.

Cần quy hoạch việc đặt tượng

.

Việc đặt tượng tùy tiện, thiếu tính nghệ thuật tại các vườn tượng trên đường Bạch Đằng vô tình làm mất ý nghĩa nâng cao nhận thức thẩm mỹ cho người dân và làm giảm vẻ đẹp của con đường được cho là sáng giá nhất thành phố.

Ba bức tượng Phước - Lộc - Thọ được đặt giữa 2 bức tượng thiếu nữ tại vườn tượng đường Bạch Đằng.
Ba bức tượng Phước - Lộc - Thọ được đặt giữa 2 bức tượng thiếu nữ tại vườn tượng đường Bạch Đằng.

Theo khảo sát, trên địa bàn Đà Nẵng, hiện có một vài tượng lớn như: tượng mẹ Nhu trên đường Điện Biên Phủ, tượng mẹ Âu Cơ tại Công viên Biển Đông đầu đường Phạm Văn Đồng, còn lại là vài tượng đặt rải rác trên đường Trần Hưng Đạo (phía đông sông Hàn); tập trung số lượng tượng lớn nhất là khu vườn tượng đặt tại đường Bạch Đằng (phía tây sông Hàn), với hơn 100 bức tượng.

Rối mắt!

Vườn tượng trên đường Bạch Đằng (đoạn trước Kho bạc Nhà nước và chợ Hàn) thu hút khá đông người dân và du khách đến dạo mát, chụp ảnh; tạo điểm nhấn cho hoạt động văn hóa trên con đường đẹp nhất thành phố. Theo ghi nhận của chúng tôi, mỗi tác phẩm được trưng bày ở đây đều thể hiện một chủ đề riêng như: tượng người phụ nữ ba miền; tượng nữ khỏa thân; tượng lân, sư, rồng, cá, chim; tượng Thị Nở - Chí Phèo; tượng Phước - Lộc - Thọ; tượng Phật… Tất cả được đặt trong cùng một không gian, không theo một chủ đề hay phong cách nghệ thuật nào cả.

Nhận xét về vườn tượng này, nhà điêu khắc Lê Huy Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật thành phố nêu ý kiến rằng, không chỉ riêng ông mà nhiều anh em trong nghề, kể cả đồng nghiệp từ Hà Nội vào than phiền khá nhiều.

“Theo tôi biết thì các bức tượng được đặt ở đó chưa qua hội đồng thẩm định nghệ thuật. Người ta cứ mang tượng đến đặt ở đó, chỉ nghĩ đến việc giới thiệu, trưng bày sản phẩm chứ chưa nghĩ đến việc sắp đặt mang tính nghệ thuật. Chưa kể nhiều tượng được sao chép từ các tác phẩm tạo hình theo trường phái cổ điển của châu Âu trên mạng Internet thì không thể chuẩn xác. Nói chung, tính nghệ thuật chưa ổn”, nhà điêu khắc Lê Huy Hạnh bày tỏ quan điểm.

Trong lúc đó, những người “ngoại đạo” với nghệ thuật khi được hỏi cảm nhận về vườn tượng thì ngập ngừng đôi chút rồi nhận xét: “Hình như hơi rối!”.

“Việc đặt vườn tượng trên đường Bạch Đằng rất có ý nghĩa, vừa đẹp, vừa tạo không gian thưởng thức nghệ thuật cho người dân và du khách. Thật ra khi các bạn hỏi thì tôi mới chú ý, chứ với tôi, vậy cũng đẹp rồi. Đà Nẵng đang là điểm đến của nhiều du khách, nếu thành phố chú trọng hơn về điều này thì rất đáng hoan nghênh”, anh Nguyễn Hải, một du khách đến từ thành phố Hồ Chí Minh nói.

Tốp khách đến từ thành phố Hồ Chí Minh vừa rời đi, thì tốp khách người Hàn Quốc lại đến, tranh thủ dừng chân chụp ảnh lưu niệm tại vườn tượng dù lúc đó mới chỉ đầu giờ chiều, trời còn khá nắng. Điều này cho thấy sự thu hút đặc biệt của vườn tượng đối với du khách khi đặt chân đến Đà Nẵng và đi dạo trên con đường thơ mộng bên bờ sông Hàn.

Cần quy hoạch

Ông Nguyễn Hữu Chiến, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết, sự tồn tại của vườn tượng trên đường Bạch Đằng bắt nguồn từ việc triển lãm, giới thiệu những tác phẩm được chế tác bởi các nghệ nhân của hai cơ sở điêu khắc đá Khắc Hiếu và Tiến Hùng (thuộc làng đá mỹ nghệ Non Nước) từ khi diễn ra lễ hội pháo hoa quốc tế đầu tiên tại Đà Nẵng năm 2008. Từ đó đến nay, hai cơ sở này được phép đặt tượng tại đây theo công văn của UBND thành phố.

Theo ông Chiến, trước mắt, Sở VH-TT&DL sẽ làm việc với hai cơ sở điêu khắc đá Khắc Hiếu và Tiến Hùng để lựa chọn những tác phẩm điêu khắc, tượng đá mang tính nghệ thuật tiêu biểu, thể hiện được nét đặc trưng của làng nghề Non Nước để trưng bày. Thứ hai, tham khảo thêm ý kiến của những người chuyên về công tác trưng bày khu vườn tượng.

Dự kiến đến tháng 7-2015 hoàn thành việc chỉnh lý, sắp xếp lại vườn tượng này. Về lâu dài, Sở VH-TT&DL đề nghị lãnh đạo thành phố cho phép xây dựng đề án bố trí tượng nghệ thuật và một số tượng làng nghề Non Nước trên vỉa hè bờ tây sông Hàn (từ chân cầu Rồng đến chân cầu Thuận Phước) để tạo thêm điểm nhấn.

Trong khi đó, bàn thêm về giải pháp cho việc đặt tượng, hình thành vườn tượng, nhà điêu khắc Lê Huy Hạnh nói rằng, trước khi thực hiện một không gian trưng bày mở, nếu có thể, nên thành lập Hội đồng nghệ thuật để thẩm định, đánh giá mặt bằng trưng bày, tác phẩm trưng bày… Cần thiết phải để tên tác giả, tác phẩm nhằm giúp công chúng, du khách biết thêm về các nghệ nhân thành phố.

“Trong một cuộc hội thảo chuyên ngành tại Bình Định, có ý kiến cho rằng, cần học tập Đà Nẵng trong cách xây dựng hình ảnh đẹp hai bên bờ sông Hàn. Tôi thẳng thắn nói: các bạn có thể học tập nhiều thứ, nhưng đừng học cách xây dựng vườn tượng của Đà Nẵng. Vì thế, tôi hy vọng các cấp lãnh đạo quan tâm hơn đến tính thẩm mỹ, nghệ thuật trước khi muốn trưng bày các tác phẩm đến với công chúng”, nhà điêu khắc Lê Huy Hạnh chia sẻ.

Bài và ảnh: NGỌC HÀ

;
.
.
.
.
.