.

Tạo sự khác biệt để phát triển

.

“Huyện Hòa Vang cần phải có sự khác biệt trong đường lối phát triển của mình so với các quận khác. Huyện cần lấy nông thôn và công nghiệp hóa nông thôn để tạo việc làm cho người dân, đồng thời nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm nông nghiệp”, PGS.TS. Bùi Quang Bình, Trường Đại học Kinh tế, ĐH Đà Nẵng cho biết khi nói về định hướng phát triển huyện Hòa Vang trong tương lai.

Hòa Vang có lợi thế để phát triển sản xuất nông sản và du lịch làng quê phục vụ thị trường đô thị.
Hòa Vang có lợi thế để phát triển sản xuất nông sản và du lịch làng quê phục vụ thị trường đô thị.

Hòa Vang là huyện duy nhất của thành phố Đà Nẵng chiếm 74,8% diện tích đất liền (không kể huyện đảo Hoàng Sa), trong khi đó 5 quận còn lại chỉ chiếm 25% diện tích. Tuy diện tích lớn nhưng dân số huyện lại ít (chỉ chiếm 12,4% dân số của Đà Nẵng) nên mật độ dân số thấp giúp cho quỹ đất “dự trữ” của huyện còn khá lớn. Đây là lợi thế của Hòa Vang nhưng cũng đặt ra cho huyện nhiều thách thức.

PGS, TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, là huyện nông thôn nên Hòa Vang tụt hậu khá xa so với các quận đô thị. Hòa Vang chỉ tạo ra chưa đến 6% giá trị sản xuất toàn thành phố, chưa bằng ½ giá trị sản xuất mà quận Cẩm Lệ tạo ra. Năng suất lao động bình quân của huyện chỉ gần bằng 13% năng suất lao động bình quân toàn thành phố. Nghĩa là đứng về phương diện “tạo tiền”, 8 người dân Hòa Vang mới làm bằng 1 người dân sống trong các quận nội thành Đà Nẵng.

Theo ông Trần Đình Thiên, lý do căn bản của tình trạng tụt hậu đó chính là phương thức sinh sống và phát triển của huyện. Đó là huyện cơ bản vẫn là huyện nông nghiệp với nền nông nghiệp cổ truyền chứ không phải là nền nông nghiệp hiện đại, đa số cư dân vẫn sống bằng nông nghiệp. Do đó, để đuổi kịp các quận đô thị thì huyện phải thay đổi phương thức phát triển của mình. Nền tảng của phương thức phát triển mới là công nghệ hiện đại và nguồn nhân lực chất lượng cao. Nguyên lý của phương thức phát triển mới là mối liên kết phát triển dựa chủ yếu vào thị trường, thông qua thị trường.

Có hai nhóm lợi thế chủ yếu ở huyện Hòa Vang là: nhóm lợi thế gắn với quỹ đất của Hòa Vang và nhóm lợi thế gắn với sự khác biệt cấu trúc phát triển - cấu trúc kinh tế, tài nguyên du lịch, cảnh quan, đặc sắc văn hóa của huyện so với các quận đô thị hiện đại của Đà Nẵng.

Hòa Vang là vùng nông thôn, nơi dự trữ sự bình yên cho vùng đô thị ồn ào, sôi động và mệt mỏi. Đây sẽ là khu vườn ngoại ô đậm màu sắc thiên nhiên của vùng nội đô hiện đại, là không gian rừng núi bổ sung cho không gian biển. Hòa Vang sẽ là tất cả những gì mà phần còn lại của Đà Nẵng không có trong hành trang sống của mình với tư cách là một đô thị du lịch biển đẳng cấp cao.

PGS, TS. Bùi Quang Bình cho rằng, với dân số thấp, huyện cần kéo nguồn nhân lực chất lượng cao từ đô thị Đà Nẵng về. Thành phố phát triển công nghiệp công nghệ cao thì Hòa Vang phải hướng tới sản phẩm công nghệ cao về nông nghiệp. Bên cạnh đó, huyện cũng cần giữ lại phần nông thôn để phục vụ cho du lịch.

Về vấn đề này, GS, TS. Nguyễn Kế Tuấn, Trường ĐH Kinh tế quốc dân cũng đồng ý quan điểm đôi khi cần giữ lại “cái kém phát triển” để phát triển du lịch. Bởi đây là điểm khác biệt so với sự phát triển hiện đại của các quận trong nội thị. Trong phát triển công nghiệp nông thôn, cần phân công lao động tại chỗ, tức là “ly nông bất ly hương”; đồng thời chú trọng công tác khuyến nông. Nông dân cũng cần được bồi dưỡng kỹ năng quản trị kinh doanh trong kinh tế thị trường, tránh tình trạng “được mùa mất giá” để làm chủ kinh doanh của mình. Bên cạn h đó, huyện cần tạo ra sự đột phá trong việc huy động nguồn lực cho phát triển công nghệ từ bên ngoài; đó là tiếp nhận sự dịch chuyển của các doanh nghiệp trong nội thành sang và từ các tỉnh trong vùng thông qua các cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư, cơ sở hạ tầng…

“Hòa Vang sẽ chọn hướng phát triển tương lai tiếp tục chức năng huyện của một thành phố du lịch biển hiện đại. Nghĩa là với cấu trúc ngành nghề chính là nông nghiệp nhưng phải là nền nông nghiệp sạch, chất lượng cao gắn với công nghệ cao; dựa trên các yếu tố khác biệt đặc trưng, hình thành các tọa độ du lịch liên kết với đô thị, bổ sung cho đô thị”, ông Trần Đình Thiên đề nghị.

Bài và ảnh: Đoàn Lương

;
.
.
.
.
.