.

Tự hào chiến sĩ văn công

.

Giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước bước vào giai đoạn cam go, ác liệt nhất, Đội Văn công Bộ Tư lệnh Liên khu 5, nay là Đoàn Văn công Cục Chính trị Quân khu 5 (Đoàn Văn công Quân khu 5 - PV ) ra đời có những đóng góp tích cực trên mặt trận văn hóa tư tưởng, góp phần động viên, tuyên truyền cũng như phản ánh tinh thần chiến đấu và sản xuất của quân dân ta dưới các hình thức biểu diễn nghệ thuật.

Từ đó đến nay, chiến tranh đã lùi xa, những người lính trên mặt trận văn hóa vẫn cần mẫn mang lời ca tiếng hát đến với mọi miền Tổ quốc…

Tổ khúc hát múa Lời chiêng núi vọng Biển Đông do Đoàn Văn công Quân khu 5 biểu diễn.
Tổ khúc hát múa Lời chiêng núi vọng Biển Đông do Đoàn Văn công Quân khu 5 biểu diễn.

Ký ức không phai

Cách đây 63 năm, theo yêu cầu động viên tinh thần chiến đấu của bộ đội và nhân dân trên chiến trường Khu 5, tại chợ Cát, xã Tam Quan, huyện Hoài Nhơn (tỉnh Bình Định), Đội Văn công Bộ Tư lệnh Liên khu 5 thành lập với số lượng vỏn vẹn 10 thành viên, là những thiếu sinh quân vừa tốt nghiệp khóa 6, Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn (nay là Trường Sĩ quan Lục quân 1) và một số đồng chí có năng khiếu ca, múa được chắt lọc từ cơ sở. Vốn liếng ban đầu của đội là những tiết mục tự biên, tự diễn dựa trên chất liệu dân ca Khu 5 đằm thắm, mượt mà.

Hầu hết diễn viên bấy giờ là những chiến sĩ ngày cầm súng chiến đấu, đêm hát phục vụ chiến sĩ, đồng bào; vừa sưu tầm cải biên, sáng tác, dàn dựng, vừa tự thiết kế trang phục, đạo cụ trong hoàn cảnh thiếu trước hụt sau. Cùng với quyết tâm bám sát bộ đội, bám sát chiến trường, vượt lên những thử thách sống còn giữa mưa bom bão đạn, đội chia thành từng tốp nhỏ, sẵn sàng lên đường phục vụ bộ đội, nhân dân, phục vụ thương, bệnh binh trong điều kiện “3 không”: không phông màn, không âm thanh, không ánh sáng.

Trong ngôi nhà nhỏ tại khu cư xá sĩ quan Quân khu 5, nhạc sĩ Thanh Anh, nguyên Trưởng đoàn Văn công Quân khu 5 kể lại, ngay từ ngày đầu thành lập, đội đã có hàng trăm buổi biểu diễn phục vụ bộ đội, nhân dân ở Gò Nổi (Quảng Nam), Tà Mực (Sơn Tây), Nam Quảng Ngãi, An Khê (Gia Lai), Konplong (Kon Tum)… trước và sau chiến dịch hè thu năm 1952, thu đông năm 1953 lịch sử.

Những chàng trai, cô gái tuổi mười tám, đôi mươi với giọng hát khi trầm bổng du dương, khi hào hùng sôi nổi, thổi vào mỗi tác phẩm lý tưởng cách mạng “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” cùng quyết tâm “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, góp phần động viên tinh thần, cổ vũ bộ đội và nhân dân thi đua giết giặc lập công vững tin ngày chiến thắng.

Nhạc sĩ Thanh Anh là một trong những cánh chim đầu đàn xây dựng phong trào ca múa nhạc Khu 5 phát triển theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại nhưng vẫn phù hợp với mọi nhiệm vụ chính trị được giao. Thoát ly gia đình từ năm 13 tuổi, ba năm sau, ông nhập ngũ và trở thành diễn viên múa của Văn công Trung đoàn 120, Trưởng đội múa Đội Văn công Bộ Tư lệnh Liên khu 5 tập kết ở miền Bắc vài năm sau đó.

