.

Bộ LĐTB&XH xác minh thông tin 3.000 trẻ em Việt bị bán sang Anh

.

Tờ báo Guardian của Anh vừa khẳng định có 3.000 trẻ em Việt Nam bị buôn bán sang Anh và bị ép lao động trong các khu vực trồng cần sa...​

Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Hồng Lan
Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Hồng Lan

Trước thông tin, tờ báo “Người bảo vệ” (Guardian) của Anh vừa công bố con số “giật mình”, khi khẳng định có tới 3.000 trẻ em Việt Nam bị buôn bán sang Anh và bị ép lao động trong các khu vực trồng cần sa và nhiều hoạt động phi pháp khác như buôn bán súng, ma túy và mại dâm, chiều 25-5, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Hồng Lan cho biết: Ngay sau khi đọc được bài báo này, tôi đã chỉ đạo Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em và Cục Phòng chống tệ nạn xã hội của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội làm việc với Bộ Công an để xác minh nguồn tin; xác minh số lượng lượng 3.000 trẻ em là trẻ em Việt Nam hay gồm cả trẻ em từ các nơi khác đến, để có biện pháp đấu tranh phù hợp nhất trong việc này.

Có thể nói, việc mua bán người, kể cả ở Việt Nam và quốc tế, là vấn nạn gây rất nhiều bức xúc trong xã hội. Đây là hành động vi phạm pháp luật nghiêm trọng. 

Nếu có tình trạng đó, kênh quan trọng nhất là đại diện của Việt Nam ở nước ngoài, đó là Đại sứ quán Việt Nam tại Anh. Ngoài ra, Bộ Ngoại giao cũng như Bộ Lao động Thương binh và Xã hội có những đường dây nóng. 

Hiện nay, Bộ Ngoại giao có đường dây nóng liên quan đến tất cả vấn đề người Việt Nam ở nước ngoài. Bộ Lao động và Thương binh và Xã hội cũng là cơ quan được phối hợp với Bộ Công an để có đường dây nóng liên quan đến vấn đề buôn bán người. 

"Chúng tôi có số 18001567. Tất cả những vấn đề liên quan đến mua bán người, có thể gọi điện đến số điện thoại này để chúng tôi chuyển thông tin đến các cơ quan chức năng, có biện pháp để giúp đỡ một cách thiết thực nhất", bà Đào Hồng Lan cho biết.

Theo The Guardian của Anh, mỗi tháng có khoảng 30 trẻ em bị các tổ chức tội phạm đưa sang Anh làm “nô lệ thời hiện đại” thông qua các đường dây rất bài bản, và bị ép tham gia các hoạt động phi pháp như trồng cần sa, buôn bán súng, ma túy và mại dâm.

The Guardian trích dẫn lời một cựu lãnh đạo cơ quan chống buôn người của chính phủ Anh cho biết, có khoảng 3.000 trẻ em người Việt hiện đang bị bóc lột sức lao động và bị lạm dụng bởi các băng đảng tôi phạm để trục lợi. Theo ông, cảnh sát Anh biết chuyện này, nhưng các biện pháp đối phó vẫn không đủ để ngăn chặn.

Cảnh sát Anh thừa nhận đang gặp khó khăn khi các băng nhóm tội phạm ngày càng đa dạng và mở rộng hoạt động trên khắp nước Anh, sang cả Scotland và Northern Ireland. Ngoài các trang trại cần sa, trẻ em Việt Nam bị buôn bán sang Anh còn bị cưỡng ép tham gia các hoạt động phạm pháp khác như buôn lậu súng, sản xuất ma túy đá và mại dâm.

Để vào được Anh, trung bình, mỗi trẻ em phải trả cho đường dây buôn người khoảng 25.000 bảng Anh (gần 850 triệu đồng), và sẽ phải làm việc để trả dần số nợ này.

Ước tính mỗi năm có khoảng 13.000 người bị buôn lậu vào Anh, và trẻ em Việt Nam chiếm số lượng lớn nhất. Những nạn nhân này mang lại khoản lợi “khủng” lên tới 75 triệu bảng Anh cho các tổ chức xã hội đen.

VOV

;
.
.
.
.
.