.
Kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam giúp Cách mạng Lào (30-10)

Gìn giữ và vun đắp thêm tình hữu nghị

.

Sau khi ba nước Đông Dương giành được độc lập (1945), thực hiện chủ trương của Đảng và Chính phủ ta,  quân và dân Liên khu 5, trong đó có tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng đã tổ chức lực lượng quân tình nguyện và chuyên gia quân sự cùng sát cánh phối hợp với lực lượng yêu nước Cách mạng Lào hoạt động và chiến đấu theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Giúp bạn là tự giúp mình".

Cuối năm 1949, nhằm mở rộng cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trên toàn Đông Dương, Đảng Cộng sản Đông Dương chủ trương "mở rộng mặt trận Lào, Campuchia" để chi viện, phối hợp với Cách mạng Lào.

Ngày 30-10-1949, Bộ Chính trị Đảng ta quyết định tổ chức một bộ phận lực lượng vũ trang lấy tên là quân tình nguyện, chuyên gia quân sự giúp Cách mạng Lào. Đó là ngày truyền thống của lực lượng này trong 65 năm qua.

Hiệp hội Cựu chiến binh Lào tiếp đoàn đại biểu Ban Liên lạc quân tình nguyện và chuyên gia quân sự giúp Lào tại Đà Nẵng thăm nước CHDCND Lào năm 2011.
Hiệp hội Cựu chiến binh Lào tiếp đoàn đại biểu Ban Liên lạc quân tình nguyện và chuyên gia quân sự giúp Lào tại Đà Nẵng thăm nước CHDCND Lào năm 2011.

Từ năm 1948, Đảng ta đã có chủ trương tăng cường chi viện cho chiến trường Lào, Campuchia, trong đó Quân khu 5 là đơn vị đóng vai trò chủ chốt, giúp bạn xây dựng lực lượng và đấu tranh vũ trang, chủ động tiến công địch trên các chiến trường Bắc, Trung, Hạ Lào và Đông Bắc Campuchia. Theo yêu cầu của bạn, Nam Trung Bộ Việt Nam được Trung ương Đảng và Chính phủ ta giao nhiệm vụ phối hợp và giúp đỡ phong trào kháng chiến vùng Hạ Lào và Đông Bắc Campuchia.

Trên tinh thần đó, ngày 10-7-1948, thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ Việt Nam, đồng chí Phạm Văn Đồng ký quyết định thành lập Khu đặc biệt và cử một đơn vị quân đội Việt Nam sang nước bạn giúp huấn luyện quân đội Lào. Lực lượng quân đội tình nguyện Việt Nam được huy động từ các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam, Phú Yên, Khánh Hòa. Sau một tháng chuẩn bị, ngày 19-8-1948, đơn vị quân đội 2 nước Việt Nam - Lào làm lễ xuất quân theo lộ trình Quảng Ngãi, Quảng Nam, Lào.

Tháng 2-1949, Hoàng thân Xuphanuvông cử đồng chí Khămtàyxiphăngđon (sau này là Chủ tịch Đảng Nhân dân Cách mạng, Chủ tịch nước CHDCND Lào) và đồng chí Xithôncommađăm, Tổng chỉ huy Quân khu Hạ Lào đi cùng một trung đội Lào vượt Trường Sơn sang Việt Nam gặp đồng chí Phạm Văn Đồng trao Công hàm đề nghị Chính phủ Việt Nam giúp đỡ Lào thành lập Khu kháng chiến Hạ Lào. Nội dung được hai bên thỏa thuận có điều khoản: Phía bạn thành lập Khu Hạ Lào; phía ta giải thể Khu đặc biệt và thành lập phái đoàn Ủy ban kháng chiến - hành chính miền Nam Trung Bộ bên cạnh Khu Hạ Lào để giúp đỡ bạn.

Biểu tượng quân tình nguyện Việt Nam và bộ đội Pathet Lào trong Nghĩa trang liệt sỹ quân tình nguyện tại tỉnh Attapư (Lào).
Biểu tượng quân tình nguyện Việt Nam và bộ đội Pathet Lào trong Nghĩa trang liệt sỹ quân tình nguyện tại tỉnh Attapư (Lào).

Các xã Tam Dân, Tam Vinh, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam được chọn làm hậu cứ, căn cứ đứng chân với nhiệm vụ là hậu phương viện trợ vũ khí, quân trang, quân dụng, trực tiếp huấn luyện bộ đội, cung cấp chuyên gia quân sự giúp các đơn vị quân đội Việt Nam và Lào hoạt động trên chiến trường Hạ Lào – Đông Bắc Campuchia.

Phòng biên chính miền Nam Trung Bộ, gọi tắt là cơ quan Hạ Lào - Đông Bắc Campuchia (cơ quan 12) được thành lập để quản lý Khu Hạ Lào. Khoảng giữa năm 1950, thực hiện chỉ thị của Trung ương, Liên khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu 5 quyết định giúp Campuchia khôi phục và mở rộng phong trào ở các tỉnh Đông Bắc, phối hợp với các chiến trường Tây Nguyên và Hạ Lào.

Liên khu ủy đã chỉ định đồng chí Võ Chí Công, người con của quê hương Quảng Nam - Đà Nẵng, làm Bí thư kiêm Chính ủy Ban Cán sự khu Đông Bắc Campuchia; tăng cường thêm lực lượng quân sự, cán bộ để tăng cường chỉ đạo các hoạt động ở Đông Bắc Campuchia, đoàn gồm 2 tiểu đoàn và một số cán bộ dân vận, kinh tế...

Từ đó, căn cứ cách mạng ở các tỉnh Đông Bắc Campuchia đã nối liền với Hạ Lào và Tây Nguyên (Việt Nam). Trên cơ sở đó, ta đã tạo được một hành lang tương đối an toàn nối liền từ Hạ Lào, Tây Nguyên và các tỉnh Đông Bắc Campuchia. Quân và dân Nam Trung Bộ đã tích cực phối hợp với chiến trường bạn, đẩy mạnh cuộc kháng chiến tiêu hao nhiều sinh lực địch, giải phóng nhiều vùng đất đai gồm 4/5 khu vực Hạ Lào và 3/5 miền Đông Bắc Campuchia, góp phần giành thắng lợi quyết định, buộc địch phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954 về Đông Dương, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình, công nhận độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nhân dân vùng biên giới cũng như các đơn vị lực lượng vũ trang của mỗi bên đã tạo điều kiện cho nhau về mọi mặt, nhất là xây dựng và bảo vệ các tuyến hành lang, đường Hồ Chí Minh, góp phần đưa cuộc kháng chiến của mỗi nước đi đến thắng lợi.

Sau ngày miền Nam Việt Nam được hoàn toàn giải phóng (30-4-1975), thực hiện đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta, Đảng bộ và chính quyền tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng tăng cường quan hệ hợp tác với các địa phương thuộc Hạ Lào và Đông Bắc Campuchia. 

Sau khi chia tách đơn vị hành chính và trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng tiếp tục phát triển quan hệ hợp tác hữu nghị với các tỉnh Nam Trung Lào trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục... góp phần vun đắp thêm mối quan hệ truyền thống giữa hai nước mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thế hệ lãnh đạo Lào dày công vun đắp.

S.TRUNG

(tổng hợp từ tài liệu do Ban liên lạc quân tình nguyện và chuyên gia quân sự giúp Lào tại Đà Nẵng cung cấp)

;
.
.
.
.
.
.