.

Nông thôn mới phục vụ phát triển đô thị

.

Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang Trần Văn Trường khẳng định, ngay từ khi bắt tay thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), Đảng bộ, chính quyền huyện Hòa Vang xác định nội lực có tính quyết định, trong đó người nông dân đóng vai trò quan trọng với tư cách vừa là chủ thể hành động, vừa là chủ thể hưởng lợi. Từ nhận thức đúng và triển khai đồng bộ các giải pháp, đến nay, toàn huyện xuất hiện ngày càng nhiều mô hình kinh tế mang lại thu nhập cao.

Nhờ sự táo bạo và nhạy bén, anh Nguyễn Xuân Hùng trở thành nông dân sản xuất giỏi với thu nhập từ 300 - 400 triệu đồng/năm từ trồng hoa lan.
Nhờ sự táo bạo và nhạy bén, anh Nguyễn Xuân Hùng trở thành nông dân sản xuất giỏi với thu nhập từ 300 - 400 triệu đồng/năm từ trồng hoa lan.

Nhiều mô hình làm kinh tế giỏi

Nhìn vườn hoa lan của gia đình anh Nguyễn Xuân Hùng, thôn Dương Sơn, xã Hòa Châu đang thời kỳ trổ bông mới thấy thành quả ngọt ngào này được kết từ nỗi vất vả, có cả những thất bại ban đầu của anh Hùng. Lặn lội vào tận huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh để học mô hình trồng hoa lan mokaza, anh Hùng quyết định đầu tư hơn 500 triệu đồng để trồng thử nghiệm 400 gốc lan ngay tại nhà. Từ năm 2014 đến nay, trung bình mỗi tháng số tiền bán hoa lan hơn 30 triệu đồng.

Từ thành công ban đầu, anh quyết định lập dự án và mở rộng khu vực sản xuất, đầu tư hơn 1,7 tỷ đồng để trồng hơn 1.200 gốc hoa lan tại khu vực trồng hoa tập trung được quy hoạch của xã Hòa Châu. Anh Hùng được thành phố hỗ trợ 300 triệu đồng và được vay các nguồn vốn ưu đãi của Hội Nông dân các cấp để có nguồn lực đầu tư chuyên canh hoa lan thương phẩm. “Nếu cứ bám lấy ba sào ruộng lúa thì biết bao giờ mới thoát nghèo. Ước mong làm giàu của những thanh niên nông thôn là chính đáng và tôi sẽ quyết tâm để khẳng định người nông dân có thể thu nhập hàng trăm triệu đồng/tháng trên chính mảnh đất của mình”, anh Hùng chia sẻ. Mô hình của anh Nguyễn Xuân Hùng là 1 trong hơn 10 mô hình phát triển kinh tế nổi bật của xã Hòa Châu và là một trong số hàng trăm mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại của huyện Hòa Vang.

Ở xã Hòa Khương, mô hình tổ hợp tác nuôi cá nước ngọt ở thôn Phú Sơn 2 với hơn 40 hội viên, mỗi năm xuất bán gần 150 tấn cá trê lai, diêu hồng, trắm cỏ… với tổng thu nhập hơn 3 tỷ đồng/năm. Từ đây xuất hiện những nông dân sản xuất giỏi với thu nhập cao gần hàng chục lần so với trồng lúa. Từ cuối năm 2011, với dự án “Xây dựng vùng sản xuất lúa giống tại xã Hòa Tiến”, kinh phí đầu tư gần 500.000 USD, người nông dân đã chủ động hơn trong việc sản xuất lúa giống. Dự án giúp cải thiện khả năng sản xuất lúa giống của hơn 4.000 hộ nông dân tại xã Hòa Tiến, nâng cao khả năng xử lý lúa giống sau thu hoạch nhằm đạt chất lượng cao hơn và tăng giá trị sản phẩm.

Ngoài các điểm nhấn trong việc hình thành và nhân rộng các hình thức sản xuất như đã nêu trên, huyện Hòa Vang đang triển khai thí điểm hơn 50 mô hình xây dựng NTM mang lại hiệu quả kinh tế. Ngoài ra, các mô hình trồng cây ăn quả gắn liền với cải tạo vườn tạp triển khai đều khắp ở các xã như: trồng thanh long ruột đỏ, bưởi da xanh, bơ, ổi, mít… Ước tính tổng thu nhập từ các mô hình phát triển kinh tế theo chương trình NTM ở Hòa Vang hàng trăm tỷ đồng mỗi năm.

Nông thôn mới phục vụ phát triển đô thị

Việc thành lập các HTX sản xuất chuyên canh đã giúp người nông dân bớt sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, từ đó hình thành các mô hình cánh đồng mẫu lớn, cung ứng sản phẩm nông nghiệp với số lượng lớn ra thị trường. Hàng loạt mô hình kinh tế hiệu quả ra đời đã khẳng định nông dân Hòa Vang đủ sức làm giàu nếu mạnh dạn đầu tư làm ăn quy mô lớn, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, gắn kết với thị trường tiêu thụ sản phẩm ổn định.

Gần 5 năm qua, được sự quan tâm của Trung ương, thành phố, sự phối hợp của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và sự hỗ trợ tích cực của các tổ chức, cá nhân, nhiều dự án quan trọng được triển khai trên địa bàn. Nhờ vậy, hệ thống hạ tầng điện, đường, trường, trạm được đầu tư khá đồng bộ; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày được nâng cao.

Điểm đột phá là kết cấu hạ tầng được đầu tư theo tiêu chuẩn đô thị loại 3, nhất là đường giao thông nông thôn, thiết chế văn hóa, trường học, trạm y tế xã, trung tâm y tế huyện… được đầu tư khang trang, hiện đại. Ở Hòa Vang, đường bê-tông phủ kín khắp các làng quê. Đến nay, tổng kinh phí đầu tư NTM giai đoạn 2011-2015 là 2.394 tỷ đồng. Hạ tầng nông thôn, các công trình dân sinh mới được xây dựng, đời sống, thu nhập người dân tốt hơn trước đã làm cho diện mạo NTM ngày càng khởi sắc đáng mừng.  

Ông Trần Văn Trường chia sẻ, xây dựng NTM không chỉ là cố gắng hoàn thành 19 tiêu chí đề ra, mà quan trọng hơn là thông qua việc hoàn thành các tiêu chí này, đời sống người dân ở các xã NTM thực sự được nâng cao hơn trước. Trong bối cảnh bị tác động mạnh mẽ bởi quá trình đô thị hóa,  nhưng với cách đi mới, phù hợp với điều kiện địa phương, huyện Hòa Vang đang từng bước phát huy thế mạnh các nguồn tài nguyên thiên nhiên, huy động các nguồn lực tập trung thúc đẩy phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phục vụ đô thị, hiệu quả bền vững.

Bài và ảnh: Việt Dũng

;
.
.
.
.
.