.

Sự lạc lõng trong xu thế phát triển

.

Chuyến thăm Hoa Kỳ từ ngày 7 đến 10-7 của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng được dư luận trong nước và quốc tế đánh giá là một bước phát triển đột phá về quan hệ giữa hai quốc gia từng ở thế đối đầu trong cuộc chiến tranh 40 năm về trước.

Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trả lời phỏng vấn báo chí quốc tế trước khi lên đường thăm Hoa Kỳ: “Chuyến thăm này sẽ là cơ hội làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác toàn diện giữa hai nước trên tất cả các lĩnh vực” và “đây cũng là dịp để hai bên có thể trao đổi thẳng thắn về các vấn đề mà hai bên còn có những khác biệt, nhằm góp phần vào việc tăng cường hiểu biết lẫn nhau, giảm bớt khác biệt, từng bước xây dựng lòng tin giữa hai bên, nhằm đưa quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ ngày càng phát triển ổn định và thực chất, hướng tới tương lai tốt đẹp hơn”.

Sau 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, hai nước đã có những nỗ lực to lớn để khép lại một “chương đau buồn” trong quá khứ nhằm hướng tới tương lai. Mối quan hệ hợp tác đó được các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ và các nhà quan sát quốc tế cho rằng, nó là hình mẫu hiếm có của hai quốc gia từng là cựu thù của nhau trong cuộc chiến tranh lâu dài và khốc liệt.

Phó Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden khi kết thúc bài phát biểu tại cuộc chiêu đãi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đã dẫn câu thơ trong Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du để bày tỏ tin tưởng vào tương lai phát triển của đối tác toàn diện Hoa Kỳ - Việt Nam:

“Trời còn để có hôm nay,
Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời”.

Thế nhưng, trong dòng chảy lịch sử đã và đang được cộng đồng quốc tế quan tâm và đầy ấn tượng đó, cũng có những tiếng nói ngược chiều, lạc lõng, làm lộ rõ chân tướng về mưu toan chống lại đất nước Việt Nam - quốc gia luôn mong muốn hòa bình, hữu nghị, hợp tác, bình đẳng, cùng phát triển bền vững trên tinh thần tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, tôn trọng thể chế chính trị, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau với tất cả các quốc gia trên thế giới.

Trong đó, nổi lên mấy điểm đáng chú ý sau đây:

Một là, họ cho rằng, nhà lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam không đáng được chính phủ Hoa Kỳ đón tiếp như vậy vì không chính danh. Có những ý kiến cho rằng, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng không phải là người đứng đầu Nhà nước, không đại diện cho chính thể Việt Nam, thì chính quyền của Tổng thống Barack Obama không đón tiếp và hội đàm tại Nhà Trắng như những nguyên thủ quốc gia khác.

Diễn giải về điểm này là họ cố tình phủ nhận Hiến pháp năm 2013 được Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam thông qua và có hiệu lực, khi Điều 4 đã khẳng định: “Đảng Cộng sản Việt Nam - Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”.

Thế nhưng, trên thực tế những gì diễn ra qua chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là câu trả lời rõ ràng nhất. Chiều 8-7, với sự hợp tác của Bộ Ngoại giao Việt Nam và Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế Hoa Kỳ (CSIS), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có cuộc nói chuyện và trả lời phỏng vấn về mối quan hệ giữa hai quốc gia trong thời kỳ đổi mới. Khi đề cập vấn đề dân chủ, nhân quyền, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói: “Vấn đề nhân quyền là vấn đề mà chính giới và dư luận Hoa Kỳ rất quan tâm, cũng là vấn đề nhạy cảm của hai nước. Tôi khẳng định rằng Việt Nam hết sức coi trọng vấn đề nhân quyền, quyền con người. Chúng tôi đang nỗ lực xây dựng một xã hội ngày càng tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người”.

Cách nhìn và sự tương tác trong quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ xung quanh vấn đề này đã thể hiện rất rõ trong thông cáo chung sau cuộc hội đàm giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Barack Obama: “Nhìn lại 20 năm qua, hai nhà lãnh đạo cùng bày tỏ vui mừng về sự phát triển tích cực, nhanh chóng trong quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước trên tinh thần gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai. Những kết quả đạt được cho thấy hướng đi đó phù hợp với lợi ích của nhân dân hai nước, cho hòa bình, ổn định và phát triển thịnh vượng của khu vực và thế giới. Hai bên cùng cho rằng, chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là chuyến thăm có ý nghĩa lịch sử trong quan hệ giữa hai nước”.

Hai là vấn đề hòa giải và hòa hợp. Ở đây, có hai khía cạnh là sự hòa giải giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, và giữa những người Việt Nam với nhau từng ở hai bên chiến tuyến trong cuộc chiến tranh của 40 năm về trước.

