các trục-nút giao thông quan trọng.

Chia sẻ quan điểm này, TS Nguyễn Hồng Hải, Truởng khoa Cầu đuờng, Trường Đại học Bách khoa – ĐH Đà Nẵng cho rằng, phương án tối ưu là xây cầu vượt tại các nút giao thông có mật độ phương tiện lưu thông cao. Tuy nhiên, thực tế tại Đà Nẵng, mọi việc “đã rồi”, tức các nút giao thông không được xây cầu vượt hoặc ít nhất là trong thiết kế chưa thể hiện phương án này.

Thiết nghĩ, bên cạnh các giải pháp tình thế, ngắn hạn để giảm tải cho các nút giao thông, rất cần những phương án lâu dài mang tính đón đầu mới giải quyết căn bản tình trạng ùn tắc giao thông trong đô thị.

Bài và ảnh: Bùi Thanh

;
.
.
.
.
.