.

Thay đổi cách giúp người nghèo

.

Tại Hội nghị sơ kết tình hình thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng về việc đẩy mạnh công tác phối hợp giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt nghèo, học sinh bỏ học và thiếu niên hư, vi phạm pháp luật trên địa bàn thành phố ngày 3-9, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng cho rằng, cần thay đổi cách giúp người nghèo.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng khen thưởng các tập thể, cá nhân đóng góp tích cực trong việc thực hiện Chỉ thị  24-CT/TU. 	         ảnh: PHƯƠNG TRÀ
Phó Chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng khen thưởng các tập thể, cá nhân đóng góp tích cực trong việc thực hiện Chỉ thị 24-CT/TU. ảnh: PHƯƠNG TRÀ

Nhiều cách làm hay

Theo đánh giá tại hội nghị, trong 5 năm qua, đã có nhiều cách làm hay để giúp đỡ người nghèo hay học sinh bỏ học. Chương trình “Ánh sáng văn hóa hè”; các mô hình “Lớp học tiếp sức”, “Người bạn đồng hành”, “Mùa hè tình nguyện” của đoàn viên thanh niên đã góp phần ngăn chặn hiệu quả tình trạng học sinh bỏ học.

Hội Cựu chiến binh (CCB) các cấp có mô hình 2+1 (2 CCB giúp 1 thiếu niên hư), 1 CCB + 1 thanh niên giúp 1 thiếu niên hư, có những trường hợp phải dùng mô hình 3+1 (3 CCB giúp 1 thiếu niên hư)...; qua đó đã vận động được nhiều học sinh bỏ học trở lại trường; cảm hóa, giáo dục thiếu niên chưa ngoan có nguy cơ vi phạm pháp luật.

Trong 5 năm qua, các cấp Hội tuyên truyền, vận động giúp đỡ hơn 500 học sinh THCS không đỗ vào các trường THPT đăng ký tham gia các lớp học nghề hoặc học văn hóa tại các trung tâm giáo dục thường xuyên. “Chúng tôi đến gặp, tâm sự, động viên, trao đổi với các em, đồng thời có sự giúp đỡ thiết thực như: tặng xe đạp, sách vở, dụng cụ làm nghề…”, ông Đoàn Hồng Chương, Phó Chủ tịch Hội CCB thành phố cho biết.

Không chỉ các Hội, đoàn thể mà mỗi địa phương đều có cách làm riêng phù hợp, mang lại hiệu quả. Chẳng hạn, ở huyện Hòa Vang, thông qua đối thoại, khảo sát nhu cầu của từng hộ đặc biệt nghèo, địa phương đã kêu gọi các đơn vị, cá nhân triển khai kịp thời và hiệu quả các giải pháp như: hỗ trợ vốn, phương tiện, tư liệu sản xuất kinh doanh, cây trồng, con vật nuôi, giới thiệu việc làm, dạy nghề, hướng dẫn cách làm ăn.

Nhờ vậy, huyện Hòa Vang đã hỗ trợ vốn cho hơn 200 hộ với kinh phí trên 1 tỷ đồng, đầu tư hỗ trợ các phương tiện, tư liệu sản xuất cho 82 lượt hộ, kinh phí trên 500 triệu đồng…

Nhiều mô hình hay, nhiều việc làm ý nghĩa đã góp phần giúp đỡ các hộ có hoàn cảnh khó khăn có thu nhập ổn định. Từ sự giúp đỡ này, hơn 5.600 hộ đã thoát nghèo; hơn 500 thiếu niên hư, vi phạm pháp luật tiến bộ; hơn 300 học sinh bỏ học trở lại trường, số học sinh bỏ học giảm rõ rệt...

Hỗ trợ người nghèo toàn diện hơn

Theo ông Bùi Nam Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang, vẫn còn một số hộ nghèo có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự trợ giúp xã hội nên không chịu vươn lên thoát nghèo. “Có hộ tự ý bán công cụ, phương tiện, con vật nuôi, hoặc mua sắm trang thiết bị chưa thật sự cần thiết đã gây khó khăn cho quá trình tổ chức thực hiện của các địa phương. Việc điều tra, xét chọn hộ đặc biệt nghèo ở một vài địa phương hiện nay chưa thật sự khách quan, chưa đúng đối tượng, cán bộ làm công tác giảm nghèo của một số địa phương có sự thay đổi, luân chuyển, số ít còn hạn chế về năng lực đã tác động không nhỏ đến công tác nghiên cứu tham mưu chính sách trợ giúp một cách kịp thời, chính xác”, ông Nam nói.

Còn theo ông Nguyễn Văn Nghĩa, Phó Bí thư Đảng ủy khối các cơ quan thành phố, việc giúp người nghèo phải được thực hiện chặt chẽ, rõ ràng, tránh chồng chéo, tránh lãng phí nguồn lực.

Về vấn đề giúp học sinh nghèo bỏ học, thanh-thiếu niên hư, ông Trần Văn Hồng, Phó trưởng phòng GD&ĐT quận Ngũ Hành Sơn, cho rằng cần quản lý chặt chẽ các quán Internet, đồng thời xây dựng các khu vui chơi, tạo sân chơi lành mạnh để thu hút học sinh tham gia. Bên cạnh đó, cần mở các lớp dạy nghề với nhiều loại hình phong phú để học sinh không tiếp tục học văn hóa có thể đi học nghề, hỗ trợ kinh phí học nghề hoặc miễn giảm học phí cho các em này.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng đã thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại hiện nay trong việc thực hiện Chỉ thị 24 như: việc khảo sát đối tượng chưa chặt chẽ, báo cáo có nhiều chỗ chưa trùng khớp, phong trào có lúc chưa liên tục, sự chỉ đạo chưa thường xuyên ở nhiều nơi. Do đó, phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhất là với những hộ còn tư tưởng ỷ lại, chưa nỗ lực vươn lên.

Cũng theo Phó Chủ tịch Đặng Việt Dũng, việc thực hiện Chỉ thị 24 sẽ được tiếp tục và đẩy mạnh hơn. Thành phố sắp ban hành chuẩn nghèo mới và trong tình hình mới thì việc giúp hộ nghèo cũng phải thay đổi cho phù hợp. Đó là không chỉ hỗ trợ chủ yếu về mặt sinh kế mà còn hỗ trợ nhiều hơn về y tế, giáo dục, điều kiện sống. Việc giúp các em bỏ học cũng phải căn cứ vào năng lực của các em. Nếu em nào học lực quá yếu thì nên hướng đến việc học nghề.

PHƯƠNG TRÀ

;
.
.
.
.
.