Năm 1961, từ miền Bắc, nhạc sĩ Thanh Anh trở lại chiến trường B1 làm Trưởng đoàn Văn công quân giải phóng miền Trung Trung Bộ, gắn bó với nhiều thế hệ nhạc sĩ, ca sĩ và diễn viên múa giữa chiến trường ác liệt, đầy gian khổ và hy sinh. Hình ảnh người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa gần gũi khi hát giữa đồng đội, đồng bào hay gùi hàng, cõng gạo, trồng sắn, tỉa bắp, đào hầm, hành quân xuyên rừng để lại cho ông nhiều cảm xúc lẫn yêu thương để sáng tác nên những ca khúc “Du kích nhân dân”, “Anh đi hơn con chim bay”, “Tải đạn ra chiến trường”, “Cô du kích Đà Nẵng”, “Em đi thồ”, “Nộp thóc nuôi quân” một thời vang bóng.

Năm 1971, ông đưa một bộ phận của đoàn ra miền Bắc tập huấn nghiệp vụ, còn bản thân theo học Khoa Sáng tác tại Nhạc viện Hà Nội (1972-1976), sau đó về lại Khu 5 tiếp tục làm Trưởng đoàn, chỉ đạo nghệ thuật, xây dựng những tác phẩm chất lượng giúp đoàn nhận được nhiều giải thưởng tại các hội thi, hội diễn toàn quốc.

Về thăm Đoàn Văn công Quân khu 5, chúng tôi còn được nghe câu chuyện đầy tự hào về nữ diễn viên múa – Đại úy Từ Thị Công Lễ (tổ 57, phường An Khê, quận Thanh Khê) 5 lần vinh dự được trò chuyện, biểu diễn phục vụ Bác Hồ. Chồng bà, Trung tá Lê Tôn Sùng (nguyên Phó Trưởng đoàn Văn công Quân khu 5) cũng 3 lần gặp Bác trong dịp vào Phủ Chủ tịch biểu diễn hay đón Bác Hồ đến thăm khi đoàn đang tập kết, đóng quân trên đất Vinh - Nghệ An cuối năm 1961 dịp Bác về thăm quê.

Nhắc lại chuyện này, bà Từ Thị Công Lễ nói đó là những kỷ niệm thiêng liêng, là tài sản tinh thần vô giá mà vợ chồng bà may mắn có được. Còn nhớ, lần cuối cùng bà được gặp Bác là năm 1967, khi Đoàn Văn công ra Phủ Chủ tịch biểu diễn tác phẩm “Tổng Ngốc sa lầy” nhằm đả kích Tổng thống Nixon đang bị sa lầy trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Khi ấy, nhóm múa của bà biểu diễn tiết mục “Tay chài tay súng” trước ánh mắt trìu mến, dịu hiền của người Cha già dân tộc. Trong lúc múa, bà tranh thủ nhìn vào bức tường lắp kính để được nhìn Bác lâu hơn. Sau buổi biểu diễn đầy xúc động đó, Bác thưởng cho mỗi thành viên trong đoàn một tô phở và chụp ảnh cùng Bác. Hòa bình lập lại, bà Lễ trở thành Đội trưởng đội múa của Đoàn Văn công Quân khu 5, nghỉ hưu từ năm 1982 với quân hàm đại úy.

Phục vụ nhân dân vô điều kiện

Đó là lời khẳng định của Đại tá Nguyễn Minh Sơn, Trưởng đoàn Văn công Quân khu 5 khi nói về truyền thống hình thành và phát triển của đơn vị trong suốt những năm tháng qua. Địa bàn Quân khu 5 trải dài qua 7 tỉnh đồng bằng từ Đà Nẵng đến Ninh Thuận và 4 tỉnh Tây Nguyên; địa hình đồi núi, biển đảo đi lại vô cùng khó khăn. Chuyện “ngày hôm trước ở sát biên giới Lào, hôm sau đã có mặt tại huyện đảo Lý Sơn” hay “Đoàn vừa biểu diễn ở Trường Sa về đến đơn vị, áo quần chưa kịp ráo muối thì ngay lập tức nhận nhiệm vụ tiếp tục đi Trường Sa” đã thể hiện tinh thần xung kích, không ngại khó ngại khổ, linh hoạt của người lính văn công.

Gắn bó với Đoàn Văn công Quân khu 5 từ năm 1976, Đại tá Nguyễn Minh Sơn cảm nhận sâu sắc sự gian khổ, hy sinh của đồng đội và cũng là đồng nghiệp trên mặt trận văn hóa, trở thành người “truyền lửa”, tiếp thêm sức mạnh cống hiến cho đội ngũ nghệ sĩ trẻ. Cảm động nhất là bà con nhiều nơi khi nghe thông tin Đoàn Văn công về biểu diễn đã bỏ việc nương rẫy đem cơm đùm, cơm nắm đi bộ hàng chục cây số đến địa điểm biểu diễn.

