.

Huy động nhiều nguồn lực, bảo đảm chất lượng công trình giao thông

.

Mở đầu phần chất vấn Bộ trưởng Giao thông vận tải (GTVT) Đinh La Thăng, ĐB Trương Minh Hoàng yêu cầu đưa ra giải pháp đồng bộ để giá cước vận tải hợp lý để có thể cạnh tranh với các nước trong khu vực. Trong khi đó, ĐB Nguyễn Thị Hồng Hà băn khoăn khi chuyển giao quyền khai thác một số đường cao tốc, thì có thể nhà đầu tư thu phí cao, ảnh hưởng lợi ích của người dân; vì vậy tiêu chí nào để lựa chọn nhà đầu tư chuyển giao các dự án này.

Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng, ngành giao thông đang tiến hành tái cơ cấu nhiều lĩnh vực để tăng năng suất lao động và giảm giá cước. “Qua tái cơ cấu, tỷ trọng vận tải đường bộ bắt đầu giảm; đường thủy, đường sắt đã tăng thị phần. Giá cước đường sắt bắt đầu giảm, từ đầu năm đến nay không tăng giá. Sẽ giảm 11- 17% giá vé tàu dịp Tết”, ông Thăng cho biết.

Đối với vận tải hàng không cần đẩy mạnh xã hội hóa, cho tư nhân làm, đẩy mạnh cổ phần hóa; điển hình là đã cổ phần hóa Vietnam Airlines, hãng này cũng không tăng giá vé trong mấy năm qua. Bộ trưởng cho biết, so sánh chung giá cước hàng không của Việt Nam và khu vực, tuyến thành phố Hồ Chí Minh - Hà Nội có giá vé cao nhất 2,8 triệu, trong khi chặng bay dài tương đương Phuket - Bangkok là 230 USD.

Bộ trưởng Thăng cho biết, để đột phá hạ tầng giao thông, trong bối cảnh tái cơ cấu đầu tư công, nguồn lực ngày càng hạn chế, Bộ GTVT đã đề xuất nhiều cơ chế huy động nguồn lực trong và ngoài nước. Gần 3 năm qua đã huy động 160.000 tỷ đồng ngoài xã hội, bằng 60% tổng vốn đầu tư cho GTVT. Bộ đang nghiên cứu chuyển giao quyền khai thác kết cấu hạ tầng cho nhà đầu tư thu phí, coi đây là giải pháp đột phá. Sẽ xây dựng đề án tổng thể trình Chính phủ. Mục tiêu là đến 2020 có 2.000 km đường cao tốc.

Về vấn đề đặt ra là quản lý sau chuyển giao thu phí, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, một số nhà đầu tư xin chuyển giao nhưng vẫn kế thừa các điều kiện mà nhà đầu tư trước đây đã cam kết, thu phí theo khung giá Bộ Tài chính nên không thể tăng giá tùy tiện, thu phí cao.

Mức phí phụ thuộc vào lưu lượng xe, thời gian thu hồi vốn. Trên cơ sở đó, Bộ GTVT hay đơn vị thuộc bộ có thể ký hợp đồng với nhà đầu tư quy định mức thu phí cao hay thấp. “Cả nước có 524 km đường cao tốc, nếu chuyển nhượng đường thì ta có thể làm tiếp hơn 500 km nữa. Nhà đầu tư sẽ kế thừa toàn bộ dự án theo hợp đồng, nên không thể thu phí cao hơn”, ông Đinh La Thăng khẳng định.

Băn khoăn về tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông, ĐB Đỗ Văn Đương yêu cầu làm rõ tuyến này sử dụng công nghệ như thế nào vì tiến độ chậm, đội vốn cao. Từ hôm tháp cẩu rơi xuống, ông và nhiều cử tri rất lo ngại, vì đường treo trên đầu hàng nghìn người. Nếu tàu rơi xuống đất thì là thảm họa. “Bộ trưởng có cam kết đưa công trình vào khai thác tuyệt đối an toàn không, nếu không an toàn thì Bộ trưởng có suy nghĩ thế nào, nếu đội vốn hơn nữa thì làm thêm hạng mục gì để không rơi xuống đất?”, ĐB Đỗ Văn Đương chất vấn.

Bộ trưởng Đinh La Thăng giải trình, dự án Cát Linh - Hà Đông sử dụng vốn vay ODA Trung Quốc, do nhà thầu Trung Quốc thi công với công nghệ mới nhất. Để đảm bảo an toàn, Bộ GTVT đã phê duyệt biện pháp an toàn, nhất là thi công trong điều kiện giữa nội đô. Sau tai nạn, Bộ GTVT đã cho dừng dự án để kiểm tra tổng thể, chỗ nào đảm bảo an toàn mới tái khởi động. Quá trình hoàn thành và khai thác, dự án sẽ phải nghiệm thu theo đúng quy định, việc khai thác cũng đảm bảo tiêu chuẩn an toàn là số một, sau mới đến hiệu quả.

ĐB Trương Thị Ánh đặt câu hỏi về công tác phòng chống tham nhũng như thế nào khi phần lớn công trình giao thông thường đội vốn cao nhưng chất lượng kém, Bộ trưởng GTVT xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm vì ngành sử dụng vốn đầu tư lớn nhất của người dân đóng góp.

Bộ có giải pháp đột phá như xác định trách nhiệm với người đứng đầu, gắn trách nhiệm từ bộ trưởng, thứ trưởng, các cục, vụ, doanh nghiệp, công khai minh bạch từ công tác cán bộ, chủ trương đầu tư, đấu thầu, chọn nhà đầu tư, tổ chức thi tuyển các chức danh lãnh đạo có năng lực, tinh thần chống tham nhũng.

“Chúng tôi tăng cường kiểm tra giám sát các công trình từ các cơ quan, người dân, của đại biểu Quốc hội tại các địa phương”, ông Thăng nói.

Cơ bản cuối năm 2015 không còn xe quá khổ, quá tải

Về vấn đề làm rõ trách nhiệm của Bộ GTVT và các địa phương trong xử lý xe quá tải của ĐB Nguyễn Văn Phúc, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho hay, năm 2014 đã giảm xe quá tải nhờ việc ký cam kết chủ xe, chủ doanh nghiệp với cơ quan quản lý, tăng cường công tác đăng kiểm. Các cơ quan thực thi coi đây là nhiệm vụ trọng tâm bảo vệ kết cấu hạ tầng. Nếu người dân và lái xe đồng thuận, cơ bản cuối năm 2015 sẽ không còn xe quá khổ, quá tải.

B.T

;
.
.
.
.
.
.