.

Thể hiện hết tâm sức cống hiến cho dân, cho nước

.

LTS: Tại buổi tọa đàm khoa học “Đóng góp của người Quảng vào việc xây dựng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH) trong hai năm 1945-1946” do Hội Khoa học lịch sử thành phố phối hợp với Ban Văn hóa-xã hội HĐND thành phố vừa tổ chức, Phó Bí thư thường trực Thành ủy Võ Công Trí có bài phát biểu ngõ hầu góp phần đánh giá đầy đủ công lao đóng góp của cha, anh trong tiến trình lịch sử dân tộc và địa phương.

Các  thành viên Chính phủ kháng chiến 3-11-1946.  Trong ảnh: Cụ Huỳnh Thúc Kháng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ (người đứng hàng đầu, thứ nhất từ phải qua).  Ảnh  tư liệu
Các thành viên Chính phủ kháng chiến 3-11-1946. Trong ảnh: Cụ Huỳnh Thúc Kháng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ (người đứng hàng đầu, thứ nhất từ phải qua). Ảnh tư liệu

Nhân kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, Báo Đà Nẵng trân trọng giới thiệu bài viết này.

Lịch sử đã ghi dấu vai tròđóng góp của người Quảng Nam trong thắng lợi của Cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945. Nhưng, người Quảng đã đóng góp như thế nào vào việc xây dựng Nhà nước VNDCCH - với ý nghĩa là thành quả của cuộc Cách mạng Tháng Tám - trong hai năm 1945-1946, đồng thời bảo vệ thành quả đó và duy trì, phát triển nó qua các biến cố của lịch sử. Đó là câu hỏi lớn, rất cần được giải đáp và làm rõ, ngõ hầu đánh giá đầy đủ công lao đóng góp của cha, anh trong tiến trình lịch sử dân tộc và địa phương.

Trong khuôn khổ tọa đàm, tôi xin tham gia một vài ý kiến:

Thứ nhất, muốn đánh giá đúng và đầy đủ công lao đóng góp của người xứ Quảng vào việc xây dựng Nhà nước VNDCCH trong hai năm 1945-1946 cần đánh giá đúng hoàn cảnh lịch sử và chủ trương, đường lối của Đảng và Hồ Chủ tịch lúc bấy giờ. Trong bối cảnh lịch sử đặc biệt lúc ấy, nếu Đảng và Hồ Chủ tịch không có chủ trương, đường lối đúng đắn nhằm tập hợp các bậc “đại nhân, đại trí, đại dũng” ra giúp nước, phát huy vai trò to lớn của các tầng lớp nhân dân thì chính quyền cách mạng khó lòng vượt qua được tình thế “ngàn cân treo sợi tóc” để tồn tại và phát triển.

Chúng ta đều biết, ngay từ những ngày đầu của chính quyền cách mạng, các thế lực đế quốc, phản động quốc tế đã cấu kết, bao vây, chống phá hòng thủ tiêu mọi thành quả cách mạng, xóa bỏ nền độc lập mà nhân dân ta vừa giành được, đặt lại ách thống trị của chúng.

Cuối tháng 8, đầu tháng 9-1945, gần 20 vạn quân Tưởng kéo vào miền Bắc, kéo theo lực lượng phản động người Việt lưu vong ở Trung Quốc về nước câu kết với các tổ chức phản động trong nước ra sức tuyên truyền, gây rối chống phá chính quyền cách mạng, lừa bịp, lôi kéo quần chúng dưới cái vỏ “cách mạng” và “quốc gia, dân tộc” giả hiệu. Ở phía Nam, cũng với danh nghĩa lực lượng Đồng minh, ngày 6-9-1945, quân đội Anh vào Sài Gòn, đánh chiếm trụ sở UBND Nam Bộ, tự ý thả 1.500 lính Pháp bị Nhật giam giữ trước đây và trang bị cho lực lượng này, đồng thời trắng trợn đòi lực lượng vũ trang cách mạng nộp vũ khí. Ngày 23-9-1945, được quân Anh và quân Nhật giúp sức, quân Pháp nổ súng đánh chiếm Sài Gòn, mở đầu cuộc xâm lược lần thứ hai của thực dân Pháp hòng đặt lại ách thống trị của chúng ở Việt Nam và Đông Dương.

