.

Ứng xử văn hóa ở chợ

.

Mang lại tâm lý thoải mái cho người dân và du khách khi đến các chợ Đà Nẵng là mục tiêu phấn đấu của các chị em tiểu thương 4 chợ lớn trên địa bàn thành phố trong “Năm văn hóa, văn minh đô thị 2015”.

Trong bộ đồng phục, chị em tiểu thương chợ Hàn nhắc nhở mình phải là người bán hàng có văn hóa.
Trong bộ đồng phục, chị em tiểu thương chợ Hàn nhắc nhở mình phải là người bán hàng có văn hóa.

Đi chợ sợ đủ thứ!

Cuối tuần, chị Trâm Anh (phường Thanh Bình, Hải Châu) thường sang chợ Đống Đa mua cá tươi và rau củ. “Đưa tôi gói rau sống, chị bán hàng nói giá 20.000 đồng, nhưng tôi ước chừng 10.000 đồng. Tôi phàn nàn thì chị ấy kỳ kèo còn 15.000 đồng. Không đáng bao nhiêu nhưng buôn bán kiểu gian dối như vậy là không được”, chị Trâm Anh nói.

Chị Hạnh (phường Thạch Thang, quận Hải Châu) chia sẻ có hôm chị đưa người bà con ở quê ra chơi, đến chợ Cồn mua quần áo. Dù các cửa hàng đều có biển ghi dòng chữ “bán đúng giá niêm yết” nhưng quan sát thấy vài người trả chỉ 1/3 giá thì người bán đồng ý. “Không quen mua ở chợ, sợ bị “hớ”, tôi cũng trả giá và sau khi coi kỹ thì tôi không đồng ý mua. Thế là người bán hàng ngay lập tức nói những lời gay gắt…”, chị Hạnh ngán ngẩm kể.

Bên cạnh đó, nhiều người lấy lý do bán mở hàng, chèo kéo, ép khách phải mua. Nếu không mua thì lấy giấy đốt, đuổi vì cho là bị “mắc phong long” (!?).

Thay đổi bắt đầu từ cử chỉ đẹp

Về vấn đề nói trên, chị Huyền Trang, Phó Chủ tịch Hội LHPN chợ Cồn, thừa nhận vẫn còn tình trạng nhiều chị em tiểu thương ở chợ có cách hành xử khiếm nhã với khách hàng nhưng đó chỉ là bộ phận nhỏ và nếu họ không tự điều chỉnh, không đi theo xu thế chung về văn minh thương mại thì tất yếu sẽ bị chính khách hàng đào thải. “Thật ra, việc trả giá cũng thành thói quen của người đi chợ. Nhưng chúng tôi chủ trương yêu cầu chị em trong chợ không nói thách, có thể chênh lệch vài đồng để bớt cho người mua cảm thấy vui vẻ”, chị Trang cho biết.

Đồng quan điểm, chị Thanh Vân - Trưởng ban quản lý chợ Hàn cho hay, đối với chợ truyền thống trước đây, người dân có tâm lý buôn bán được ngày nào hay ngày đó, họ không nghĩ nhiều về việc xây dựng thương hiệu. Thời đại đã khác, sự cạnh tranh của siêu thị, trung tâm thương mại, bán hàng qua mạng ngày càng mạnh mẽ, yêu cầu của khách hàng ngày càng cao thì các chợ truyền thống cần thay đổi. Mỗi chị em buôn bán ở chợ cần đầu tư thương hiệu, hình ảnh quầy hàng để thu hút khách hàng nhiều hơn, trước hết là vì chính bản thân các tiểu thương, sau đó là hình ảnh của chợ và của cả thành phố.

Nhưng từ “nói” đến “hành động” là cả quá trình dài đòi hỏi ý thức, trách nhiệm của mỗi chị em. Hiểu được điều đó, Hội LHPN Công ty Quản lý Hội chợ triển lãm và các chợ Đà Nẵng đã phát động phong trào “Môi trường xanh - quầy hàng sạch - cử chỉ đẹp” đến gần 5.000 hội viên phụ nữ trên 4 chợ trực thuộc (chợ Cồn, chợ Hàn, chợ Đống Đa, chợ Đầu mối Hòa Cường).

Những mục tiêu đưa ra đều cụ thể như: buôn bán bảo đảm chất lượng (không có hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng, hàng không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm - VSATTP…), hàng hóa phải có nguồn gốc xuất xứ; 100% hội viên phụ nữ là các thương nhân tại chợ ký cam kết bán hàng có niêm yết giá và bán theo giá niêm yết. Đồng thời, theo hướng dẫn, cử chỉ đẹp nghĩa là thái độ và lời nói bán hàng thân thiện, văn hóa, lịch sự, vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi; tôn trọng chị em trong chợ, không chèo kéo khách hàng; không mê tín khi bán mở hàng; không nói thách…

Hình ảnh chợ Hàn vào một sáng tháng 5 đã cho thấy bước khởi đầu trong việc hưởng ứng phong trào “Môi trường xanh - quầy hàng sạch - cử chỉ đẹp”: các quầy hàng sạch sẽ, tươm tất; ban bảo vệ chợ dạo quanh kiểm tra an ninh trật tự, loa phát thanh phát bảng tin tuyên truyền văn minh thương mại; các chị tiểu thương trong đồng phục màu hồng vui vẻ chào mời khách.

Chị Ry Ninh, chủ một cửa hàng quần áo tại chợ Hàn, hào hứng nói: “Mỗi thứ 7 hằng tuần và các ngày lễ lớn, chị em phụ nữ các chợ mặc đồng phục bán hàng, để tự nhắc nhở phải là người bán hàng lịch sự, có văn hóa và tạo tâm lý an tâm cho khách hàng. Bằng những cử chỉ đẹp, chúng tôi hy vọng thay đổi cách nhìn của người mua và du khách về hình ảnh “con buôn”, về “người ở chợ”; để mỗi khi nhắc về Đà Nẵng, người ta sẽ tự hào nói về chợ Hàn, chợ Cồn… bên cạnh những cây cầu, dòng sông”.

Bài và ảnh: NGỌC HÀ

;
.
.
.
.
.