.

Những người mưu sinh trong đêm

.

Kim đồng hồ điểm 0 giờ cũng là lúc một ngày làm việc của họ bắt đầu. Đó là cuộc sống của những“cửu vạn” nơi cảng cá, chợ đầu mối…, họ phải đánh vật với cơn thèm ngủ vì mưu sinh.

Những phụ nữ gồng mình với những gánh cá nặng.
Những phụ nữ gồng mình với những gánh cá nặng.

Nhọc nhằn nghề bốc xếp

Tôi ghé chợ Đầu mối Hòa Cường vào một ngày giáp Tết. Giữa đêm khuya, tiếng cười nói, tiếng xe tải đổ hàng… diễn ra nhộn nhịp, khác hẳn với cảnh yên ắng của phố phường. Có lẽ vào thời điểm giáp Tết nên hàng về nhiều hơn, hàng chục xe tải các loại chen chúc đậu đỗ chờ người xuống hàng.

Những gương mặt hốc hác, những đôi mắt thâm quầng vì thiếu ngủ, những cái ngáp vặt không kịp che miệng, nhưng đôi chân họ vẫn bước đi, tay vẫn kéo những thùng hàng nặng trĩu. Đó là hình ảnh quen thuộc của lực lượng bốc xếp ở chợ Đầu mối Hòa Cường với khoảng 70 người chia làm 2 đội: Đội rau củ và đội hoa quả.

Một chiếc xe tải chở trái cây vừa dừng lại, đội bốc xếp nhanh chóng chuyển hàng vào chợ. 20 phút sau, một xe tải khác thế chỗ, hàng hóa đã được chuyển đi. Lau những giọt mồ hôi nhễ nhại trên trán, anh Võ Văn Thạnh (50 tuổi, phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu) cho biết: “Nghề ni cực lắm, chỉ dành cho những người có sức khỏe thôi. Tui làm ở đây 10 năm rồi, hồi trước thất nghiệp nên xin vào làm, riết rồi quen nên làm luôn tới chừ”.

Anh Nguyễn Văn Minh - một người có thâm niên trong nghề chia sẻ: “Mỗi ngày tụi tui phải làm từ 0 giờ tới hơn 6 giờ sáng thì về ngủ. Tụi trẻ có sức khỏe tốt thì làm ráng tới 11 giờ trưa. Cứ mỗi đêm, bình quân tui kiếm được cỡ 100.000 đồng, ngày ít hàng thì năm bảy chục, ngày nhiều như đợt ni thì cũng được trăm rưỡi. Nói chung chi tiêu tiện tặn cũng đủ trang trải cho cuộc sống và nuôi 3 con ăn học”.

Oằn mình trên đôi quang gánh

Khác với đội bốc xếp ở chợ Đầu mối Hòa Cường hầu hết  là nam, ở cảng cá Thọ Quang (Sơn Trà), những người gánh cá thuê toàn là phụ nữ. Tầm 0 giờ, cả cảng cá náo nhiệt hẳn lên, hoạt động mua bán diễn ra tấp nập. Trong cái lạnh se se của gió biển đêm khuya, cùng vị tanh nồng, những phụ nữ với đôi quang gánh bước đi thoăn thoắt là hình ảnh quen thuộc nơi cảng cá.

Dạt trôi về cảng cá, tất thảy họ đều nhập cuộc mưu sinh chỉ bằng đôi quang gánh với chính sức lực của mình. Những phụ nữ thân gầy còm, người nhỏ thó phải gồng mình gánh trên vai nặng trĩu cá. Xoay vội chiếc đòn gánh để đổi vai vì mỏi, chị Thái Thị Hoa (34 tuổi, quê Thăng Bình, Quảng Nam) cho biết: “Mình làm ở đây 3 năm rồi, ở quê không có gì làm nên phải ra đây. Nghề ni cực lắm nhưng cũng phải cố vì còn nuôi con đang học ở quê và phụ bố mẹ già”. Nói đoạn, chị vội vàng bước đi.

Những phụ nữ làm nghề gánh cá thuê ở đây hầu hết đều có hoàn cảnh khó khăn. Ở quê thất nghiệp, nên họ phải ly hương, dạt về bám trụ mưu sinh nơi cảng cá. Chồng không may mất sớm, gửi lại đứa con nhỏ chưa đầy 3 tuổi cho ông bà nội để vào đây kiếm sống, chị Huỳnh Thị Oanh (35 tuổi, ở Huế) thổ lộ: “Ở quê chẳng có chi làm nên mình phải gửi con lại cho ba mẹ chồng rồi vào đây. Nhiều lúc cũng nhớ con lắm nhưng cũng đành.

Mình gánh cá thuê cho người ta từ 0 giờ đến 6 giờ 30. Mỗi gánh cá từ 2 đến 3.000 đồng, gánh nặng lắm thì 5.000 đồng. Một đêm kiếm cũng được 100.000 đồng, vào những ngày biển động thì dăm ba chục. Nói chung nghề này bấp bênh lắm. Mình phải chi tiêu tằn tiện để mỗi tháng có ít gửi về cho ông bà nội nuôi cháu”.

Trong lúc gánh cá thuê, họ không quên tranh thủ nhặt những con cá rơi vãi trên đường gói vào túi ni-lông để làm thức ăn cho những bữa cơm đạm bạc thường ngày. Mặt trời lên cũng là lúc kết thúc một ngày làm việc, họ quay về với thân xác mỏi rời, nhưng trong họ vẫn ánh lên niềm vui và tin yêu cuộc sống.

Một ngày mới lại bắt đầu với nhiều người lao động khác, nhưng với những người làm nghề cửu vạn thì lại bắt đầu với giấc ngủ sau một đêm dài làm việc. Cũng có không ít người chỉ cho phép mình được ngủ qua loa rồi lại tìm kiếm những việc làm thêm khác, lao động liên tục cho tới đêm hôm sau, tất cả cũng chỉ vì cuộc mưu sinh…

Bài và ảnh: HỮU TRUNG

;
.
.
.
.
.