Có thể nói, chưa bao giờ trên đất nước ta lại có nhiều kẻ thù xâm lược hung bạo và xảo quyệt như vậy. Và, cũng chưa thời kỳ nào, cách mạng nước ta phải đối đầu với nhiều thế lực, nhiều đảng phái phản động như trong những năm 1945-1946. Các thế lực này tuy có những ý đồ riêng và hành động cụ thể khác nhau, song mục tiêu chung của chúng là tiêu diệt chính quyền cách mạng non trẻ vừa mới được thành lập.

Trong khi đó, nhân dân và chính quyền cách mạng còn phải vượt qua những khó khăn rất lớn về kinh tế và đời sống xã hội. Nền kinh tế đất nước gần như đã hoàn toàn kiệt quệ. Trên 90% dân số không biết chữ. Nông dân lao động chiếm hơn 95% số hộ, nhưng chỉ được sử dụng không quá 40% ruộng đất. Hậu quả nạn đói cuối năm 1944 đầu năm 1945 chưa kịp khắc phục, thì nạn lụt lớn lại xảy ra, tàn phá 9 tỉnh đồng bằng Bắc Bộ. 50% ruộng đất bỏ hoang. Công nghiệp lúc bấy giờ hầu như không có gì đáng kể. Tài chính quốc gia gần như trống rỗng. Ngân hàng Đông Dương vẫn nằm trong tay tư bản nước ngoài. Chính quyền cách mạng chỉ tiếp quản được kho bạc với 1.230.720 đồng, trong đó có 586.000 đồng tiền rách. Thực tế đó làm cho việc tổ chức, hoạt động của chính quyền mới gặp vô vàn khó khăn, lúng túng.

Trên cơ sở phân tích tình hình thế giới và hiện trạng đất nước, ngày 25-11-1945, Trung ương Đảng ra chỉ thị “Kháng chiến kiến quốc” xác định nhiệm vụ chiến lược của cách mạng lúc này “vẫn là cách mạng dân tộc giải phóng”, với khẩu hiệu “Dân tộc trên hết”, “Tổ quốc trên hết”. Chỉ thị nêu rõ nhiệm vụ cấp bách trước mắt là “củng cố chính quyền, chống thực dân Pháp xâm lược, bài trừ nội phản, cải thiện đời sống nhân dân”. Trong hoàn cảnh có nhiều khó khăn, thử thách nặng nề và hoàn toàn dựa vào sức mình, Đảng đặc biệt nhấn mạnh việc củng cố sức mạnh về chính trị, tinh thần của chế độ mới.

Chính quyền là vấn đề cơ bản của cách mạng, do vậy củng cố chính quyền cách mạng là nhiệm vụ hàng đầu. Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương tổ chức sớm cuộc tổng tuyển cử phổ thông đầu phiếu, lập chính phủ chính thức, chấn chỉnh các cơ quan chính phủ, soạn thảo Hiến pháp để khẳng định trên thực tế và về mặt pháp lý, một chính quyền thật sự do nhân dân xây dựng nên, một chính quyền của dân và vì dân. Kết quả cuộc bầu cử Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam ngày 6-1-1946 biểu thị ý chí và sức mạnh của toàn dân xây dựng và bảo vệ chính quyền của mình.

Ở các địa phương, nhân dân cũng tiến hành bầu ra HĐND các cấp và các hội đồng đó cử ra các UBND chính thức thay cho các UBND lâm thời thành lập trong những ngày tổng khởi nghĩa.

