.

Mọi hành động đơn phương tại Trường Sa đều xâm phạm chủ quyền Việt Nam

.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình

Chiều 11-9, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc Trung Quốc đang tiến hành các hoạt động phi pháp tại đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình cho biết:

“Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Trường Sa. Mọi hành động đơn phương của nước ngoài nhằm làm thay đổi hiện trạng ở khu vực này đều là xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam; vi phạm nghiêm trọng Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), làm phức tạp thêm tình hình ở Biển Đông và khu vực”.

Trước đó, trong bài phóng sự “Nhà máy tạo đảo của Trung Quốc” đăng trên BBC ngày 9-9, phóng viên Rupert Wingfield Hayes - người đã thực hiện chuyến tác nghiệp trên tàu cá Phillipines để tìm hiểu các cáo buộc đối với Trung Quốc về hành vi cải tạo các bãi đá ngầm, xây đảo trái phép tại Biển Đông cho biết: Trung Quốc đã có hành vi cải tạo đất quy mô lớn tại bãi đá ngầm Nam Johnson (khu vực đảo Gạc Ma thuộc chủ quyền Việt Nam) từ tháng 1-2014. Hàng triệu tấn đất cát đã được nạo vét từ đáy biển để đắp lên các rạn san hô, tạo thành một đảo mới.

Philippines vào tháng Năm công bố hình ảnh Trung Quốc xây dựng bãi Gạc Ma.
Philippines vào tháng Năm công bố hình ảnh Trung Quốc xây dựng bãi Gạc Ma.

Tại hiện trường, phóng viên Rupert Wingfield-Hayes còn thấy một hòn đảo to hơn nữa, nơi đang là một công trường nhộn nhịp.

Đây là nơi mà chính phủ Philippines tin rằng Trung Quốc đang xây dựng một bãi đáp máy bay.

Việc xây dựng các đảo mới được cho là bước đi nhằm tạo cơ sở cho các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh.

Trong buổi họp báo hôm thứ Ba, BBC đã hỏi bà Hoa Xuân Oánh - phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc - tại sao Trung Quốc triển khai việc cơi nới đảo này.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc trả lời: "Chúng tôi đã trả lời câu hỏi này nhiều lần trước đây, và tôi cho rằng quí vị đã nhận thức đầy đủ về lập trường của Trung Quốc".

Khi được hỏi liệu việc bồi đất đảo là để sử dụng cho thương mại hay quân sự, bà Hoa Xuân Oánh trả lời rằng đó là "chủ yếu với mục đích cải thiện điều kiện làm việc và sinh sống của người dân đồn trú trên các hòn đảo này".

Khi BBC chỉ ra rằng vùng đất cơi nới là mới được triển khai, bà Oánh từ chối giải thích thêm và nói: "Tôi đã trả lời câu hỏi của quí vị".

Việc thi công dường như đã diễn ra nhiều tháng. Vào tháng Năm, Philippines công bố hình ảnh duờng như cho thấy việc Trung Quốc cải tạo bãi đá Johnson South (bãi Gạc Ma) và nói rằng có vẻ như Trung Quốc đang xây dựng một đường băng .

VOV/BBC

;
.
.
.
.
.