.
Sự thật khiếu kiện kéo dài ở Cồn Dầu

Bài cuối: "Không đi mới thật sự sai lầm"

.

Trước đây và bây giờ cũng vậy, nhiều người dân ở Cồn Dầu bị kích động, lôi kéo không để cho các ngành chức năng vào nhà kiểm định, áp giá đền bù với những lý do rất đơn giản: vào nơi ở mới lấy gì mà ăn; tiền điện, tiền nước, tiền thuế nhà đất cao ngất ngưỡng lấy gì mà trả. Hộ nào đi sẽ là sai lầm… Tuy nhiên, bây giờ phần lớn người dân ở Cồn Dầu đã ổn định ở nơi tái định cư, cuộc sống của họ đã bước sang trang mới, tương lai con cái họ đã sáng sủa hơn rất nhiều. Phần lớn giáo dân nơi đây mới nghiệm ra rằng “Không đi mới thật sự sai lầm”.

Một góc khu tái định cư của người dân thuộc khu vực Cồn Dầu, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ hôm nay.
Một góc khu tái định cư của người dân thuộc khu vực Cồn Dầu, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ hôm nay.

Ngồi nói chuyện “ngày xưa” ở Cồn Dầu với chị Nguyễn Thị Minh Cúc, vợ anh Thái Văn Liên, trong căn nhà rộng lớn và hoành tráng nhất nhì ở khu tái định cư, chúng tôi được biết, ngôi nhà này anh chị vừa xây dựng cách đây hơn một năm. Chị Cúc và anh Liên cũng là một trong số những hộ “chậm đi” để bàn giao mặt bằng cho dự án. Tuy nhiên, bây giờ, chị Cúc khẳng định rằng, lúc đó mà không quyết tâm đi thì chắc là sai lầm lớn nhất trong cuộc đời; bây giờ không có chỗ ở ổn định chứ nói gì đến nhà cửa khang trang, to đẹp như hôm nay.

Chị Cúc cho hay, vào nơi ở mới rồi mới thấy những gì trước đây mình nghe nói là sai lầm. Mấy năm trước, một số người nói, vào nơi ở mới lấy gì mà ăn; tiền điện, tiền nước, tiền thuế nhà đất cao ngất ngưỡng lấy gì mà trả. Phải ở lại giữ làng, giữ xóm. Bây giờ, chị Cúc quả quyết: “Có ở thực tế rồi mới thấy cái đúng, cái sai. Lên nơi ở mới, con cái đứa nào cũng trưởng thành hơn; bạn bè, người thân muốn đến nhà chơi lúc nào cũng được. Chứ hồi ở nơi cũ khổ cực không thể tả, trời chưa mưa đã ngập, mùa mưa đi đâu làm gì cũng phải đi ghe; đưa con cái đi học cũng luôn phập phồng lo lắng vì sợ đuối nước. Có trận lụt, nhà ngập gần 2 mét, không có chỗ để nấu ăn chứ nói chi đến một giấc ngủ ngon!”.

Đưa chúng tôi đi tham quan các tầng trên của ngôi nhà mới, chị Cúc kể: “Vào nơi ở mới, có làm gì thì làm nhưng chỉ làm một việc, chứ hồi ở dưới đó, lam lũ cả ngày với hàng trăm công việc của đồng áng, thấy trời mưa tìm gàu tát nước ra; đang dặm lúa thì suy nghĩ sáng mai phải làm gì, trồng rau hay cuốc đậu, thời tiết có thuận lợi không… Còn giá cả dịch vụ, người ta nói cao ngất ngưỡng là không đúng, theo tôi, nó giống như việc chi tiêu hằng ngày, mua cá to thì phải trả tiền nhiều, mua cá nhỏ thì trả tiền ít; tiền điện, tiền nước cũng vậy thôi, dùng nhiều trả nhiều, dùng ít trả ít, giá cả được quy định chung rồi, chứ đâu phải ở khu tái định cư giá cả đắt đỏ đâu”.

Rời gia đình chị Cúc, anh Liên, chúng tôi chạy xe máy trên những con đường nhựa rộng thênh thang, hai bên đường là những dãy nhà cao tầng để đến thăm gia đình ông Đoàn Cảng - một giáo dân Cồn Dầu. Nghe hỏi chuyện về cuộc sống nơi ở mới, ông Đoàn Cảng khẳng định, nếu được giải tỏa sớm hơn thì đứa con trai lớn của mình không thất học như bây giờ. Hồi đó, do làm nông, cuộc sống bấp bênh, hằng ngày luôn phải lo cơm áo, gạo tiền nên đứa con trai đầu của ông chỉ học hết lớp 9 phải nghỉ học. “Vào khu tái định cư, gia đình mới có điều kiện hơn về kinh tế, đường sá đi lại thuận lợi, trường lớp được xây dựng khang trang, nên đứa con gái thứ hai của tôi mới có điều kiện học tập và đã thi đậu đại học, gia đình tôi mới có đủ tiền để nuôi con ăn học”, ông Cảng cho biết.

