.

Hòa Vang vững bước đi lên

.

Khi lá cờ chiến thắng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập trưa 30-4-1975, kết thúc cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước kéo dài hơn 20 năm của dân tộc Việt Nam, là lúc nhân dân huyện Hòa Vang bắt tay xây dựng cuộc sống mới được 33 ngày (ngày 28-3-1975 huyện Hòa Vang hoàn toàn giải phóng).

Mô hình kinh tế tiêu biểu ở Hòa Vang.
Mô hình kinh tế tiêu biểu ở Hòa Vang.

Phát huy truyền thống cách mạng, từ tro tàn của chiến tranh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Hòa Vang đã viết tiếp những trang sử hào hùng trong công cuộc xây dựng quê hương, từng bước biến vùng trắng, hoang tàn sau chiến tranh thành những làng quê trù phú, văn minh.   

Từ trong gian khó

Những năm chiến tranh ác liệt, không từ thủ đoạn tàn bạo nào, kẻ thù đã biến những làng quê Hòa Vang thành vùng trắng hoang tàn. Hàng vạn người dân bị dồn vào trại tập trung. Sau giải phóng, hơn 50.000 người từ các khu dồn dân trở về quê cũ. Ai nấy dựng nhà tạm để ở tại nơi còn đầy rẫy bom mìn và dày đặc rào kẽm gai. Bị giặc cày đi xới lại nhiều lần, nhân dân ở 80/119 thôn của huyện bắt tay xây dựng cơ ngơi từ con số không. Đồng ruộng hoang hóa, đầy rẫy bom mìn, không nước tưới, những năm sau giải phóng, người dân Hòa Vang thường xuyên đối mặt với tình trạng thiếu lương thực gay gắt. Năm nào cũng vậy, khoảng 60% hộ dân phải nhận gạo cứu đói. Có thể nói, nhân dân Hòa Vang đã bắt tay xây dựng lại quê hương từ hai bàn tay trắng với nghị lực phi thường.

Đã 40 năm trôi qua, ký ức về những ngày tháng tư lịch sử năm 1975 vẫn chưa phai trong tâm trí nhiều người trên mảnh đất anh hùng này. Trải qua ác liệt của chiến tranh, từng đổ mồ hôi, công sức cùng mọi người xây dựng quê hương sau ngày giải phóng, ông Nguyễn Thỏa, nguyên Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Tiến nhớ lại: “Hồi đó, Hòa Tiến là vùng chiến sự vô cùng ác liệt. Nhằm ngăn chặn sự tấn công của ta từ nông thôn vào nội thị Đà Nẵng, kẻ thù đã biến các làng quê vùng này thành bình địa. Sau giải phóng, bà con tiến hành khai hoang phục hóa, tổ chức sản xuất và máu vẫn tiếp tục đổ do bom mìn kẻ thù gài đặt khắp nơi. Ngày đó, khó khăn, nguy hiểm chồng chất. Với hai bàn tay trắng, cùng khát khao cháy bỏng xây dựng quê hương giàu đẹp, ai nấy đều nỗ lực hết mình, làm việc suốt ngày đêm. Háo hức lắm.

Bước ra từ lửa đạn chiến tranh, được sống trong hòa bình, mọi người đều dồn sức cho việc dựng xây lại quê hương, làng xóm. Hết khai hoang, vỡ hóa đất canh tác, lại be bờ, đắp đập dẫn nước. Chẳng bao lâu sau ngày giải phóng, từ vùng trắng hoang tàn do chiến tranh, màu xanh đã phủ kín các làng quê, đồng ruộng ở Hòa Tiến. Nay được sống trong khung cảnh làng quê như phố, mới thấy hết sự nỗ lực phi thường của người dân vùng này suốt 40 năm qua”.

Đi lên vững vàng

Trong xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội, với những thành tựu nổi bật của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân đạt được, Nhà nước đã tuyên dương xã Hòa Vang là đơn vị Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.