Việc kiện toàn chính quyền cách mạng từ Trung ương tới cơ sở có ý nghĩa to lớn cả về đối nội và đối ngoại, và là bước tiến quan trọng nhằm tăng cường sức mạnh về chính trị. Ngày 9-11-1946, Quốc hội thông qua Hiến pháp dân chủ đầu tiên của nước ta, khẳng định tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, nước Việt Nam là một khối thống nhất không thể chia cắt.

Như vậy, trong một thời gian ngắn, chính quyền nhân dân do Đảng lãnh đạo đã xây dựng được Hiến pháp, có Quốc hội, Chính phủ, có các cơ quan dân cử và cơ quan hành chính các cấp được xây dựng, từng bước củng cố, kiện toàn. Quyền lực và sức mạnh của chính quyền được phát huy trong đấu tranh chống xâm lược, trấn áp bọn phản động và tổ chức, động viên sức mạnh về mọi mặt của nhân dân trong việc giữ gìn thành quả cách mạng.

Để tăng cường sức mạnh về chính trị, cùng với việc củng cố chính quyền, Đảng chủ trương mở rộng khối đoàn kết toàn dân trên cơ sở phát triển các đoàn thể cứu quốc trong Mặt trận Việt Minh. Theo sáng kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam (Liên Việt) được thành lập vào tháng 5-1946 bên cạnh Mặt trận Việt Minh nhằm đoàn kết tất cả các lực lượng và cá nhân chưa có điều kiện tham gia Mặt trận Việt Minh trước đây cùng phấn đấu cho một nước Việt Nam độc lập, thống nhất, dân chủ và phú cường. Khối đoàn kết dân tộc trong Mặt trận Việt Minh và Liên Việt là cơ sở chính trị, xã hội rộng lớn, bảo đảm sự vững mạnh của chính quyền nhân dân, của chế độ mới trước những khó khăn thử thách nặng nề.

Thêm nữa, trong tình hình chính trị có nhiều phức tạp, trước âm mưu chia rẽ, chống phá của giặc ngoài, thù trong, để bảo toàn lực lượng và có lợi cho sách lược đấu tranh, Đảng tạm thời rút vào hoạt động bí mật (ngày 11-11-1945). Nhưng Đảng vẫn giữ vững vai trò lãnh đạo cách mạng, xem đó chỉ là một giải pháp cần thiết, bắt buộc trước tình thế hiểm nghèo của cách mạng, Đảng phải “lãnh đạo kín đáo và có hiệu quả hơn”.

Thành công lớn của Đảng trong thời kỳ này là tăng cường thực lực cách mạng về mọi mặt: chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa tư tưởng; tập hợp được các bậc “đại nhân, đại trí, đại dũng”, như Huỳnh Thúc Kháng, Lê Văn Hiến… ra giúp nước, đồng thời phát huy cao độ sức mạnh của toàn dân với tư cách người chủ đất nước để xây dựng và bảo vệ chế độ mới và nền độc lập dân tộc. Sức mạnh của chính quyền và chế độ mới thật sự bắt nguồn từ sức mạnh của nhân dân.

Bài học thành công trong thời kỳ này bắt nguồn từ những nhân tố sau:

Một là, Đảng ý thức sâu sắc rằng, cách mạng là sự nghiệp của dân, do dân và vì dân. Trong đường lối, chủ trương, chính sách cũng như trong hoạt động thực tiễn, Đảng đã bằng mọi cách làm cho nhân dân hiểu rõ điều đó, làm cho nhân dân thấy được việc củng cố, bảo vệ chính quyền và thành quả cách mạng là quyền lợi và trách nhiệm, là ý chí và tình cảm của mọi người để họ thực hiện nhiệm vụ cách mạng một cách tự giác. Nếu không có sự ủng hộ hết lòng và tự giác của nhân dân thì chính quyền không thể đứng vững. Sức mạnh của quần chúng nhân dân chỉ được phát huy đầy đủ khi có sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng. Hồ Chủ tịch nói: “Nếu không có nhân dân thì Chính phủ không đủ lực lượng. Nếu không có Chính phủ thì nhân dân không ai dẫn đường. Vậy nên Chính phủ với nhân dân phải đoàn kết thành một khối”.