Ông bảo, khó khăn bây giờ không là gì so với những thời khắc lịch sử mà cha ông ta đã đi qua. Dù khi đến với đồng bào dân tộc hay hải đảo xa xôi, sân khấu đơn giản là mô đất cao, là bãi cỏ nơi bìa rừng, là sân phơi của xã, là bãi biển hoang sơ bốn bề lộng gió, nhưng chắc chắn các em sẽ hát hay hơn, diễn đẹp hơn bởi trong mỗi lời ca tiếng hát ấy chất chứa biết bao nhiêu tình cảm và sự yêu thương trìu mến.

Xuất sắc trong thế hệ diễn viên trẻ phải kể đến Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Thiếu tá Đinh Xuân Đề, sinh năm 1978, Xuân Đề là người dân tộc thiểu số K’Dong (Kon Tum). Từ khi 10 tuổi, anh đã rời xa vòng tay bảo bọc của ba mẹ theo học tại Trường thiếu sinh quân dân tộc Quân khu 5, trở thành học sinh tiêu biểu của nhà trường trong nhiều năm liền.

Bước ngoặt trong sự nghiệp ca hát của Xuân Đề bắt đầu từ năm 1994, khi anh trúng tuyển vào khoa Thanh nhạc, Trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật Quân đội (nay là Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội), đạt giải ba Tiếng hát truyền hình toàn quốc, Giải nhì giọng hát hay toàn quân năm 1999, Huy chương vàng Hội thi tiếng hát chuyên nghiệp toàn quân…

Năm 2007, anh tiếp tục học đại học, trở thành Đội trưởng đội ca, được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSƯT năm 2012. “Cho đến bây giờ, tôi đã 3 lần ra Trường Sa hát phục vụ đồng bào, chiến sĩ và vô cùng xúc động khi nhận lá thư tay, con ốc biển làm quà. Đồng bào dân tộc thì cho củ khoai, củ sắn, con gà, con vịt để đoàn bồi dưỡng sau đêm diễn. Những món quà nho nhỏ thế thôi nhưng vô cùng ấm áp, giúp chúng tôi xua tan mệt mỏi sau những cuộc hành trình dài hàng trăm cây số”, Xuân Đề chia sẻ.

Trung bình mỗi năm, Đoàn Văn công Quân khu 5 tổ chức trên 100 buổi biểu diễn phục vụ đồng bào, chiến sĩ khắp từ Nam chí Bắc. Đan xen giữa những câu chuyện xúc động, gần gũi của người lính văn công, chúng tôi hình dung ra chiếc xe tải phủ đầy đất đỏ ba-zan, chạy băng băng trên đường vắng, cắt rừng khộp giữa màn đêm để có mặt đúng giờ hẹn với đồng bào. Chừng ấy thời gian, biết bao lần, đoàn biểu diễn phục vụ bà con vùng sâu, vùng xa xong về đến trung tâm huyện đã 2-3 giờ sáng, có khi trễ quá phải kéo ghế, xếp bàn ngủ tạm qua đêm lấy sức để ngày mai tiếp tục lên đường đến với địa chỉ mới…

Thành lập ngày 20-3-1952, Đoàn Văn công Quân khu 5 đã xây dựng hàng ngàn tiết mục biểu diễn phục vụ đồng bào, chiến sĩ trên khắp mọi miền đất nước. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đoàn luôn có mặt ở những địa danh ác liệt, cam go nhất như Đak Hà, Tà Ma, Giá Vạt, Trà Bồng, An Lão, Hoài Ân, Việt An.

Hòa bình lặp lại, đoàn tiếp tục thực hiện nhiệm vụ quốc tế trên đất Campuchia từ 1979 đến 1989. Suốt 63 năm qua, có hơn 500 cán bộ, diễn viên, nhân viên cống hiến tuổi thanh xuân trên khắp chiến trường, nhiều người đã hi sinh vì bom đạn kẻ thù hay không chịu nổi sự khắc nghiệt của rừng già. Năm 2002, đoàn vinh dự được Nhà nước trao tặng danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và nhiều huân chương, huy chương có giá trị khác.

Bài và ảnh: TIỂU YẾN

;
.
.
.
.
.