.

Nhà Quốc hội: Tầm vóc mới của một biểu tượng

.

Nhà Quốc hội mới được xây dựng trong trục không gian quan trọng và đặc biệt, giữa đất thiêng Ba Đình.

Trước mặt là nơi ghi dấu ấn lịch sử quan trọng nhất của thời đại ở thế kỷ 20 - Quảng trường Ba Đình là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh long trọng đọc Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố sự ra đời của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Sát đó là Hoàng thành Thăng Long - nơi phát lộ những trầm tích văn hóa.

Phòng Diên Hồng, phòng họp chính, nằm ở trung tâm tòa nhà.
Phòng Diên Hồng, phòng họp chính, nằm ở trung tâm tòa nhà.

Tháng 4-2015, Hội đồng giải thưởng Kiến trúc quốc gia công bố kết quả giải thưởng năm 2014. Trong đó, Giải thưởng Lớn được trao cho công trình Nhà Quốc hội. Đáng chú ý, công trình này được 100% thành viên Hội đồng bỏ phiếu. Bài toán hóc búa về kiến trúc giữa một không gian đặc biệt thiêng liêng và quan trọng ở đất Ba Đình đã được nhóm kiến trúc sư (KTS) người Đức là Meinhard Von Gerkan, Nikolaus Goetze, Dirk Heller, Joaern Ortmann hóa giải.

Giải thưởng Lớn

Nói về Giải thưởng Lớn, Chủ tịch Hội KTS Việt Nam Nguyễn Tấn Vạn cho biết, Nhà Quốc hội được xây dựng trong không gian Ba Đình, không làm mất trục quan trọng Lăng Bác Hồ, tượng đài Bắc Sơn, Hoàng Diệu... Công trình không rườm rà, công năng rất tốt, ánh sáng, âm thanh, tầm nhìn đều được xử lý hoàn hảo, môi trường làm việc bên trong tốt, không bị ánh nắng tác động... Nhóm tác giả sử dụng ánh nắng mặt trời, tiết kiệm nước trong điều kiện tối đa cho phép.

Theo KTS Dirk Heller, khi thiết kế Nhà Quốc hội, nhóm tác giả chú trọng tạo ra 2 hình khối tròn và vuông - những hình khối rất giàu tính biểu tượng trong văn hóa phương Đông; đồng thời tạo thêm nhiều vườn treo trên cao, nhiều hướng tiếp cận ánh sáng bởi “bản tính con người Việt Nam là gần gũi và muốn sống cùng thiên nhiên”.

Trước đó, khi nói về công trình này, GS Meinhard von Gerkan, Chủ tịch Gmp International GmbH - nhóm KTS thiết kế Nhà Quốc hội Việt Nam cho biết: “Đây là công trình lớn có công năng phức tạp, chặt chẽ, được áp dụng khoa học công nghệ đơn giản nhưng mang lại hiệu quả cao về tiết kiệm năng lượng. Khi thiết kế công trình này, chúng tôi phải bảo đảm tòa nhà ấn tượng từ ngoài vào trong, tạo cảm giác vững chắc hàng trăm năm. Bên cạnh đó, chúng tôi chú trọng đưa những yếu tố không gian xanh, những hình ảnh, âm hưởng của Thăng Long xưa vào công trình, biến những giá trị vật thể thành giá trị phi vật thể đối với người dân thủ đô. Theo tôi, kiến trúc nhiều khi không phải là tạo ra công trình mà còn tạo ra không gian yên tĩnh cho người dân, cho Hà Nội”.

Tiếp nối ngàn năm

Nhà Quốc hội mới là nơi tổ chức các kỳ họp Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH); tổ chức những lễ kỷ niệm trọng đại của đất nước và đón tiếp khách quốc tế cấp cao của Đảng, Nhà nước.

Chính thức được khởi công xây dựng ngày 12-10-2009, nhưng khởi công Dự án xây dựng Nhà Quốc hội và Hội trường Ba Đình phải tính từ đầu những năm 2010. Công việc được tiến hành cẩn trọng, khoa học, nhằm tìm phương án kiến trúc tối ưu, hợp lý, nhằm giữ lại sợi dây nối hiện tại và quá khứ trên mảnh đất chất chứa trầm tích văn hóa của nhiều thời kỳ lịch sử.

Công trình Nhà Quốc hội có giải pháp kiến trúc hình vuông, với phòng họp hình tròn ở giữa, gồm 2 tầng hầm và 5 tầng nổi; kích thước mặt bằng 102 x 102m, cao khoảng 39m; tổng diện tích sàn 5 tầng nổi hơn 36.000m2, tổng diện tích sàn 3 tầng hầm hơn 26.000m2, có khu vực đỗ ô-tô với sức chứa hơn 500 chiếc. Công trình được đánh giá là quy mô, phức tạp nhất từ trước đến nay do các nhà thầu Việt Nam xây dựng. Từ cổng phía đường Bắc Sơn vào bên trong tòa nhà là gian đại sảnh. Đây là nơi khánh tiết, đón tiếp khách hoặc tổ chức hội thảo.