Hai là, Đảng và chính quyền cách mạng nêu cao lý tưởng cách mạng, mà mục tiêu trước hết là độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc với tinh thần “Độc lập trên hết”, “Tổ quốc trên hết”. Mục tiêu giải phóng dân tộc và giải phóng nhân dân được kết hợp chặt chẽ và nhuần nhuyễn trong đường lối, chính sách của Đảng và chính quyền. Trong hoàn cảnh đó, lý tưởng và lẽ sống của những người cộng sản là cùng với toàn dân giành lấy chính quyền, “làm cho đất nước được hoàn toàn độc lập, nhân dân được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Chính vì lý tưởng ấy mà “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập, giữ vững thành quả cách mạng”.

Ba là, sức mạnh của toàn dân được phát huy còn nhờ công tác tổ chức công phu, tỉ mỉ, thích hợp và có hiệu quả cao của Đảng và chính quyền cách mạng. Với các hình thức tổ chức và hoạt động thiết thực của các tổ chức quần chúng, các đoàn thể yêu nước và cách mạng nên đã tập hợp hết thảy mọi người vào việc thực hiện những nhiệm vụ do Đảng và chính quyền cách mạng đề ra. Cao trào cách mạng của quần chúng thể hiện trong việc thực hiện các nhiệm vụ diệt giặc dốt, diệt giặc đói và diệt giặc ngoại xâm, xây dựng cuộc sống mới, chế độ mới. Trong các cuộc biểu dương lực lượng, quần chúng cách mạng đã tỏ rõ quyết tâm bảo vệ nền độc lập và ủng hộ Chính phủ. Điều đó thể hiện rõ nét tính khoa học và nghệ thuật tổ chức của Đảng.

Thành công của cuộc khởi nghĩa trong Cách mạng Tháng Tám ở Quảng Nam, Đà Nẵng và mọi sự đóng góp của người Quảng trong việc xây dựng Nhà nước VNDCCH sau đó nếu đặt trong bối cảnh này sẽ thấy rõ hơn, to lớn hơn và giàu ý nghĩa cách mạng hơn.

Thứ hai, sự đóng góp của người Quảng, bao gồm cả sự đóng góp vào thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 dẫn đến sự ra đời của Nhà nước VNDCCH – Nhà nước dân chủ mới đầu tiên trong lịch sử dân tộc; vào sự hình thành Chính phủ lâm thời VNDCCH (9-1945); vào sự hình thành Chính phủ Liên hiệp lâm thời VNDCCH (1-1946); vào thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội và sự hình thành Quốc hội đầu tiên của Nước VNDCCH (1-1946); vào sự hình thành Chính phủ Liên hiệp kháng chiến nước VNDCCH (3-1946)… là sự đóng góp hết sức đặc sắc về mọi phương diện.

Người Quảng dường như có mặt trong mọi tổ chức, ở mọi sự kiện quan trọng trong thời khắc lịch sử của những năm 1945-1946. Từ Quốc dân Đại hội ở Tân Trào – được xem là tiền thân của Quốc hội đầu tiên của nước VNDCCH đã có mặt ông Phan Thêm (tức Cao Hồng Lãnh) đến sự ra đời của Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam, với 15 thành viên do Hồ Chủ tịch đứng đầu cũng đã có mặt ông Lê Văn Hiến. Ông Lê Văn Hiến cũng là vị đại diện của người Quảng trong Chính phủ lâm thời, rồi Chính phủ Liên hiệp lâm thời và cả Chính phủ Liên hiệp kháng chiến với vai trò là Bộ trưởng. Ông cũng lại là 1 trong 7 thành viên của Ủy ban dự thảo Hiến pháp năm 1946 do đích thân Hồ Chủ tịch ký Sắc lệnh thành lập. Thật khó có thể nghĩ khác về vai trò và đóng góp to lớn của Lê Văn Hiến trong việc xây dựng Nhà nước VNDCCH non trẻ thời đó.

