.

Dang rộng vòng tay nhân ái

.

Không chỉ những em bé khuyết tật, không nơi nương tựa được chở che, cưu mang mà ngay cả những người nghiện ma túy một thời lầm lỗi cũng được cộng đồng dang rộng vòng tay nhân ái, giúp họ cùng hòa nhập. 143 trường hợp người nghiện ma túy không tái nghiện sau 5 năm tại Đà Nẵng đã minh chứng điều này.

Dạy nghề sửa xe cho người nghiện tại Trung tâm Giáo dục-dạy nghề 05-06.
Dạy nghề sửa xe cho người nghiện tại Trung tâm Giáo dục-dạy nghề 05-06.

Trở về

Đến nay, dù đã 6 năm lánh xa ma túy nhưng nhớ lại cái ngày vật vã vì nàng tiên nâu, anh T.Đ.H (49 tuổi, ở phường Thạch Thang, quận Hải Châu) vẫn không khỏi rùng mình. “Tuổi trẻ nông nổi theo bạn bè đi hút chích đâu có biết sợ là gì. Chỉ cần được “lên tiên” thì việc gì mình cũng làm”, anh H. chia sẻ.

Để có tiền hút chích, sau khi bán đồ đạc trong nhà, H. chuyển sang “chôm” của bạn bè, hàng xóm. Là anh cả trong gia đình có 7 anh em, H. không giúp gì được cho cha mẹ và em mà ngược lại, H. trở thành nỗi lo của gia đình. Nghiện nặng, nhiều lúc H. sống trong ảo giác, tưởng tượng mình là người nổi tiếng, nói nhảm suốt ngày và được đưa vào Trung tâm Giáo dục-dạy nghề 05-06 để cai nghiện. Trở về, anh được gia đình, bà con hàng xóm và chính quyền địa phương động viên học nghề cắt tóc.

Thấy H. quyết tâm tu chí, mọi người cũng đến cắt tóc ủng hộ. “Ban đầu, tôi cũng hơi ngại vì sợ nó lên cơn nữa, nhưng thương cái thằng chịu khó nên vẫn đến cắt tóc. Bây giờ, tôi đã thành khách quen rồi”, ông Hiền, một người dân trong xóm cho biết. Không chỉ vậy, H. còn xung phong tham gia đội tuyên truyền cai nghiện của địa phương để giúp những người nghiện như mình làm lại cuộc đời.

Với anh H.V.V (31 tuổi, ở phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê), giờ đây, anh không còn nghĩ đến ma túy. Cứ chiều chiều, hai vợ chồng anh cùng bán nước mía trên đường Nguyễn Tất Thành để kiếm tiền nuôi 3 con nhỏ. “Chiếc xe nước mía này do địa phương hỗ trợ. Nhờ nó, vợ chồng tui mới kiếm được tiền, thoát nghèo và ổn định cuộc sống”, anh V. thổ lộ. Nhiều năm không tái nghiện nên anh H. và V. cùng được thành phố hỗ trợ 2 triệu đồng.

“Số tiền dù không nhiều nhưng là sự động viên không nhỏ đối với người sau cai nghiện và là động lực để giúp nhiều người sau cai nói “không” với ma túy”, ông Lê Minh Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội thành phố Đà Nẵng cho biết. Theo thông tin từ Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội Đà Nẵng, hiện thành phố có 143 người sau 5 năm không tái nghiện được thành phố hỗ trợ 2 triệu đồng/người.

Cộng đồng chung sức

“Những năm qua, chúng ta đã huy động được sức mạnh của toàn xã hội tham gia vận động, giúp đỡ người nghiện ma túy và thân nhân gia đình người nghiện ma túy tự giác khai báo tình trạng nghiện, đăng ký hình thức cai nghiện phù hợp. Bên cạnh đó, sự tham gia giúp đỡ, hỗ trợ của xã hội đã tạo điều kiện cho người sau cai nghiện ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng”, ông Lê Minh Hùng nói.

Cũng theo ông Hùng, gắn việc “Phát động toàn dân tham gia vận động, giúp đỡ người nghiện ma túy cai nghiện và quản lý, hỗ trợ người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng” với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và phong trào xây dựng “Tộc họ văn hóa”… được tổ chức thực hiện thường xuyên, định kỳ đã góp phần tạo điều kiện cho nhân dân giúp đỡ đối tượng sau cai tái hòa nhập cộng đồng; hạn chế tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử với người nghiện.

Bên cạnh đó, những năm qua, các địa phương cũng đã hỗ trợ về vật chất và tinh thần cho hơn 1.000 lượt đối tượng, với tổng kinh phí hơn 2 tỷ đồng. Chẳng hạn, Hội LHPN các quận Cẩm Lệ, Sơn Trà, Thanh Khê, Hải Châu nhận giúp đỡ về việc làm cho 30 đối tượng sau cai nghiện. Hội LHPN phường Thanh Bình (quận Hải Châu) đã tín chấp cho 4 trường hợp vay vốn hơn 50 triệu đồng để làm ăn. UBND quận Hải Châu hỗ trợ 22 đối tượng sau cai nghiện, hoàn lương gặp hoàn cảnh khó khăn đột xuất với số tiền hơn 57 triệu đồng, đồng thời thành lập tổ vay vốn và tín chấp cho 7 trường hợp tiến bộ có vốn làm ăn với số tiền 80 triệu đồng.

Ngoài ra, với nguồn lực tài chính hiện có, UBND quận Ngũ Hành Sơn trợ cấp hằng tháng 310.000 đồng cho một trường hợp người sau cai nghiện bị bệnh tâm thần và hỗ trợ vốn vay ưu đãi cho 2 trường hợp khác. Đồng thời, các phường trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn đã đứng ra thành lập tổ vay vốn và tín chấp cho vay 4 trường hợp với 40 triệu đồng …

Tuy nhiên, theo ông Hùng, vấn đề dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện còn nhiều khó khăn, cần sự vào cuộc của cả xã hội. Có việc làm, ổn định cuộc sống, người sau cai nghiện mới không tái nghiện và hòa nhập cộng đồng.

Bài và ảnh: THỦY NGÀ

;
.
.
.
.
.