.

Tai nạn giao thông: Vì sao số người chết tăng?

.

Mặc dù số vụ tai nạn giao thông (TNGT) trong 9 tháng đầu năm 2015 giảm hơn 17% so với cùng kỳ, nhưng số người chết lại tăng hơn 15%. Vậy, đâu là nguyên nhân và liệu mục tiêu “3 giảm” của Đà Nẵng có gặp khó khăn?

Giảm số vụ, tăng số người chết

Báo cáo từ Ban An toàn giao thông thành phố, tính từ ngày 16-12-2014 đến hết ngày 15-9-2015, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng xảy ra 103 vụ TNGT đường bộ, làm chết 76 người, bị thương 74 người; gây hư hỏng 50 mô-tô, 16 ô-tô, 1 xe thô sơ, thiệt hại 219,6 triệu đồng. So với cùng kỳ năm 2014 đã giảm 22 vụ (giảm 17,6%), 47 người bị thương (giảm 38,8%); tuy nhiên, số người chết tăng 10 người (tăng 15,2%). Qua phân tích của Cảnh sát giao thông cho thấy, gần 50% số vụ TNGT xảy ra vào ban đêm (từ 18 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau).

Địa bàn xảy ra tai nạn là quốc lộ 1A: 17 vụ, quốc lộ 14B: 8 vụ, quốc lộ 14G: 1 vụ, tỉnh lộ: 4 vụ, đường tránh Hải Vân – Túy Loan: 2 vụ, nông thôn 6 vụ, nội thành 63 vụ, nơi khác 2 vụ. 3 địa phương có số người chết vì TNGT tăng, gồm Hải Châu: 5 người, Hòa Vang: 10 người và Liên Chiểu: 6 người; các địa phương còn lại số người chết giảm đáng kể so với cùng kỳ.

Nói về nguyên nhân tăng số người chết, ông Nguyễn Hữu Cường, Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông thành phố Đà Nẵng cho biết, từ cuối tháng 12-2014 đến cuối tháng 4-2015, thành phố giảm sâu cả ba tiêu chí. Tuy nhiên, từ cuối tháng 4 đến nay, xảy ra 3 vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng là vụ TNGT ở giao lộ đường tránh Hải Vân - Túy Loan và Hoàng Văn Thái (nối dài) vào cuối tháng 4, làm 7 người chết; hai vụ TNGT tại cầu Thuận Phước trong tháng 7 làm 4 người chết dẫn đến số người chết tăng lên.

Qua phân tích nguyên nhân, ông Nguyễn Hữu Cường cho rằng, chủ yếu bắt nguồn từ ý thức tham gia giao thông của người dân. Các lỗi dẫn đến gây TNGT chủ yếu là chạy quá tốc độ, đi ngược chiều, đi không đúng phần đường, làn đường, tránh vượt sai quy định, không nhường đường, không chú ý quan sát, uống rượu bia khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Ông Cường dẫn chứng, từ đầu năm đến nay, lực lượng Công an đã lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính hơn 40.000 trường hợp; trong đó có 7.534 trường hợp đi không đúng phần đường, làn đường, hơn 1.000 trường hợp đi ngược chiều, gần 4.500 phương tiện chạy quá tốc độ…

Tìm giải pháp căn cơ

Năm 2015, Đà Nẵng quyết liệt thực hiện Chỉ thị 43-CT/TU về “Năm Văn hóa, văn minh, đô thị”, trong đó việc giảm TNGT cả ba tiêu chí là một trong 7 nội dung quan trọng của chỉ thị. Vậy, cần những giải pháp căn cơ nào để mục tiêu “3 giảm” của Đà Nẵng không bị phá sản? Ông Nguyễn Hữu Cường cho rằng, chưa bao giờ thành phố Đà Nẵng làm quyết liệt như năm nay nhằm thiết lập về trật tự an toàn giao thông. Trong đó, cả hệ thống chính trị vào cuộc đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức, nội dung. Tuy nhiên, mức độ tác động đến với người tham gia giao thông vẫn không cao. Điều đó thể hiện qua số trường hợp vi phạm giao thông mà lực lượng Công an đã xử lý.

Vì vậy, ông Cường cho rằng giải pháp căn cơ nhất ngoài công tác tuyên truyền thường xuyên chính là tập trung xử lý mạnh. Trong đó, cần phải có giải pháp giám sát hành vi của người tham gia giao thông thông qua hệ thống camera.

“Ý thức người tham gia giao thông vẫn còn nhiều hạn chế. Khi có Cảnh sát giao thông thì nghiêm túc, còn không có thì chen lấn nhau chạy, vượt đèn đỏ… Vì vậy, phải có hệ thống giám sát bằng camera đặt tại các trụ đèn giao thông, các tuyến quốc lộ thường xảy ra TNGT để giám sát, xử phạt, khi đó ý thức người tham gia giao thông mới được nâng lên. Thực tế, qua việc thử nghiệm camera giám sát tại cầu Thuận Phước, đến nay tình trạng xe vi phạm trật tự an toàn giao thông tại đây đã giảm mạnh”, ông Cường cho biết

Trong khi đó, Thượng tá Lê Văn Lực, Phó phòng Cảnh sát giao thông cho biết, Giám đốc Công an thành phố đã chỉ đạo, giao Phòng Cảnh sát giao thông tiếp tục thực hiện các đợt cao điểm, chuyên đề xử lý vi phạm giao thông từ nay đến Tết Nguyên đán. Trong đó, tập trung xử lý các lỗi như xe ben chở quá khổ quá tải, để rơi vãi đất, đá trên đường; taxi phóng nhanh, vượt ẩu, đi không đúng phần đường, làn đường; xe lôi, xe kéo, xe “5 không” đi ngược chiều, vượt đèn đỏ; không đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy; đo nồng độ cồn; chống đua xe…

Bên cạnh đó, UBND các quận, huyện cũng đã chỉ đạo các ngành, các cấp vào cuộc quyết liệt. Ngành Giao thông vận tải kịp thời xử lý một số “điểm đen” giao thông như cầu Thuận Phước, giao lộ Hải Vân - Túy Loan và đường Hoàng Văn Thái… Hy vọng, với sự nỗ lực, đồng lòng chung sức của cả hệ thống chính trị, từ nay đến cuối năm mục tiêu “3 giảm” sẽ thành công…

NGỌC PHÚ

;
.
.
.
.
.