Đối với Việt Nam và Hoa Kỳ, trước khi thiết lập quan hệ ngoại giao, hai nước đã có những giai đoạn vô cùng khó khăn. Nhưng vượt qua những khó khăn đó, hai quốc gia đã xích lại gần nhau vì tương lai của hai dân tộc, vì hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới.

Chặng đường để vượt qua những trở ngại đó không đơn giản, nhưng cũng không phải không có hướng đi một khi biết nhìn nhận, tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, tôn trọng thể chế chính trị và không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, cùng hướng tới một tương lai tốt đẹp thì mọi khác biệt có thể giải quyết một cách thuận lợi thông qua đối thoại, đàm phán. Bởi vậy, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ đã được hình thành và phát triển trên những cơ sở và nhân tố như vậy.

Trong phát biểu nhân 10 năm sau trở lại thăm Việt Nam (năm 2010) để dự các hoạt động kỷ niệm 15 bình thường hóa quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ tại Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội, cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton đã nhắc lại kỷ niệm: “Sự kiện bình thường hóa quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam là một trong những giây phút lấy làm tự hào nhất trong nhiệm kỳ tổng thống của tôi. Bởi vì sự kiện này đánh dấu hai nước hàn gắn vết thương cũ và cho cả thế giới thấy những cơ hội lớn, cho thấy diện mạo của thế kỷ 21. Chiến thắng của tính nhân văn chung giữa chúng ta vượt lên những khác biệt thú vị giữa chúng ta, chiến thắng của hòa giải vượt lên trên buộc tội lẫn nhau, chiến thắng của ngày mai vượt lên ngày hôm qua. Đây chính là điều tôi mong muốn và tôi đang làm việc vì điều này. Thế kỷ 21 sẽ tốt đẹp hơn những gì chúng ta có thể nhìn thấy xung quanh mình”.

Bởi suy cho cùng, nhân loại tồn tại và phát triển như ngày hôm nay, đó là tính nhân văn cao cả đã vượt lên tất cả hận thù để chúng ta cùng tồn tại và phát triển đúng nghĩa của nó là CON NGƯỜI.

Đối với cộng đồng người Việt Nam trong nước hay nước ngoài từng tham gia lực lượng bên kia trong cuộc chiến tranh thì chính sách hòa giải, hòa hợp dân tộc của Đảng và Nhà nước Việt Nam rất rõ ràng. Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn lấy tinh thần hòa giải làm nhân tố hàng đầu. Sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, không có chuyện “tắm máu” hay “trả thù” như những gì người ta tuyên truyền. Mặt khác, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn coi kiều bào ta sống ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời của dân tộc Việt Nam.

Trong các cuộc viếng thăm Hoa Kỳ, từ trước đến nay, các nhà lãnh đạo Việt Nam như Phan Văn Khải, Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Minh Triết, Trương Tấn Sang và nay là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đều lên tiếng cảm ơn chính phủ Hoa Kỳ đã và đang tạo điều kiện cho cộng đồng người Việt Nam tại đây sinh sống, làm ăn thuận lợi; đồng thời gửi lời chúc mừng đến kiều bào bình an, hạnh phúc, luôn hướng về Tổ quốc, góp phần xây dựng đất nước phồn vinh, thịnh vượng.

Ngoài ra, đối với những người Việt Nam ở nước ngoài thì Nhà nước Việt Nam đã có những chủ trương, chính sách rất cụ thể để tạo điều kiện cho đồng bào mình sinh sống ở nước ngoài hay về nước thăm viếng, làm ăn, sinh sống trên tinh thần cởi mở, hòa hợp, không hận thù, không chống đối.

Thế nhưng, vẫn có một bộ phận nhỏ người Việt Nam ở nước ngoài còn mang nặng lòng hận thù, tìm mọi cách để chống lại Đảng và Nhà nước Việt Nam.

Phát biểu với đài Á Châu tự do, ông Nguyễn Ngọc Phách từ Houston, cùng một số ít người ở Washington phản đối chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vì ông cho rằng, lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam tới đây chẳng qua họ muốn “ru ngủ” cộng đồng người Việt ở đây (?!). Nhưng có phải như vậy không hay chỉ là sự huyễn hoặc của những người chỉ luôn mang hận thù trong suốt cả cuộc đời mà không nhìn nhận sự vận động và phát triển của đời sống con người, xã hội.

Một người tên Viễn chia sẻ trên facebook đã có lý khi viết: “Câu hỏi đặt ra là, tại sao trong khi chính người Hoa Kỳ, cựu thù của Việt Nam, đã chấp nhận những khác biệt, tôn trọng nước CHXHCN Việt Nam thì các ông, vốn mang dòng máu Việt không thể bỏ qua những uất ức nhỏ nhen đó để cùng thực tâm vun đắp cho mối quan hệ Việt-Mỹ, và qua đó vun đắp cho mối quan hệ bền chặt giữa người dân trong nước với đồng bào ở hải ngoại, từ đó thực hiện sự hòa hợp, hòa giải thực sự.

