.

Phấn đấu hoàn thành lịch sử Đảng bộ thành phố Đà Nẵng (1975-2010)

.

Sáng 29-1, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Thanh Quang chủ trì Hội thảo lần cuối công trình “Lịch sử Đảng bộ thành phố Đà Nẵng (1975 - 2010)”.

Đến dự có nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Nguyễn Văn Chi; nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Trương Quang Được; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí và các đồng chí lãnh đạo tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng và thành phố Đà Nẵng qua các thời kỳ.

Công trình “Lịch sử Đảng bộ thành phố Đà Nẵng (1975-2010)” được biên soạn thể hiện tinh thần gắn bó giữa Đà Nẵng và Hòa Vang trong chiến tranh cũng như trong hòa bình, với mong muốn huy động các nguồn lực của quá khứ nhằm phục vụ cho sự phát triển tương lai.

Tập bản thảo đã phần nào phác họa một cách khái quát quá trình xây dựng, phát triển mọi mặt của thành phố Đà Nẵng và huyện Hòa Vang trước đây; là sự cố gắng phát huy sức mạnh nội lực và ngoại lực của Đảng bộ thành phố Đà Nẵng và huyện Hòa Vang dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ Quảng Nam - Đà Nẵng suốt 21 năm xây dựng và phát triển trong tình hình khó khăn chung của cả nước lúc bấy giờ, đặt nền móng vững chắc cho việc Trung ương Đảng quyết định chia tách tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng thành 2 đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương.

Đặc biệt, bản thảo đã phác họa quá trình phát triển có tính đột phá với sự năng động, sáng tạo của Đảng bộ thành phố Đà Nẵng mới khi trực thuộc Trung ương từ năm 1997 đến năm 2010. Bản thảo bước đầu đúc kết, rút ra một số bài học kinh nghiệm nhằm bổ sung, làm phong phú hơn vai trò lãnh đạo của Đảng bộ thành phố Đà Nẵng trong công cuộc xây dựng, phát triển và hội nhập hiện nay.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí cho rằng, công trình đáp ứng nguyện vọng của đa số cán bộ, đảng viên, nhân dân thành phố Đà Nẵng, mong muốn ghi lại một thời kỳ khó khăn, gian khổ song cũng lắm tự hào; là nhu cầu muốn tìm trong quá khứ những bài học thiết thực, bổ ích nhằm phục vụ cho việc lãnh đạo, chỉ đạo phát triển mọi mặt kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội của Đảng bộ thành phố Đà Nẵng hiện nay.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy nhấn mạnh, từ năm 1997 đến năm 2010 là giai đoạn Đà Nẵng phát triển với vị thế mới của một thành phố trực thuộc Trung ương. Thực tế cho thấy, chủ trương chia tách tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng của Bộ Chính trị thành 2 đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương là kịp thời và đúng đắn; vì sau gần 15 năm là đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng xác lập được cho mình là một thành phố động lực của miền Trung và Tây Nguyên; đặc biệt là Bộ Chính trị (khóa IX) ban hành Nghị quyết 33-NQ/TW “Về phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ CNH, HĐH đất nước”.

Đà Nẵng chủ động, nhạy bén, chọn những khâu đột phá dựa trên tiềm năng và thế mạnh của mình để phát triển theo hướng nhanh và bền vững; chú trọng quan điểm phát triển kinh tế gắn với phát triển văn hóa - xã hội một cách hài hòa, bền vững, hướng đến con người, với mục đích xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành thành phố văn hóa, thành phố của những cây cầu, thành phố sự kiện, thành phố môi trường, thành phố của sự hội tụ, thành phố đáng sống...

Dự kiến, công trình “Lịch sử Đảng bộ thành phố Đà Nẵng (1975 - 2010)” phát hành nhân dịp Đại hội Đảng bộ thành phố Đà Nẵng lần thứ XXI.

ĐOÀN LƯƠNG

;
.
.
.
.
.