.

"4 không, 4 nên" bảo vệ môi trường

.

Trên cơ sở triển khai cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và góp phần thực hiện Đề án “Xây dựng Đà Nẵng - thành phố môi trường”, hơn 1 năm qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Chính Gián, quận Thanh Khê phát động và duy trì mô hình “4 không, 4 nên” mang lại hiệu quả thiết thực và nhận được sự hưởng ứng của đông đảo người dân ở các khu dân cư.

Sau một năm triển khai, mô hình “4 không, 4 nên” làm thay đổi nhận thức, thói quen của người dân trong việc bảo vệ môi trường.
Sau một năm triển khai, mô hình “4 không, 4 nên” làm thay đổi nhận thức, thói quen của người dân trong việc bảo vệ môi trường.

Cụ thể hóa các chủ trương

Theo ông Võ Văn Đoàn, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Chính Gián, trong 5 nội dung thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, việc thực hiện 2 nội dung xây dựng đời sống văn hóa tinh thần, lành mạnh, phong phú, giữ gìn bản sắc dân tộc và xây dựng môi trường cảnh quan xanh - sạch - đẹp còn gặp nhiều khó khăn.

“Dù tuyên truyền nhiều nhưng chúng tôi nhận thấy ý thức, tinh thần tự giác bảo vệ môi trường của người dân vẫn chưa cao, vẫn chưa trở thành thói quen, nếp sống của xã hội. Bên cạnh đó vấn đề tín ngưỡng, cúng bái vẫn còn được thực hiện một cách thái quá, có dấu hiệu của mê tín dị đoan. Sau khi cúng bái, người dân vãi gạo muối, cháo hoa ra khắp tuyến phố, hẻm kiệt, vàng mã sau khi đốt theo gió bay tỏa khắp khu dân cư tạo nên bầu không khí ô nhiễm”, ông Đoàn cho biết.

Nắm bắt thực tế trên, Mặt trận phường Chính Gián đã mạnh dạn đề xuất và triển khai mô hình “4 không, 4 nên”: không đổ nước thải ra đường, kiệt, hẻm; không vứt rác bừa bãi; không đốt giấy vàng mã khi không có thùng, vãi gạo muối ra đường gây ô nhiễm và không để vật nuôi phóng uế bừa bãi. Nên đổ rác đúng thời gian, địa điểm quy định; thường xuyên tự giác giữ gìn vệ sinh môi trường; tận dụng diện tích đất, không gian phát triển cây xanh và có thái độ thể hiện sự không đồng tình với hành vi ô nhiễm môi trường.

Để kế hoạch được triển khai sâu rộng và có hiệu quả, UBND phường đã in 4.300 tờ rơi tuyên truyền phát đến từng gia đình trên toàn phường, gắn 80 tấm biển, áp-phích khắp các tuyến đường, hẻm, kiệt để nhắc nhở, vận động người dân thực hiện tốt các nội dung đã đề ra. Trên thực tế, nhiều tổ dân phố, khu dân cư đã có những chuyển biến tích cực trước kế hoạch này.

Chuyển biến tích cực

Nhờ sự vào cuộc tích cực đó, suốt 1 năm nay, khoảng 11 giờ trưa mỗi ngày, hàng chục hộ dân tại tổ 50 lại mang những bao tải rác đặt ngay ngắn trước cửa nhà để chờ thu dọn. Ông Hoàng Hùng, một người dân sinh sống ở đây, cho biết trước đây mỗi nhà có một khung giờ đổ rác làm cho tuyến đường trở nên nhếch nhác, chuột, bọ, ruồi muỗi kéo đến làm ô nhiễm môi trường, con đường vốn chật hẹp càng trở nên bức bối, mất mỹ quan.

“Giờ đây ai cũng thu gom rác của gia đình một cách cẩn thận, đến giờ lại mang ra đặt trước nhà, chỉ mười phút sau đã được mang đi sạch sẽ. Từ ngày thực hiện chủ trương này, việc hàng xóm cãi vã vì chuyện đặt thùng rác trước nhà mình cũng hết mà quan trọng hơn là tạo môi trường sạch đẹp cho con em sinh hoạt”, ông Hùng bày tỏ.

Sau một năm triển khai, qua khảo sát mô hình này đã làm thay đổi nhận thức, thói quen của người dân trong việc tham gia bảo vệ môi trường. “Thực hiện các chủ trương của Trung ương hay địa phương, đôi khi không nhất thiết là những kế hoạch to lớn mà cần những việc làm thiết thực, gắn với thực tế đời sống của bà con, vừa hiệu quả lại bảo đảm những thói quen trong đời sống văn hóa, tín ngưỡng của nhân dân”, ông Đoàn nói.

Bài và ảnh: ĐẠI BÌNH

;
.
.
.
.
.