.

Mạnh tay xử lý quảng cáo, rao vặt

.

Tháng hành động cao điểm thực hiện “Năm văn hóa, văn minh đô thị 2015”, hành vi quảng cáo, rao vặt (QCRV), phát tờ rơi sai quy định được các cơ quan chức năng tăng cường xử lý; nhiều địa phương rốt ráo ra quân xóa, gỡ QCRV trong các tuyến đường nhỏ, khu dân cư... Tuy nhiên, để chấm dứt triệt để hành vi này như mục tiêu đề ra ban đầu thì còn khó!

Tẩy xóa quảng cáo, rao vặt được các địa phương rốt ráo thực hiện trong tháng cao điểm thực hiện văn hóa, văn minh đô thị.
Tẩy xóa quảng cáo, rao vặt được các địa phương rốt ráo thực hiện trong tháng cao điểm thực hiện văn hóa, văn minh đô thị.

Nhiều giải pháp

Từ đầu năm 2015 đến nay, hoạt động QCRV, phát tờ rơi đã được Sở VH-TT&DL và UBND các quận, huyện tập trung giải quyết. Nhiều kế hoạch, giải pháp được đưa ra như: thường xuyên ra quân kiểm tra thực tế hoạt động QCRV, phát tán tờ rơi không đúng quy định tại các ngã 3, ngã 4; bóc gỡ, tẩy xóa QCRV tại các điểm nóng và các tuyến đường chính khu vực trung tâm thành phố.

Thống kê các số điện thoại QCRV vi phạm đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông có ý kiến với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông cắt số điện thoại vi phạm và không cho phép phục hồi. Đến nay, Sở Thông tin và truyền thông đã cắt vĩnh viễn hơn 800 số điện thoại quảng cáo sai quy định.

Bên cạnh đó, các quận, huyện đã lắp đặt 112 bảng dán QCRV miễn phí phục vụ cho các cá nhân, đơn vị có nhu cầu QCRV đúng nơi quy định, bảo đảm mỹ quan, làm giảm QCRV tràn lan, không đúng chỗ.


Sở VH-TT&DL cũng tham mưu thành phố các giải pháp nhằm giảm thiểu và tiến tới chấm dứt hành vi vi phạm gây mất mỹ quan này.

Cụ thể, đề xuất chi trả cho người tham gia tháo gỡ QCRV sai quy định từ nguồn ngân sách với mức 500 đồng/miếng đối với miếng dán decal, bạt treo; 300 đồng/miếng đối với miếng dán bằng giấy; đề xuất cho phép sử dụng toàn bộ số tiền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực QCRV để khen thưởng người phát hiện hành vi vi phạm và hỗ trợ bồi dưỡng cho cán bộ kiểm tra thực thi nhiệm vụ theo quy định. Các đề xuất này đều được UBND thành phố thông qua.

Đặc biệt, Sở VH-TT&DL đã ban hành Văn bản số 4334/SVHTTDL-NSVHGĐ ngày 1-9-2015 về việc hướng dẫn bổ sung tiêu chí “không có quảng cáo, rao vặt sai quy định” vào việc bình xét các danh hiệu văn hóa trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn thành phố, áp dụng từ năm 2015.

Năm 2015, khó chấm dứt quảng cáo, rao vặt sai quy định

Đến thời điểm hiện tại, có thể thấy tình trạng QCRV, phát dán tờ rơi sai quy định đã giảm đáng kể, qua đó tăng cường tôn tạo cảnh quan môi trường sạch đẹp trên địa bàn thành phố. Tình trạng phát tờ rơi quảng cáo tại các nút giao thông gần như không còn. Tại các tuyến đường chính, trung tâm, đường lớn của các quận huyện đã giảm hẳn QCRV in, dán trên trụ điện, cây xanh.

“Chúng tôi quyết tâm không để QCRV tái diễn trên các tuyến đường trung tâm của thành phố. Mỗi ngày, từ sáng sớm, cán bộ của đội đi kiểm tra quanh các tuyến đường, các điểm thường diễn ra sai phạm để kịp thời xử lý”, ông Nguyễn Minh Ngọc, Đội trưởng đội kiểm tra, Trung tâm Quản lý quảng cáo thành phố cho biết.

Trong khi đó, vào tháng cao điểm thực hiện văn hóa - văn minh đô thị, các quận, huyện cũng huy động lực lượng từ cán bộ đến đoàn thể đẩy mạnh thực hiện ra quân tẩy xóa, tháo gỡ toàn bộ các mẫu QCRV tồn tại trên địa bàn; lập biên bản cam kết, bàn giao cho địa bàn dân cư quản lý sau khi đã làm sạch.

Ông Nguyễn Thanh Phong, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin quận Sơn Trà cho biết, trong 2 tuần vừa qua, các phường trên địa bàn quận rốt ráo ra quân thực hiện, qua đó cho thấy, ở những tuyến đường trung tâm hầu như rất ít QCRV, chủ yếu xóa, gỡ trong các con đường nhỏ, các khu dân cư. Nội dung QCRV vẫn là hút hầm cầu, tuyển dụng, cho vay, diệt mối…

Trao đổi với ông Nguyễn Hữu Chiến, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, đơn vị thường trực “Năm văn hóa, văn minh đô thị 2015” về việc khi nào mới chấm dứt tình trạng xóa, gỡ QCRV bởi mục tiêu đề ra là chấm dứt hành vi này trong năm 2015, ông Chiến thẳng thắn thừa nhận: “Năm 2015 chỉ cải thiện được tình trạng QCRV, không thể chấm dứt triệt để QCRV.

Làm sao chấm dứt được khi chính quyền, các cơ quan chức năng kiên quyết làm, trong khi các đối tượng tìm đủ mọi cách để lách mà chúng ta không có chế tài đủ mạnh để xử lý”. Ông Chiến lý giải rằng, quy định của pháp luật đối với hành vi vi phạm QCRV là chỉ xử phạt hành chính, không thể bắt giữ.

Mặt khác, Nghị định số 158/2013/NĐ-CP ngày 12-11-2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực VH-TT&DL và quảng cáo, chỉ có chế tài xử phạt mà không có quy định về cắt số điện thoại QCRV.

“Thời gian qua, Sở VH-TT&DL đã đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông cắt khá nhiều thuê bao vi phạm QCRV. Nhưng xử lý tận gốc thì chưa. Bởi phần lớn số điện thoại vi phạm thường là các sim rác, không tìm được chủ thuê bao, các thuê bao vi phạm đăng ký tại tỉnh, thành phố khác như Thanh Hóa, Đồng Nai, Quảng Trị… Không lẽ phải đến tận các tỉnh đó xác minh rồi xử phạt? Chừng nào còn sim rác thì còn khe hở để các đối tượng lợi dụng vi phạm!”, ông Chiến cho biết.

Trong thời gian tới, Sở VH-TT&DL đặc biệt chú trọng vai trò của người dân trong việc phát giác, phản ánh kịp thời đến cơ quan quản lý khi có đối tượng phát tờ rơi, dán QCRV; sau khi các đơn vị chức năng làm sạch QCRV tại khu dân cư sẽ bàn giao cho khu dân cư, tổ dân phố.

Khu dân cư, tổ dân phố phải chịu trách nhiệm quản lý, không để QCRV tái xuất hiện, nếu không sẽ xem xét danh hiệu thi đua của tổ dân phố văn hóa...

Bài và ảnh: NGỌC HÀ

;
.
.
.
.
.