.

Số trường công lập mới đáp ứng hơn 23% nhu cầu gửi trẻ

.

Ngày 1-10, tại Đà Nẵng, Hội đồng dân tộc của Quốc hội tổ chức phiên họp lần thứ 9 lấy ý kiến, góp ý về dự thảo Luật Bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em (sửa đổi).  

Bà Triệu Thị Nái, Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc Quốc hội, cho biết hiện số trường công lập trên cả nước mới đáp ứng hơn 23% nhu cầu gửi trẻ (trẻ dưới 36 tháng tuổi); còn lại phải gửi ở các cơ sở ngoài công lập, nhóm trẻ gia đình.

Bên cạnh đó, cả nước hiện có hơn 22.000 trẻ em đang được nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội hoặc trợ giúp trẻ em. Trong đó, hơn 10.000 em đang được chăm sóc, nuôi dưỡng trong hơn 300 cơ sở do Nhà nước thành lập và hơn 12.300 em được chăm sóc, nuôi dưỡng tại hơn 300 cơ sở do các tổ chức xã hội và tư nhân thành lập.

Tại hội nghị, các đại biểu đã có nhiều ý kiến góp ý về dự thảo Luật Bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em (sửa đổi) như: cần xem xét lại tên Luật sửa thành Luật Bảo vệ quyền trẻ em vì Luật này tập trung quy định về quyền và bảo đảm thực hiện quyền trẻ em; vấn đề bảo đảm quyền của trẻ em phải được làm rõ, chẳng hạn như quyền đi học thì phải có mạng lưới trường lớp chất lượng đáp ứng yêu cầu…

Luật Bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em nhằm thể chế hóa chủ trương, nghị quyết của Đảng; cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp 2013 về việc thực hiện các quyền của trẻ em; tuân thủ các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, tham gia; đồng thời khắc phục những hạn chế của Luật hiện hành.

Luật lần này nhằm hướng đến sự công bằng trong thụ hưởng ngân sách Nhà nước với một số nhóm trẻ có hoàn cảnh đặc biệt chưa được Chính phủ đặt ra dựa trên cách tiếp cận quyền của trẻ em. Mọi ý kiến, góp ý của các đại biểu cho dự thảo Luật Bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em (sửa đổi) nhằm hoàn chỉnh dự thảo luật, trình Quốc hội trong thời gian tới.

PHƯƠNG TRÀ

;
.
.
.
.
.