.

GS Vũ Khiêu: Người không có ngày nghỉ

.

Mỗi khi nhớ về GS Vũ Khiêu, tôi luôn nghĩ tới hình ảnh một học giả lớn, một trí thức tiêu biểu, một nhà văn hóa có kiến thức sâu rộng; tác giả của gần trăm cuốn sách thuộc nhiều lĩnh vực: triết học, giáo dục, kinh tế, tôn giáo, văn hóa, lịch sử, đạo đức, mỹ học, tư tưởng Hồ Chí Minh.

GS Vũ Khiêu
GS Vũ Khiêu

1.

Ngược dòng thời gian, chàng trai Đặng Vũ Khiêu sinh năm 1915, quê ở làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Vũ Khiêu tốt nghiệp tú tài Trường Bonnal (Ngô Quyền - Hải Phòng), tham gia cách mạng và từng hoạt động trên các lĩnh vực: công tác Đảng, dân vận, chính quyền, quân đội và đối ngoại…

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Vũ Khiêu được phân công làm công tác tuyên huấn ở Khu 10, rồi Khu Việt Bắc, Tây Bắc, trực tiếp có mặt tại tiền tuyến từ Chiến dịch Biên giới năm 1950, đến Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Trong quá trình hoạt động, ông đã tập hợp và cùng làm việc với các văn sĩ, trí thức nổi tiếng như: Tô Ngọc Vân, Nguyễn Xuân Khoát, Thế Lữ, Thanh Tịnh, Đoàn Phú Tứ, Bùi Công Kỳ, Vũ Hoàng Địch, Trần Dần...

Sau năm 1954, Vũ Khiêu chuyển từ công tác tuyên huấn sang làm công tác nghiên cứu. Ông cũng tham gia giảng dạy triết học và lý luận khoa học xã hội cho các trường Đảng và các trường đại học. Năm 1959, ông làm Thư ký khoa học xã hội của Ủy ban Khoa học Việt Nam, sau đó được bổ nhiệm làm Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam. Ông là Viện trưởng đầu tiên của Viện Xã hội học, là người đặt nền móng cho sự phát triển của ngành xã hội học ở Việt Nam.

"Đọc tác phẩm của ông, trong dân tộc thấy thời đại, trong văn hóa thấy tư tưởng, trong văn thấy triết, trong lịch sử thấy bài học nhân văn…"

Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu nói về tác phẩm của GS Vũ Khiêu

Về hoạt động đối ngoại, Vũ Khiêu làm Trưởng đoàn Việt Nam tại Hội thảo phong tặng Hồ Chí Minh là con người hòa bình; tham gia thành lập Hội Xã hội học các nước XHCN; giúp Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên điều hành nhiều hội thảo quốc tế của UNESCO tại Việt Nam; cùng Giám đốc Trường Viễn Đông Bác cổ Pháp chủ trì nhiều cuộc hội thảo về Nho giáo tại Việt Nam và Paris (Pháp); được nguyên Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu, Chủ tịch Hội Khổng học thế giới mời làm cố vấn của Hội…

Cùng với các hoạt động thực tiễn, GS Vũ Khiêu còn viết gần 30 cuốn sách và tham gia biên soạn với tập thể khoảng 30 cuốn sách ở nhiều lĩnh vực: triết học, đạo đức học, văn học, nghệ thuật, văn hóa, xã hội, nghiên cứu và giới thiệu thơ văn và cuộc đời của một số thi hào... Nhiều tác phẩm của ông ca ngợi tư tưởng Mác Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Các tác phẩm của ông về vấn đề văn hóa gồm: Đẹp (1963), Anh hùng và nghệ sĩ (1972), Cách mạng và nghệ thuật (1979). Tác phẩm lớn nhất là Bàn về văn hiến Việt Nam - bộ sách ba tập, dày gần 1.500 trang. Ông là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu, trong đó có: Cao Bá Quát (1970), Ngô Thì Nhậm (1976), Nguyễn Trãi (1980), Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng của người trí thức Việt Nam (1980), Bàn về văn hiến Việt Nam (3 tập, năm 2000), Trường Sơn máu lửa, Vạn đại Anh hùng và Hồ Chí Minh, ngôi sao sáng mãi trên bầu trời Việt Nam (2012)…

Khi đọc những tác phẩm của GS Vũ Khiêu, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu nhận xét: “Đọc tác phẩm của ông, trong dân tộc thấy thời đại, trong văn hóa thấy tư tưởng, trong văn thấy triết, trong lịch sử thấy bài học nhân văn, thấy cả một người nghệ sĩ, một người anh hùng bình dị trong cuộc sống đời thường, trung thực, nặng tình với gia đình, bè bạn, với quê hương đất nước, một ngòi bút sắc sảo, thâm nho, trọng tình nghĩa, ghét thói xa hoa, phô trương, tham nhũng, lãng phí. Chủ nghĩa tháp ngà là kẻ thù đối với ông”.

2.

Bây giờ, sức khỏe của GS Vũ Khiêu không còn khỏe nhưng ông vẫn giữ được sự dẻo dai. Duy trì được phong độ ấy, ngoài sự “trời cho”, còn phần nhiều do sự rèn luyện của ông. Trong cuộc đời của mình, GS Vũ Khiêu không cho phép mình ngày nào ngơi nghỉ. Hồi trẻ cũng thế mà về già lại càng như vậy. Còn nhớ năm 2000, khi được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, GS Vũ Khiêu nói: “Vào tuổi 85, được nhận danh hiệu Anh hùng, tôi nghĩ rằng đã là anh hùng thì sao có thể có ngày nghỉ. Tôi lại quyết tâm trở về với công việc và nguyện từ đây cho đến lúc xuôi tay, tôi sẽ không có một ngày nào nghỉ”.

