.

Tập trung phát hiện, kiềm chế, trấn áp tội phạm từ cơ sở

.

Ngày 26-11, Phó Bí thư thường trực Thành ủy Võ Công Trí chủ trì Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới và 1 năm thực hiện Chỉ thị 37-CT/TU của Thành ủy Đà Nẵng về “Tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống, kiểm soát tội phạm về tệ nạn ma túy trên địa bàn thành phố”.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí trao Bằng khen của UBND thành  phố cho các tập thể, cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống  tội phạm
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí trao Bằng khen của UBND thành phố cho các tập thể, cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống tội phạm

Dự hội nghị có Thiếu tướng Nguyễn Phi Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an; các Phó Chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng và Nguyễn Ngọc Tuấn cùng đại diện các sở, ban, ngành, địa phương.

Báo cáo của Công an thành phố (CATP) cho biết, 5 năm qua, CATP đã điều tra khám phá 1.718/2.190 vụ phạm pháp hình sự, bắt xử lý 2.784 đối tượng; trong đó, án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đạt tỷ lệ điều tra khám phá 100%. CATP triệt phá 58 nhóm với 327 đối tượng chuyên thực hiện các hành vi trộm cắp, cướp giật, cưỡng đoạt, cố ý gây thương tích; bắt, vận động đầu thú 451 đối tượng truy nã; phát hiện, xử lý 1.879 vụ với 7.164 đối tượng cờ bạc, số đề, cá độ bóng đá, thu giữ hàng chục tỷ đồng cùng nhiều tang vật liên quan khác.

Về tội phạm và tệ nạn ma túy, từ ngày 20-8-2014 đến 20-8-2015, các lực lượng chức năng phòng chống tội phạm và tệ nạn ma túy của thành phố đã phát hiện, bắt giữ 111 vụ, 162 đối tượng hoạt động phạm tội về ma túy. Đến ngày 20-8-2015, toàn thành phố có 2.154 người nghiện có hồ sơ quản lý, trong đó đang ở ngoài cộng đồng là 1.584 người, chiếm 73,5%; đang ở Trung tâm Giáo dục-dạy nghề 05-06, cơ sở quản lý lưu trú tạm thời… là 415 người; số tái nghiện 270 người, số nghiện mới là 356 người…

Đại tá Lê Văn Tam, Giám đốc CATP cho rằng, tình hình người nghiện trên địa bàn thành phố diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng (tăng 6,7% so với năm 2014) và ngày càng trẻ hóa, tập trung ở độ tuổi thanh, thiếu niên (chiếm tỷ lệ 62,5% tăng 3,5% so với năm 2014). Số đối tượng nghiện, sử dụng ma túy ở ngoài cộng đồng còn nhiều (78%) trong khi công tác cai nghiện tại gia đình-cộng đồng chưa đảm bảo yêu cầu đặt ra chỉ chiếm 4% và hầu hết không có việc làm (chiếm 85,3%).

Hiện nay, tình trạng người nghiện sử dụng ma túy tổng hợp ngày càng tăng và chiếm tỷ lệ cao (chiếm 76,8%, tăng 7,7% so với năm 2014). Trong khi đó ma túy dạng đá thường tạo ra ảo giác mạng và kéo dài sẽ làm cho người sử dụng không kiểm soát được.

Cũng theo Đại tá Lê Văn Tam, hoạt động của các loại tội phạm và tệ nạn xã hội trên địa bàn vẫn diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng, số người phạm tội là người chưa thành niên chiếm tỷ lệ cao, hoạt động của tội phạm có tổ chức cố ý gây thương tích, đòi nợ thuê, cưỡng đoạt tài sản, cướp giật, sử dụng vũ khí nón”, chống người thi hành công vụ, giết người do nguyên nhân xã hội; đặc biệt là tội phạm sử dụng công nghệ cao ngày càng tinh vi, liều lĩnh và gây hậu quả nghiêm trọng hơn.

Phát biểu tại hội nghị, Thiếu tướng Nguyễn Phi Hùng đánh giá cao các ngành chức năng của thành phố đã làm tốt công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới. Thiếu tướng Nguyễn Phi Hùng cho rằng, ở Đà Nẵng chưa có tội phạm nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm;

tuy nhiên, trong thời gian tới, Đà Nẵng cần phải quyết liệt ngăn chặn kịp thời loại tội phạm theo băng nhóm từ các địa phương khác trên cả nước đến Đà Nẵng, gây mất an ninh trật tự; đặc biệt là tội phạm ma túy, cướp của giết người, tội phạm công nghệ cao, tội phạm có yếu tố người nước ngoài…

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Bí thư thường trực Thành ủy Võ Công Trí nhấn mạnh, công tác phòng chống tội phạm đã có những chuyển biến tích cực từ các cấp, các ngành, các địa phương. Các cơ quan chức năng cũng xác định rõ trách nhiệm thực hiện công tác phòng, chống tội phạm, giải quyết được nhiều vấn đề nổi lên từng thời điểm; nâng cao nhận thức của nhân dân có đổi mới, huy động được tổ chức, cá nhân trong hệ thống chính trị tham gia.

Lực lượng chức năng phá được nhiều chuyên án lớn. Tuy nhiên, để công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm đạt hiệu quả so với sự phát triển của thành phố thì vai trò của các khu dân cư là rất quan trọng. Vì vậy, các ngành chức năng, các địa phương cần đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác quản lý cư trú, phối hợp với địa phương phát hiện những loại tội phạm mới và kịp thời ngăn chặn, xử lý rốt ráo. “Chúng ta phải xây dựng Đà Nẵng thực sự trở thành thành phố an bình, để bảo đảm an toàn cho mỗi người dân khi ra đường cảm thấy bình yên, không phải lo lắng về tội phạm; yên tâm không sợ ở nhà bị kẻ trộm cạy cửa lấy trộm đồ đạc…”, đồng chí Võ Công Trí nhấn mạnh.

Dịp này, UBND thành phố tặng bằng khen cho 17 tập thể và 20 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống tội phạm trên địa bàn thành phố.

Trọng Hùng

;
.
.
.
.
.