Nhà Quốc hội mới có 2 phòng họp lớn với tên “Diên Hồng” và “Tân Trào”. Chính giữa tòa nhà là phòng họp “Diên Hồng”. Trung tâm của vòm trần trong phòng này có một đèn chùm pha lê lớn trọng lượng 5 tấn. Phòng họp của UBTVQH được đặt tên là “Tân Trào” với hệ thống 6 màn hình xung quanh giúp các đại biểu dễ dàng quan sát diễn biến phiên họp. Cách đặt tên này là sáng kiến của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) - nhà sử học Dương Trung Quốc.

Từ sảnh chính vào tòa nhà, hai bên là 2 hệ thống thang cuốn chạy từ tầng 1 đến tầng 3. Các tầng khác phải sử dụng thang máy. Tầng 1 với sảnh giữa rộng và thoáng, không gian mở. Hành lang các tầng thiết kế giống nhau. Phòng họp báo với 100 chỗ ngồi nằm bên trái tầng hầm thứ hai của tòa nhà. Đường hầm nối Nhà Quốc hội và Bộ Ngoại giao dài 60m, có hai phần đường dành cho người đi bộ và ô-tô riêng biệt. Nhiều trang thiết bị hiện đại được nhập khẩu từ nước ngoài, hệ thống điện được vận hành tương đương một nhà máy. Tổng số hơn 80 phòng họp lớn nhỏ, đường dây điện dài 1.000km.

Chiều 3-10-2014, khi thị sát công trình Nhà Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá: “Nhà Quốc hội là công trình công sở đầu tiên quy mô lớn nhất từ khi thống nhất đất nước, có tính mỹ thuật, công nghệ hiện đại, xây dựng trên khu vực có nhiều triều đại nên yêu cầu cao về bảo tồn, bảo tàng”.

Đến nay, công trình Nhà Quốc hội đã phục vụ thành công phiên họp thứ 32 UBTVQH tháng 10-2014, kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII diễn ra trong tháng 10 và 11-2014, đồng thời góp phần tổ chức thành công Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) lần thứ 132 diễn ra từ ngày 28-3 đến 1-4-2015…

Phiên họp đầu tiên tại Nhà Quốc hội mới

Sáng 20-10-2014, phiên họp đầu tiên của kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII đã diễn ra tại tòa nhà Quốc hội mới.

Các ĐBQH ngồi ở hội trường tầng 1 với 600 chỗ ngồi, tầng 2 bố trí hơn 300 chỗ ngồi của khách mời, khách dự thính. Vị trí trang trọng nhất trong hội trường là khu vực chủ tọa kỳ họp. Khu vực này cũng được trang bị hiện đại, phục vụ công tác điều hành cuộc họp.

ĐBQH Bùi Thị An (đoàn Hà Nội) rất xúc động khi lần đầu bước vào tòa nhà này. Theo bà An, tòa nhà hiện đại không kém nhiều tòa nhà trên thế giới. “Tôi hiểu đó là sự chắt chiu, dành dụm của nhân dân, của Đảng, của Nhà nước dành cho Quốc hội, cho ĐBQH nên tôi càng thấy trách nhiệm hơn. Tôi nghĩ chúng tôi sẽ làm hết trách nhiệm để làm thế nào đáp ứng một phần mong mỏi của cử tri cả nước nói chung và cử tri Hà Nội nói riêng. Có thể, nói về mặt kết cấu, thiết kế của tòa nhà đã thể hiện rõ vị trí của ĐBQH, cũng như vị trí của Quốc hội là người đại diện cho dân. Vì vậy, chúng tôi nghĩ rằng, cách bố trí các công năng của nó đã thể hiện quyền lực của đất nước nhưng phải thông qua từng ĐBQH và từng ĐBQH chúng tôi lại thấy trách nhiệm hơn trong chuyện lắng nghe ý kiến của cử tri, tập hợp ý kiến của cử tri và đưa nguyện vọng chính đáng của cử tri lên Quốc hội cho xứng với công năng mà hiện nay thiết kế của tòa nhà đã dành cho chúng tôi”, bà An nói.

Trong khi đó, ĐBQH Nguyễn Anh Sơn (đoàn Nam Định) bày tỏ: “Tôi cũng như các ĐBQH khác, lần đầu tiên bước chân vào nhà Quốc hội mới, chúng tôi rất xúc động, bồi hồi, vui, phấn khởi xen lẫn niềm tự hào. Nhà Quốc hội mới như một biểu tượng của Quốc hội và đất nước Việt Nam đang phát triển, hòa nhập với thế giới.

Vào những năm 1960, Bác Hồ đã nói: Khi nào thống nhất nước nhà, chúng ta sẽ xây dựng một nhà Quốc hội rất đàng hoàng, đáp ứng yêu cầu của hoạt động Quốc hội. Giờ đây, chúng ta đã có được tòa nhà như thế này. Chúng tôi từng ĐBQH cũng thấy phải có trách nhiệm làm sao Quốc hội phải thực sự là nơi hội tụ trí tuệ, tinh hoa của đất nước, thể hiện được ý chí, tình cảm, nguyện vọng của nhân dân và cử tri cả nước”.

MAI HOÀNG

;
.
.
.
.
.