Đến năm 2010, nhân kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, được vinh danh là “công dân ưu tú của Thủ đô”, GS Vũ Khiêu tâm sự: “Với danh hiệu cao quý này, tôi lại không thể nghỉ ngơi được nữa. Năm nay, tôi đã 95 tuổi, nếu trời cho thọ tới 100 tuổi thì tôi vẫn còn 5 năm để sống và làm việc. Tôi dồn hết tâm huyết để tiếp tục phục vụ Tổ quốc, phục vụ Thủ đô”.

Ông đưa ra quyết tâm ấy và thực hiện một cách rốt ráo. Đêm ông cũng ngủ ít hơn và miệt mài với những công trình nghiên cứu. Ông luôn chạy đua với thời gian, dẫu vẫn biết “không ai bảo đến mà vẫn đến đó là trời, không ai bảo đi mà vẫn đi đó là mệnh”.

Thạc sĩ Dương Thị Thịnh, Trưởng Ban thư ký tại Văn phòng GS Vũ Khiêu, người gần chục năm nay giúp việc GS Vũ Khiêu, rất khâm phục và ngưỡng mộ sức làm việc hiếm có của ông, một nhà khoa học đã trăm tuổi. Theo thạc sĩ Thịnh, GS Vũ Khiêu luôn trân trọng từng giây, từng phút mà cuộc đời dành tặng cho mình. Ở cái tuổi xưa nay hiếm, thời gian của ông càng vô cùng quý giá. Ông luôn tâm niệm: Mình còn hơi thở thì còn tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp phát triển của nước nhà. Mỗi ngày, GS Vũ Khiêu chỉ ngủ khoảng 4-5 giờ. Buổi sáng, ông thường thức dậy lúc 5 giờ. Ông ngồi thiền khoảng 15 phút, rồi đi dạo quanh nhà để tận hưởng không khí trong lành của mỗi sớm mai. Sau khi tắm buổi sáng rồi ăn nhẹ, ông bắt đầu một ngày làm việc.

Ngày nào văn phòng của GS Vũ Khiêu cũng bộn bề công việc nhưng lịch làm việc của ông rất rõ ràng. Ông yêu cầu thư ký ghi rõ giờ phút cho từng cuộc hẹn trên cuốn lịch lớn ngay giữa bàn làm việc. Ông cũng sắp xếp và ghi rõ các công việc cần làm trước, làm sau trong cuốn sổ tay. Sau bữa cơm trưa, GS Vũ Khiêu rất hiếm khi chợp mắt. Ông thường ngả người trên ghế sofa hoặc nằm trên giường đọc báo. Mỗi trưa, ông đều đọc trên 10 tờ báo được gửi tới hằng ngày và nhiều bản tin tham khảo.

Buổi chiều là thời gian ông dành cho việc tiếp khách. Còn buổi tối, sau khi ăn cơm và trò chuyện cùng con cháu trong gia đình, ông còn xem thời sự, đọc cập nhật tin tức mới trên mạng về tình hình kinh tế, chính trị trong và ngoài nước. Nhưng một ngày làm việc của ông già bách niên vẫn chưa kết thúc. Ông còn lặng lẽ ngồi làm việc bên những trang sách rất khuya.

3.

Không chỉ là một nhà trí thức uyên bác, ưu thời mẫn thế, GS Vũ Khiêu còn là người có nhiều công trình nghiên cứu về giới trí thức Việt Nam từ xưa tới nay. Theo ông, điểm mạnh của người trí thức chân chính của Việt Nam là ở chỗ họ luôn gắn cuộc đời của mình với tiền đồ của dân tộc. Họ toàn tâm toàn ý vươn tới đỉnh cao của phẩm giá và trí tuệ con người. Họ ngày đêm suy nghĩ, phát minh và sáng tạo để mang lại phồn vinh cho Tổ quốc, danh dự cho dân tộc và lẽ sống cho bản thân mình.

GS Vũ Khiêu còn nổi tiếng với việc viết các bài phú, văn tế và câu đối nổi tiếng. Giới sáng tác văn học thơ ca cổ điển đã suy tôn ông như một bậc thầy về thể văn phú. Hồi trẻ, Vũ Khiêu đã viết hai bài phú được truyền tụng, đó là Truy điệu những lương dân chết đói (3-1945) và Văn tế anh hùng liệt sĩ của Cách mạng Tháng Tám (8-1946). Sau này, ông có tiếp: Phù Đổng Thiên Vương phú, Văn tế danh nhân văn hóa Nguyễn Quý Tân, Văn tế cụ Hoàng Trung Đặng Huy Trứ, Văn bia Lý Thái Tổ ở Hoa Lư…

GS Vũ Khiêu cũng đã soạn rất nhiều văn bia, văn tế, cùng hoành phi, câu đối tại rất nhiều đền thờ danh nhân và đài tưởng niệm liệt sĩ trong cả nước, để ca ngợi khí phách anh hùng, tâm hồn cao đẹp của các anh hùng đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

HOÀNG THU PHỐ

;
.
.
.
.
.