.

Xử lý người vay vốn đi khỏi nơi cư trú

.

“Không thể để tình trạng người vay vốn chưa trả đi khỏi nơi cư trú mà chưa tìm và xử lý được”, đó là ý kiến của Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố Đà Nẵng Võ Duy Khương tại Hội nghị tổng kết tín dụng chính sách năm 2014 do UBND thành phố tổ chức ngày 27-3.

Trao vốn cho hộ nghèo để mua bò ở xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang.
Trao vốn cho hộ nghèo để mua bò ở xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang.

Người vay nợ đi khỏi nơi cư trú dẫn đến ảnh hưởng chất lượng tín dụng chính sách trên địa bàn là vấn đề lớn được nêu ra tại hội nghị.

800 hộ “mất tích” sau khi vay vốn?

Quận Liên Chiểu là địa phương triển khai mạnh hoạt động cho vay vốn tín dụng chính sách với hơn 2.000 hộ vay, thông qua 57 tổ tiết kiệm vay vốn. Tuy nhiên, vẫn còn những hộ vay chưa trả đã rời địa bàn và “bặt vô âm tín”, gây khó khăn cho hoạt động này. “Hiện nay, tình hình hộ vay bỏ đi khỏi nơi cư trú khiến việc quản lý vốn tại cơ sở khó khăn. Chúng tôi đã tìm kiếm nhưng không dễ dàng”, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh (CCB) quận Liên Chiểu Nguyễn Văn Bình nói.

Ông Bình kiến nghị UBND thành phố có văn bản chỉ đạo cơ quan công an hỗ trợ xác định địa chỉ hộ vay. Còn theo chị Trần Thị Sen, tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn thuộc Hội CCB phường Khuê Trung (quận Cẩm Lệ), tình trạng hộ đi khỏi nơi cư trú “ôm” khoản vay hàng chục triệu đồng gây khó khăn không nhỏ cho cán bộ ở các tổ vay vốn tại địa phương.

“Có trường hợp một hộ bỏ đi, kèm theo khoản nợ gần chục triệu đồng. Chúng tôi đã đi tìm kiếm vất vả trong thời gian dài, cuối cùng cũng tìm thấy chị này bán bún chả cá ở Bệnh viện Phụ sản - Nhi. Sau này, thuyết phục mãi họ mới trả”, chị Sen chia sẻ.

Theo thống kê của Ngân hành Chính sách xã hội thành phố Đà Nẵng, toàn thành phố còn hơn 800 hộ đi khỏi nơi cư trú không xác định được địa chỉ với tổng số tiền còn nợ 6,8 tỷ đồng. “Công tác quản lý dân cư còn lỏng lẻo. Việc nhiều hộ vay vốn chưa trả, rồi rời nơi cư trú và sinh sống ngay trên địa bàn Đà Nẵng mà tổ vay vốn không biết và không tìm ra là không được. Sắp đến phải có sự phối hợp để xử lý tình trạng này”, Phó Chủ tịch Võ Duy Khương chỉ đạo.

Thay đổi tư duy của hộ nghèo

Trước đây, nhiều nguồn vốn hỗ trợ cho hộ nghèo khiến không ít hộ ỉ lại, sau khi tiêu hết vốn thì tái nghèo. Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố Võ Duy Khương cho biết, thời gian đến, thành phố không hỗ trợ mà cho vay không lấy lãi.

“Thoát nghèo không chỉ là nhiệm vụ của các ngành, đoàn thể, của Nhà nước, mà còn là của hộ nghèo. Nguồn vốn đó như chiếc cần câu giúp hộ này thoát nghèo, sau đó nó sẽ được trao cho hộ khác để tiếp tục giúp họ vươn lên”, ông Khương nói. Ngoài ra, thời gian đến, không chỉ hộ nghèo mà người hoàn lương cũng được vay vốn không trả lãi để làm lại cuộc đời.

Phó Chủ tịch Võ Duy Khương cũng ghi nhận trong năm qua, cùng với các chính sách hỗ trợ của địa phương, nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần giúp hơn 8.000 hộ thoát nghèo, tạo việc làm mới cho hơn 2.000 lao động, giảm tỷ lệ thất nghiệp của thành phố.

Theo bà Trần Thị Phương Lan, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố, chương trình tín dụng chính sách hiện gặp không ít khó khăn. “Nợ quá hạn, nợ khoanh còn lại sau 3 năm thực hiện đề án đều là những khoản nợ rất khó xử lý, thu hồi. Một số chương trình tín dụng vẫn tiềm ẩn rủi ro, dễ ảnh hưởng đến việc gia tăng nợ quá hạn như: chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, học sinh sinh viên… Số nợ khoanh hết thời hạn được khoanh nợ trong những năm tới rất lớn: hơn 3 tỷ đồng”, bà Lan cho biết.

Theo bà Lan, lãi của Ngân hàng Chính sách xã hội là những món nhỏ, phát sinh hằng tháng, đòi hỏi chất lượng hoạt động của tổ tiết kiệm và vay vốn của hội, đoàn thể nhận ủy thác phải được nâng lên. “Chúng tôi sẽ đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ điều hành quản lý nguồn vốn tín dụng chính sách ở cơ sở để nâng chất lượng hoạt động nhận ủy thác”, bà Lan nói.

Theo Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố Võ Duy Khương, phải củng cố chất lượng hoạt động tín dụng cho các tổ nhằm thu hồi nợ quá hạn. “Ngân hàng Chính sách xã hội không thể “khoán trắng” cho các đoàn thể mà cán bộ ngân hàng phải trực tiếp xuống các tổ vay vốn, hướng dẫn việc theo dõi mở sổ sách và thu nợ”, ông Khương chỉ đạo.

Phó Chủ tịch Võ Duy Khương nói rằng, thời gian đến, lãnh đạo phường, xã sẽ tham gia Ban đại diện Ngân hàng Chính sách xã hội tại quận, huyện để nâng cao hiệu quả hoạt động của các ban này.

Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ

;
.
.
.
.
.