.

Niềm tin và kỳ vọng

.

LTS: Hướng về Đại hội lần thứ XXI Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2015-2020, các tầng lớp nhân dân và cán bộ, đảng viên thành phố thể hiện niềm tin và kỳ vọng vào sự phát triển bền vững của thành phố trong giai đoạn mới. Từ số báo này, Báo Đà Nẵng đăng tải những ý kiến tâm huyết, đóng góp vào định hướng phát triển của thành phố trong nhiệm kỳ 2015-2020, góp phần vào thành công chung của Đại hội.

Thư viện Khoa học- Tổng hợp Đà Nẵng là một trong 11 công trình trọng điểm của thành phố năm 2015, là công trình văn hóa tiêu biểu của “Năm văn hóa, văn minh đô thị”. 										         Ảnh: Đặng Nở
Thư viện Khoa học- Tổng hợp Đà Nẵng là một trong 11 công trình trọng điểm của thành phố năm 2015, là công trình văn hóa tiêu biểu của “Năm văn hóa, văn minh đô thị”. Ảnh: Đặng Nở

Phấn đấu xây dựng Đà Nẵng thành “Thành phố học tập”

Một trong những nhiệm vụ về giáo dục và đào tạo được ghi trong Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa XX tại Đại hội đại biểu lần thứ XXI Đảng bộ thành phố, nhiệm kỳ 2015 - 2020 là: “Tiếp tục đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập”.

Thuật ngữ xã hội học tập là một khái niệm được sử dụng rộng rãi từ sau Đại hội IX của Đảng (năm 2001) và tiếp đó, trên các văn kiện Đại hội X và XI cũng đã xác định nhiệm vụ xây dựng nước ta thành xã hội học tập. Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng cũng đã ghi: “Hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng hệ thống giáo dục mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập”.

Trong nhiệm kỳ Đại hội XI, thể chế hóa chủ trương xây dựng xã hội học tập, Chính phủ đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để chỉ đạo thực hiện (Quyết định 89/QĐ-TTg ngày 9-1-2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020” và Quyết định 281/QĐ-TTg ngày 20-2-2014 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020”).

Thật ra, vào những năm 70 của thế kỷ 20, UNESCO đã đề ra tiêu chí thành phố học tập và đến nay đã có trên 1.000 thành phố trên thế giới được công nhận là thành phố học tập. Ở nước ta, chưa có địa phương nào đạt được tiêu chí này mà đang tiến hành xây dựng cộng đồng học tập khu dân cư, phường, xã, tiến đến xây dựng quận/huyện học tập, tỉnh/thành phố học tập. Cả nước hiện nay chỉ mới có thành phố Hồ Chí Minh đưa mục tiêu xây dựng Thành phố học tập vào dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội Đảng bộ sắp tới.

Là thành phố đang có những chỉ số phát triển giáo dục và đào tạo tiên tiến: phổ cập mầm non 5 tuổi, phổ cập tiểu học và trung học cơ sở đúng độ tuổi, phổ cập bậc trung học; không còn người mù chữ theo chủ trương “thành phố 5 không”; có hàng chục trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp không những đáp ứng nhu cầu học lên và đào tạo nguồn nhân lực cho thành phố mà còn cho các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên và cả cho nước bạn Lào, Đà Nẵng đang dần trở thành trung tâm giáo dục và đào tạo của miền Trung và Tây Nguyên như chỉ đạo của Bộ Chính trị (khóa IX) tại Nghị quyết 33-NQ/TW.

Hệ thống các trung tâm giáo dục thường xuyên tại các quận, huyện, các trung tâm học tập cộng đồng đã được phủ kín khắp các xã, phường cùng với các thiết chế văn hóa như thư viện, nhà văn hóa, phòng đọc báo, điểm Internet kết nối thông tin khoa học công nghệ… đã tạo cơ hội cho người lớn có điều kiện học tập suốt đời. Trình độ dân trí được nâng lên cùng với hiệu quả của việc học tập đã tác động tích cực đến việc làm chuyển biến chất lượng cuộc sống của mỗi cá nhân, gia đình và cộng đồng.

Mức sống gia đình tăng lên thì phương tiện cho tự học của mỗi gia đình cũng tăng theo. Đặc biệt, cấp ủy và chính quyền thành phố cũng như các địa phương rất quan tâm lãnh đạo và đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo nên đó sẽ là một cam kết chính trị để tiến hành xây dựng xã hội học tập tại thành phố Đà Nẵng.

Cùng với nền tảng thuận lợi nêu trên, với địa bàn không rộng, giao thông thuận tiện cho việc giao lưu học tập, phát huy truyền thống hiếu học và khuyến học sẵn có, rõ ràng Đà Nẵng có khả năng phấn đấu trở thành thành phố học tập.

Chính vì vậy, chúng tôi kiến nghị với Đại hội điều chỉnh nhiệm vụ đã nêu ở trên thành mục tiêu cụ thể cho nhiệm vụ xây dựng xã hội học tập tại thành phố giai đoạn nhiệm kỳ 2015-2020 của Đại hội XXI: “Tiếp tục đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài và phong trào học tập suốt đời, phấn đấu xây dựng Đà Nẵng trở thành Thành phố học tập”.

Với nhiều thuận lợi và khó khăn đan xen, chúng ta đã và đang xây dựng Đà Nẵng thành Thành phố môi trường, trở thành điểm son trên bản đồ bảo vệ môi trường không chỉ ở nước ta mà còn ở cả khu vực châu Á.

Vậy với kinh nghiệm đã tích lũy được khi tiến hành thí điểm xây dựng các mô hình học tập giai đoạn 2014-2015 và kinh nghiệm chỉ đạo xây dựng Thành phố môi trường, nhất định chúng ta sẽ xây dựng thành công Đà Nẵng thành Thành phố học tập!

Quyết tâm chính trị ấy chỉ có thể được thực hiện thành công khi có sự lãnh đạo của Đảng bộ thành phố.

TRẦN ĐÌNH LIỄN

(Chủ tịch Hội Khuyến học thành phố)

;
.
.
.
.
.