Các ông luôn kêu gào Nhà nước Việt Nam không chịu thực hiện hòa hợp, hòa giải dân tộc nhưng chính các ông mới là những người phá hoại tiến trình hòa hợp, hòa giải với những hành động chống phá cực đoan của mình.

Nước Mỹ đã đến gần, tại sao các ông cùng dòng máu Việt lại còn xa thế?”.

Tất nhiên, những người chống đối Việt Nam không phải là đa số trong cộng đồng người Việt sống ở nước ngoài, nhưng dẫu sao bằng cách hiểu và hành động như của một bộ phận như vậy thì khó có thể hướng tới mục tiêu hòa giải đúng nghĩa của nó.

Bởi với những mâu thuẫn và hận thù ở mức như giữa Việt Nam và Mỹ mang tầm vóc quốc gia, nhưng vẫn tìm đến những nét tương đồng, tạm gác quá khứ, tôn trọng sự khác biệt, cả về thể chế chính trị, hướng đến tương lai để chịu lắng nghe ý kiến của nhau, xây dựng mối quan hệ hợp tác hữu nghị, huống chi là những người Việt Nam với nhau, cùng “con Hồng, cháu Lạc”, vì dân tộc, vì sự tồn vong của đất nước mà không gạt bỏ những hận thù để cùng nhau xây dựng tương lai vững bền cho Tổ quốc.
Cho nên, nói đến hòa giải và hòa hợp là phải có sự thiện chí, sự chia sẻ từ hai phía, chứ không thể kêu gào mà chính mình lại không hành động một cách chân thành và thiện chí.

Ba là, phủ nhận đường lối chính sách đối ngoại của Việt Nam. Về chính sách đối ngoại của Việt Nam trong báo cáo Chính trị của BCH Trung ương Đảng khóa X tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng chủ trương: “Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì một nước Việt Nam XHCN giàu mạnh”.

Trên tinh thần đó, Việt Nam đã và đang muốn là bạn với tất cả các quốc gia trên thế giới trên tinh thần tôn trọng độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của nhau, vì lợi ích quốc gia, dân tộc, không hợp tác với bên này chống lại bên kia.

Mối quan hệ và sự hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ là “Hướng tới tương lai quan hệ song phương và phát huy quan hệ Đối tác toàn diện, hai nước khẳng định tiếp tục triển khai quan hệ sâu sắc, bền vững, và thực chất, trên cơ sở tôn trọng Hiến chương Liên Hợp Quốc, luật pháp quốc tế và thể chế chính trị, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau” (Tuyên bố chung Việt Nam -  Hoa Kỳ).

Điều đó phản ánh rõ nét về chính sách quan hệ quốc tế của Việt Nam. Như Fred Brown từng là Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ ở Đà Nẵng trước năm 1975, khi trả lời phỏng vấn BBC hồi tháng 5 trước chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã không đắn đo: “Tôi nghĩ chính sách đa phương của chính phủ Việt Nam hiện nay là sáng suốt, thể hiện sự hiểu biết và cần phải tiếp tục”.

Từ những khía cạnh đó, chúng ta có thể thấy, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ là hình mẫu cho thế giới, mà dấu son ấn tượng nhất là chuyến thăm Hoa Kỳ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Cả hai bên biết gác lại quá khứ, biết tôn trọng thể chế chính trị, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi cho mỗi nước cũng như cho hòa bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới. Kết quả đó đã khẳng định đường lối, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước Việt Nam trên con đường xây dựng, phát triển và hội nhập quốc tế. Đồng thời, nó xóa tan đi những tiếng nói lạc lõng, đầy hằn học và vô trách nhiệm đối với dân tộc, đối với đất nước.

Như cựu Tổng thống Bill Clinton tại Hà Nội tối 2-7 vừa qua, nhân kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ đã nói một cách thú vị và vô cùng sâu sắc: “Quyết định dang rộng vòng tay hay siết chặt nắm đấm là tâm điểm của mọi xung đột trên thế giới hiện nay và quyết định bản chất con người. Chúng ta mạnh mẽ hơn, tốt hơn, hay yếu đuối đi, phụ thuộc vào quyết định dang rộng vòng tay hay siết chặt nắm đấm”.

Đấy cũng là điều cốt lõi trong quan hệ giữa con người với con người, giữa quốc gia này với quốc gia khác đúng nghĩa và đúng bản chất nhân văn của nó.

Đấy cũng là mục tiêu cao cả mà nhân loại đang hướng tới để cho cái thiện thắng cái ác; hòa bình, hữu nghị thắng chiến tranh và xung đột.

LÊ MINH HÙNG

;
.
.
.
.
.