Ở khu tái định cư, cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ; điện, đường, trường, trạm được thành phố xây dựng khang trang. Đề cập về vấn đề này, ông Cảng cho hay: “Bây giờ, gia đình chúng tôi ổn định nơi ở mới, hằng ngày tập trung làm ăn, tích lũy cho con cái sau này, chứ không phải lo chạy bão, chạy lũ như trước đây nữa. Tôi nói như thế để khẳng định rằng, có một số người vì mục đích nào đó mà rêu rao rằng “chính quyền địa phương luôn gây khó khăn, nhà cửa bị cày ủi xới tung, sống trong cảnh màn trời, chiếu đất, trẻ con không nơi học hành, người già không chỗ dựa lưng, không biết làm gì để sinh sống” là hoàn toàn không đúng với thực tế, là cái nhìn lệch lạc, thiếu khách quan”.

Cuộc sống của người dân ở Cồn Dầu bây giờ đã thực sự đổi thay một cách tích cực, nhờ vào chính sách đền bù thỏa đáng, kết cấu hạ tầng được đầu tư xây dựng đồng bộ, khang trang, điều kiện sinh sống tốt hơn rất nhiều so với nơi ở cũ. “Việc này đến đây là thấy chứ đâu phải cây kim, sợi chỉ đâu mà giấu kín đi rồi để nói sai sự thật”, ông  Đoàn Cảng khẳng định.

Cũng cảm nhận về cuộc sống mới ở nơi tái định cư, cụ bà Lê Thị Thái, 94 tuổi, ở tổ 64, phường Hòa Xuân nở nụ cười hiền từ cho biết: “Về đây sướng gấp trăm lần so với nơi ở cũ, được ở nhà tầng, con cái có điều kiện chăm sóc cho mình tốt hơn. Nếu còn ở nơi cũ, chắc gì tôi còn sống đến bây giờ”.

Thực tế đã cho thấy, trong những năm qua, mặc dù tình hình kinh tế trong nước và trên thế giới gặp không ít khó khăn, nhưng thành phố Đà Nẵng đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng để san lấp mặt bằng, xây dựng hạ tầng theo hướng hiện đại; quan tâm lo lắng để người dân vùng trũng từ bao đời nay không còn phải chịu cảnh lụt lội; không để cho cái đói, cái nghèo đeo bám nhiều gia đình; tạo điều kiện tốt nhất để con em vùng đất này được đến trường, đến lớp mà không phải nghỉ học giữa chừng do đò giang cách trở…

Chính nhờ những chủ trương đúng đắn của Đảng bộ, chính quyền thành phố, sự ủng hộ của đa số các tầng lớp nhân dân mà vùng đất thấp trũng ngập lụt năm nào ở Cồn Dầu bây giờ đã bừng lên sức sống mới. Ông Nguyễn Văn Toàn, Chủ tịch UBND phường Hòa Xuân cho hay, hiện đã có hơn 97% hộ đã chấp hành di dời, giải tỏa; trong số đó có hơn 98,4% hộ dân trên địa bàn đã xây dựng nhà ở tại khu tái định cư. Các cơ sở hạ tầng phục vụ dân sinh như điện, đường, trường, trạm, chợ; trụ sở làm việc các cơ quan, đơn vị đã hoàn tất. Đời sống nhân dân đã đi vào ổn định, diện mạo Hòa Xuân đã mang dáng dấp của một đô thị hiện đại.

“Tính đến thời điểm bây giờ, có lẽ Hòa Xuân là phường duy nhất của thành phố Đà Nẵng và của cả nước không có đường kiệt, hẻm, đường nhỏ nhất cũng được 5,5 mét; đồng thời, Hòa Xuân cũng là phường duy nhất của thành phố Đà Nẵng có khu phố nhà thờ các tộc họ hoành tráng nhất hiện nay”, ông Nguyễn Văn Toàn, Chủ tịch UBND phường Hòa Xuân cho biết.

Bài và ảnh: NGỌC KHANG HUY

;
.
.
.
.
.