Trong Quốc hội đầu tiên của nước VNDCCH có bao nhiêu người xứ Quảng? Nếu kể cả những người đắc cử ở các địa phương khác trong cả nước và những người được mời làm đại biểu Quốc hội không qua tuyển cử thì có lẽ không dưới 20 người. Có người là đại biểu Quốc hội nhưng không tham gia Chính phủ kháng chiến (như ông Hoàng Hữu Nam); lại có người đặc biệt hơn, không tham gia Việt Minh, không phải là đại biểu Quốc hội nhưng được Hồ Chủ tịch tin cậy, giao giữ trọng trách Bộ trưởng, rồi quyền Chủ tịch nước (Cụ Huỳnh Thúc Kháng). Chỉ với một vài nét chấm phá như thế cũng đủ thấy vai trò và sự đóng góp của người Quảng trong thời kỳ 1945-1946 là rất to lớn và đặc sắc trên các phương diện, mong rằng cùng với thời gian, chúng ta sẽ làm rõ những nội dung này.

Có điều chúng ta có thể nói được ngay là, đối với các đại biểu dân cử của Quảng Nam và Đà Nẵng trong buổi đầu tiên ấy, họ đã thể hiện hết tâm sức của mình trong việc cống hiến cho dân, cho nước, vì nhân dân mà phục vụ. Các đại biểu Quốc hội người Quảng khóa đầu tiên đã để lại trong lòng nhân dân Quảng Nam, Đà Nẵng và cả nước những tình cảm và sự kính trọng sâu sắc. Từ hình ảnh của cụ Huỳnh, của đồng chí Lê Văn Hiến và các đại biểu Quảng Nam, Đà Nẵng nói chung cho chúng ta một bài học rằng: Người đại diện của dân thời nào cũng phải là người tâm sáng, chí bền, vì nhân dân phục vụ, vì quốc gia, xã tắc mà cống hiến quên mình. Các giá trị đó vẫn chưa bao giờ cũ đối với chúng ta ngày nay.

Thứ ba, đóng góp của người Quảng và cách thức ứng phó với thù trong, giặc ngoài, bảo vệ thành quả Cách mạng Tháng Tám, dù cách nay đã 7 thập niên, song tính thời sự vẫn còn vẹn nguyên giá trị, nhất là đối với sự nghiệp bảo vệ an ninh trật tự và chủ quyền biên giới đất liền và biển, đảo của Tổ quốc trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực phức tạp hiện nay. Đồng thời, từ việc trao đổi, nghiên cứu, tìm hiểu những Đóng góp của người Quảng vào việc xây dựng Nhà nước VNDCCH trong hai năm 1945-1946 cho chúng ta nhiều bài học quan trọng về công tác Quốc hội, người đại biểu của nhân dân và tinh thần dân chủ trong công tác bầu cử hiện nay.

Chính tinh thần cầu thị, khát vọng tự do, dân chủ đã tạo cho Chính phủ nước VNDCCH thực hiện được những nhiệm vụ thần kỳ trong thời khắc lịch sử cam go nhất. Chính sự đề cao dân chủ, dân quyền của Đảng và Bác Hồ đã giúp cho chính phủ VNDCCH non trẻ vượt qua tình trạng ngàn cân treo sợi tóc. Khi người dân có được tinh thần tự do, dân chủ, ý thức công dân trước vận mệnh dân tộc thì họ sẽ hết lòng ủng hộ và bảo vệ Chính phủ. Vì vậy, bài học dân chủ, dân quyền trong một nước độc lập, tự do, thống nhất không bao giờ là cũ cả.

Võ Công Trí

Phó Bí thư thường trực Thành ủy

;
.
.
.
.
.