.
Đối thoại đầu tuần

Hết chỗ cho tàu cá tránh bão

.

Trong cơn bão số 3 vừa qua, Âu thuyền Thọ Quang đã tiếp nhận 1.255 tàu cá vào tránh bão, trong khi sức chứa bảo đảm an toàn chỉ 800 tàu. Nếu tâm bão vào Đà Nẵng, với mật độ neo đậu tàu cá ken dày như vậy khó tránh khỏi thiệt hại lớn. Trao đổi với Báo Đà Nẵng, Đại tá, Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố Nguyễn Quốc Bình khẳng định: Chỉ còn duy nhất âu nước cồn Mân Quang là có thể mở rộng làm nơi neo đậu cho tàu cá tránh trú bão.

Quá tải tàu cá tránh trú bão trong Âu thuyền Thọ Quang gây nguy cơ va đập gây vỡ, chìm tàu. 		Ảnh: SƠN TRUNG
Quá tải tàu cá tránh trú bão trong Âu thuyền Thọ Quang gây nguy cơ va đập gây vỡ, chìm tàu. Ảnh: SƠN TRUNG

* Thưa ông, Âu thuyền Thọ Quang có vị trí như thế nào mà ngư dân hay chọn để đưa tàu cá vào tránh trú khi có tin báo bão?

- Âu thuyền Thọ Quang của thành phố chúng ta có lợi thế rất rõ là vị trí trung tâm có bán kính gần nhất với ngư trường Hoàng Sa, nơi ngư dân nhiều địa phương hành nghề khai thác hải sản. Khi có tin báo bão, tàu cá quay về Âu thuyền Thọ Quang là gần nhất, nhanh nhất để tránh bão. Vị trí âu thuyền trong lòng núi kín gió nên bảo đảm an toàn cho tàu thuyền neo đậu.

Âu thuyền cũng là cảng cá được đầu tư tốt về hạ tầng cơ sở cũng như có các dịch vụ thu mua hải sản, cung ứng dịch vụ hậu cần nghề cá nên thu hút ngư dân các tỉnh bạn về đây, đặc biệt là các tàu cá có công suất lớn. Hiện nay, thực hiện các chủ trương lớn của Chính phủ như Nghị định 48, 67, số lượng tàu cá công suất lớn sẽ phát triển mạnh. Khi có tin bão, số lượng tàu cá về Âu thuyền Thọ Quang tránh trú bão sẽ ngày càng tăng lên nhiều.

* Với mật độ neo đậu tàu cá vượt quá nửa sức chứa bảo đảm an toàn của Âu thuyền Thọ Quang trong cơn bão số 3 vừa qua, nếu tâm bão vào Đà Nẵng, liệu có an toàn cho những con tàu này?

- Trong cơn bão số 3 vừa qua, gió mới cấp 8, cấp 9 và Đà Nẵng mới chỉ bị ảnh hưởng thôi mà đã có 2 tàu cá đang neo đậu bị chìm. Nếu bão mạnh vào Đà Nẵng thì với mật độ tàu cá neo đậu ken dày tại âu thuyền như vậy, nguy cơ mất an toàn càng cao. Gió bão làm cho các tàu cá va đập vào nhau, mức độ thiệt hại sẽ rất lớn.

* Vậy còn chỗ nào để mở rộng điểm tránh trú bão an toàn cho tàu cá để giải quyết quá tải cho Âu thuyền Thọ Quang không?

- Vấn đề quá tải Âu thuyền Thọ Quang đã được đặt ra từ nhiều năm qua. Đây cũng là vấn đề cử tri rất bức xúc. Với tư cách là đại biểu HĐND thành phố, tôi cũng đã nhiều lần có ý kiến về vấn đề này. Tuy nhiên, đến nay, thành phố vẫn chưa có quy hoạch mở rộng Âu thuyền Thọ Quang để giảm tải.

Gần đây nhất, các ngành của thành phố đã họp bàn chọn nơi neo đậu mới để di dời toàn bộ tàu cá đang neo đậu trên sông Hàn thì không còn nơi nào để chọn nữa. Xem lại thì chỉ còn một vị trí là âu nước cồn Mân Quang là địa điểm duy nhất có thể xây dựng nơi neo đậu mới cho tàu cá đang neo đậu trên sông Hàn vừa là nơi đủ sức chứa đến 800 tàu cá vào tránh trú bão để giảm tải cho Âu thuyền Thọ Quang.

Thế nhưng, vị trí này đã giao cho nhà đầu tư làm dự án đô thị từ mấy năm trước rồi. Đến nay, doanh nghiệp vẫn đang để không như vậy. Chúng tôi cũng đã nghiên cứu khu vực Liên Chiểu nhưng không có chỗ nào đủ điều kiện để làm nơi neo đậu cho tàu cá tránh trú bão.

* Như vậy, nếu không thể chọn nơi khác để giảm tải cho Âu thuyền Thọ Quang thì cần phải có sự điều chỉnh quy hoạch để có vị trí thứ hai cho tàu cá neo đậu tránh trú bão?

