.

"Dân vận khéo" - 5 năm nhìn lại

.

Qua 5 năm triển khai thực hiện, phong trào thi đua “Dân vận khéo” được cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận, các hội, đoàn thể quan tâm thực hiện nghiêm túc; qua đó góp phần nâng cao nhận thức về ý nghĩa, mục đích, tầm quan trọng của công tác dân vận trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, chiến sĩ lực lượng vũ trang, nâng cao tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ nhân dân, coi trọng, lắng nghe ý kiến và kịp thời giải quyết tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; động viên và phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ, tính tích cực của nhân dân, huy động các nguồn lực trong nhân dân, phấn đấu thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh.

Bàn giao công trình sửa chữa nhà Rông cho đồng bào thôn Giàn Bí, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang.
Bàn giao công trình sửa chữa nhà Rông cho đồng bào thôn Giàn Bí, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang.

Nâng cao trách nhiệm, thái độ phục vụ nhân dân

Thông qua phong trào thi đua “Dân vận khéo”, sự phối hợp giữa Ban Dân vận với các ban, ngành, đoàn thể, các đơn vị lực lượng vũ trang ngày càng chặt chẽ, hiệu quả, nhất là trong việc chủ động nắm tình hình nhân dân, tham mưu với cấp ủy, chính quyền giải quyết những nội dung liên quan công tác dân vận, công tác tôn giáo, công tác dân tộc.

Các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” đã phát huy tính tích cực, sáng tạo của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân trong các phong trào thi đua yêu nước trên các lĩnh vực của đời sống xã hội; vai trò đại diện của Mặt trận, các đoàn thể được phát huy.

Phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã huy động được sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị ở cơ sở, gắn kết đồng bộ hoạt động quản lý, điều hành của chính quyền với công tác vận động, thuyết phục, qua đó tìm ra những biện pháp hiệu quả để giải quyết những vấn đề bức thiết, chính đáng của nhân dân, tháo gỡ những khó khăn, phức tạp tại cơ sở.

Nhiều cán bộ, đảng viên đã tích cực bám sát phong trào, sâu sát cơ sở, lắng nghe, chia sẻ, trân trọng ý kiến của nhân dân, kiên trì thuyết phục, vận động, gương mẫu đi đầu trong những việc khó, việc mới, phong cách làm việc chuyển biến theo hướng “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, có trách nhiệm với dân”; “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”, kịp thời phản ánh, tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền giải quyết quyền lợi, lợi ích chính đáng của nhân dân.

Nhiều điển hình, mô hình, cá nhân “Dân vận khéo” xuất hiện gắn với cải cách hành chính và lề lối làm việc của cán bộ, công chức với việc vận động thực hiện chủ trương đền bù, giải tỏa, tái định cư; với công tác vận động thực hiện Chỉ thị 24-CT/TU, Chỉ thị 25-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về giúp đỡ hộ nghèo, học sinh bỏ học, cảm hóa thiếu niên hư và phòng chống bạo lực gia đình, Chỉ thị số 18-CT/TU về thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, Chỉ thị 29-CT/TU về “5 xây”, “3 chống”, Chỉ thị 43-CT/TU về “Năm văn hóa, văn minh đô thị 2015”. Những thành tích xuất sắc, tiêu biểu của các tập thể, cá nhân điển hình “Dân vận khéo” rất phong phú, đa dạng, là những kinh nghiệm quý báu cho công tác vận động quần chúng nói chung và công tác xây dựng mô hình “Dân vận khéo” nói riêng.

Bài học quý từ thực tiễn

Nhìn lại 5 năm phong trào thi đua “Dân vận khéo” từ thực tiễn cơ sở, có thể rút ra những bài học quý giá để phong trào tiếp tục được phát huy, đi vào chiều sâu và bề rộng, có sức lan tỏa lớn trong cuộc sống.

Trước nhất, phải nhận thức đúng đắn, đầy đủ mục đích, yêu cầu, ý nghĩa và tầm quan trọng của phong trào thi đua “Dân vận khéo”, xem đây là nhiệm vụ quan trọng trong công tác dân vận của Đảng, đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của cấp ủy các cấp, có sự phối hợp đồng bộ của các tổ chức trong hệ thống chính trị.

Xây dựng điển hình “Dân vận khéo” phải có tiêu chí đánh giá cụ thể, có chương trình, kế hoạch thực hiện đồng bộ, với phương châm khéo chọn việc, khéo tuyên truyền, khéo tổ chức thực hiện; chỉ đạo có trọng tâm, trọng điểm, gắn việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị, mang lại hiệu quả, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng, lợi ích chính đáng của nhân dân; có tính xã hội sâu sắc, lan tỏa tạo thành phong trào quần chúng mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

Phải  phát huy vai trò nòng cốt của Ban Dân vận, khối dân vận cấp ủy trong việc tham mưu cho cấp ủy, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện. Chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ Ban Dân vận, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể tâm huyết, có năng lực, trình độ, sâu sát cơ sở.

Phát huy vai trò lực lượng cốt cán, những người có uy tín, các chức sắc tôn giáo trong công tác tuyên truyền, vận động, xây dựng phong trào ngay từ cơ sở. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan báo, đài đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo sự lan tỏa trong xã hội, định kỳ sơ kết, tổng kết phong trào để nhân rộng các mô hình, điển hình tiêu biểu.

Đề cập về phương hướng, nhiệm vụ phong trào thi đua “Dân vận khéo” giai đoạn 2016-2020, ông Phạm Quý, Trưởng ban Dân vận Thành ủy cho biết: “Ban Dân vận Thành ủy tiếp tục triển khai sâu rộng chủ trương đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo”, gắn với thực hiện hiệu quả Chương trình hành động số 28-CTr/TU ngày 31-7-2013 của Thành ủy thực hiện Nghị quyết 25-NQ/TW (khóa XI) “Về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) “Về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong cán bộ, đảng viên, công chức, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân.

Phát triển và nhân rộng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo”, dựa vào dân để làm tốt công tác xây dựng Đảng, chính quyền, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy tiềm năng, sức sáng tạo của các tầng lớp nhân dân, tích cực thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh, củng cố niềm tin, thắt chặt mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, chính quyền với nhân dân.

TRẦN LÊ NHẤT

;
.
.
.
.
.