Không hài lòng với những gì đã đạt được, người dân Hòa Vang tiếp tục “xung trận” trên mặt trận đổi mới, làm giàu. Các nghị quyết về xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, phát triển kinh tế thể hiện tầm nhìn xa trông rộng, sự năng động sáng tạo của các cấp ủy Đảng địa phương đã nhanh chóng đi vào cuộc sống. Tiếp theo đó, công cuộc xây dựng nông thôn mới được triển khai. Cả huyện là một công trường khổng lồ, nơi nào cũng sôi động việc dựng xây. Vì sự giàu có, văn minh, không tiếc của cải, công sức, người dân Hòa Vang đã hiến đất, góp công, góp của để mở đường rộng hơn, xây nhà cao hơn. Sự nỗ lực không mệt mỏi của toàn Đảng, toàn dân Hòa Vang đã làm đổi thay gần như hoàn toàn bộ mặt nông thôn. Không ít làng quê chẳng khác đô thị.  

Với 200 dự án đã và đang triển khai, 15.000ha đất bị thu hồi, hơn 8.000 hộ dân di dời giải tỏa, Hòa Vang đã chuyển mình để trở thành huyện công nghiệp và thương mại, dịch vụ với đô thị hóa diễn ra rộng khắp, tiến độ khẩn trương chưa từng thấy.

Đến nay, hạ tầng ở Hòa Vang đã hoàn thiện, với 100% hộ sử dụng điện lưới quốc gia, hàng trăm kilomet đường các loại chằng chịt, kết nối đã bê-tông hóa, nhựa hóa; 100% công trình công cộng bao gồm trường học, trạm xá, trung tâm hành chính huyện, xã xây tầng khang trang; 98% hộ dân sử dụng nước sạch...

Chỉ 4 năm, từ 2011-2015, tổng nguồn lực đầu tư cho xây dựng kết cấu hạ tầng và phát triển kinh tế trên địa bàn huyện lên đến con số kỷ lục: 1.813 tỷ đồng, gấp hàng chục lần so 35 năm trước đó. Riêng sự đóng góp của nhân dân cho sự nghiệp xây dựng nông thôn mới trên quê hương mình là 409 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người hiện nay đã là 27,75 triệu đồng/năm, tăng 1,8 lần so năm 2010, tăng hàng chục lần so ngày mới giải phóng.

Công cuộc xóa nghèo được đẩy mạnh hơn bao giờ hết, với 165 tỷ đồng đầu tư trong 4 năm qua, đã có 8.045 hộ thoát cảnh nghèo khó, hộ nghèo từ 6,5% cách đây 2 năm, hiện chỉ còn 0,52%. Hiện nay, có 6/11 xã đã hoàn thành công cuộc xây dựng nông thôn mới.

 Từ hộ nghèo khó, ở nhà tạm, nay có cơ ngơi khang trang bề thế, thu nhập khoảng nửa tỷ đồng/năm, ông Võ Sơn, Trưởng thôn Hòa Hải, xã Hòa Phú cho rằng, sự đổi thay của mỗi nhà, mỗi làng quê ở Hòa Vang cứ như kỳ tích. Nói đâu xa, cách đây hơn 10 năm, gần 100% hộ ở thôn Hòa Hải ở nhà tạm, hộ nghèo chiếm hơn 70%; đường sá lớm chởm đá, nay Hòa Hải là thôn giàu có, 100% nhà xây, trong đó hơn 10 hộ xây tầng, 15 hộ có ô-tô…

Phải nói rằng, được ở trong nhà xây khang trang, đời sống no đủ, cơ sở hạ tầng hoàn thiện, sống trong khung cảnh thanh bình càng thấy những điều Đảng, Nhà nước đem lại cho mỗi người dân, mỗi làng quê ở Hòa Vang thật vô cùng to lớn.    

Bài và ảnh: NGUYỄN CẦU

;
.
.
.
.
.