- Như đã nói ban đầu, Âu thuyền Thọ Quang rất thuận lợi cho tàu cá vào tránh trú bão nên số lượng tàu cá vào đây ngày càng tăng gây nên quá tải cho âu thuyền. Giải pháp mỗi khi có bão đưa tàu cá công suất lớn lên bờ không thể thực hiện được mà để tàu neo đậu dày quá thì không bảo đảm an toàn nếu có gió bão lớn.

Từ thực tế bức xúc của ngư dân đặt ra sự cần thiết phải có một vị trí thứ hai làm nơi neo đậu cho tàu cá tránh trú bão mà không có nơi nào khác là âu nước cồn Mân Quang. Việc di dời tàu cá neo đậu trên sông Hàn sẽ khó thực hiện nếu không có nơi neo đậu mới.

Với tư cách là đại biểu HĐND thành phố, tôi vẫn thiết tha đề nghị: Thành phố cần tính toán, nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch để đầu tư xây dựng tại âu nước cồn Mân Quang cho tàu cá neo đậu tránh trú bão bảo đảm an toàn, vừa giảm tải cho Âu thuyền Thọ Quang.

* Giải pháp tạm thời nào để tàu cá tránh trú bão bảo đảm an toàn trong mùa mưa bão năm nay là gì, thưa ông?

- Trước mắt, tàu cá vào Đà Nẵng tránh trú bão nếu không còn chỗ trong Âu thuyền Thọ Quang là phải chạy mà tìm chỗ an toàn để neo đậu như: Tàu nhỏ dưới 30 CV có thể vào khu vực nhánh sông Cổ cò, số còn lại vào trong sông Hàn, cảng dầu khí và các khu vực khác sát vách núi. Về lâu về dài, dứt khoát phải xây dựng nơi neo đậu mới cho tàu cá tránh trú bão để giảm tải cho Âu thuyền Thọ Quang.

* Cảm ơn ông!

Âu thuyền quá tải và sẽ quá tải hơn nữa

Ông Ngô Văn Cát, Phó trưởng ban quản lý Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang, cho hay những năm trước, tàu cá vào tránh trú bão tại âu thuyền chỉ lên đến 900 chiếc. Trong cơn bão số 3 năm 2015 vừa qua, có đến 1.255 chiếc vào, gây quá tải cho âu thuyền.

Theo thiết kế mỗi phao neo chỉ neo 5 tàu trong cơn bão này, Ban quản lý phải bố trí đến 8 tàu/phao neo. Khi có tin báo bão, bao nhiêu tàu vào thì phải sắp xếp neo đậu hết chừng đó, không thể từ chối được, mà quá tải thì độ an toàn giảm xuống. Ban quản lý đã nhiều lần báo cáo với Sở NN&PTNT.

Được biết, Sở cũng có văn bản trình UBND thành phố. “Với kinh nghiệm hơn 20 năm làm công tác quản lý cảng cá, tôi thấy chỉ còn một chỗ duy nhất để làm nơi neo đậu tàu cá tránh trú bão là âu nước cồn Mân Quang. Với chính sách hỗ trợ theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP, dự báo lượng tàu cá sẽ tăng lên nhiều trong những năm tới.

Nếu không có thêm chỗ neo đậu cho tàu cá, Âu thuyền Thọ Quang đã quá tải sẽ còn quá tải hơn nữa. Càng quá tải thì nguy cơ mất an toàn đối với tàu cá càng cao. Tôi nghĩ rằng, không nên để “mất bò mới lo làm chuồng”, ông Cát nói.

Không có chỗ neo đậu mới, tàu của chúng tôi đi đâu

Ông Mai Đăng Nhiều, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá phường An Hải Bắc, băn khoăn: “Nghe chủ trương của thành phố về việc di dời tàu cá neo đậu trên sông Hàn (khoảng 250 tàu cá của các phường Nại Hiên Đông, An Hải Tây, An Hải Bắc) đi nơi khác để làm cảng du thuyền phục vụ du lịch, chúng tôi rất đồng tình nhưng dời tàu đi đâu. Âu thuyền Thọ Quang đang có tình trạng quá tải, nhất là vào mùa mưa bão.

Con tàu là tài sản lớn của ngư dân chúng tôi, nếu không có nơi neo đậu an toàn, tàu có sự cố gì thì coi như phá sản, trắng tay. Nếu thành phố quan tâm đầu tư xây dựng thêm nơi neo đậu mới cho tàu cá tại âu nước cồn Mân Quang thì rất thuận lợi cho ngư dân chúng tôi, lại vừa giảm tải cho Âu thuyền Thọ Quang. Đây là việc cần thiết vì những năm tới, lượng tàu cá công suất lớn sẽ phát triển nhiều; tàu cá vào Đà Nẵng để bán cá, mua thực phẩm, xăng dầu và tránh trú bão sẽ nhiều hơn”.

SƠN TRUNG thực hiện

;
.
.
.
.
.
.