.

Cống hiến lặng thầm

.

Có thể bắt gặp hình ảnh của họ ở quán nước ven đường, trên vỉa hè, ở chợ hay thậm chí ngoài đồng ruộng, nơi họ đang trò chuyện với các chị em phụ nữ về chuyện sinh nở. Họ là 364 cộng tác viên (CTV) dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) của 11 xã thuộc huyện Hòa Vang đã và đang âm thầm cống hiến sức lực của mình ở một lĩnh vực tưởng dễ nhưng lại khó vô cùng, nhất là ở vùng nông thôn.

Bà Hồng (bìa phải) đang tư vấn cho người dân những kiến thức về DS-KHHGĐ ở quán nước ven đường.
Bà Hồng (bìa phải) đang tư vấn cho người dân những kiến thức về DS-KHHGĐ ở quán nước ven đường.

Đi từng nhà, rà từng ngõ

“Cô kia có đứa con gái đã 6 tuổi rồi, đang dự định sinh đứa nữa nhưng một năm rưỡi rồi mà chưa được. Còn chị này có con dâu đã 3 năm rồi mà vẫn chưa có động tĩnh gì…”, bà Chế Thị Hồng (SN 1955, thôn Cẩm Toại Tây, xã Hòa Phong) kể cho chúng tôi nghe rành rọt hoàn cảnh của từng gia đình. Gia đình nào có biến động, chị em nào có khó khăn trong chuyện sinh nở bà đều nắm rõ và thuộc làu làu như lòng bàn tay.

Thôn Cẩm Toại Tây là thôn có dân số đông thứ hai ở xã Hòa Phong với 399 hộ và chỉ có 2 CTV dân số. Như vậy, một mình bà Hồng phải đảm đương đến... 200 hộ dân. Không biết đi xe máy, ấy vậy mà giữa trưa nắng nóng, bà vẫn cố gắng đến từng hộ dân, bởi “ban ngày họ đi làm đồng, buổi trưa họ về nghỉ ngơi nên mình phải tranh thủ”. Nhiều khi, biết họ sẽ từ chối tham gia các chương trình truyền thông, bà phải đạp xe đến tận nhà chở đi. Vất vả là vậy nhưng bà luôn nghĩ: “Thời chiến mình còn xông pha chiến đấu thì thời bình mấy khó khăn này có nề hà gì. Hơn nữa, mình tham gia hoạt động xã hội cho vui vẻ, thoải mái”. Bà Hồng từng tham gia kháng chiến và đã được Nhà nước tặng Huân chương Kháng chiến hạng nhì. Những năm qua, bà luôn được xã, huyện tặng giấy khen vì những thành tích xuất sắc trong công tác DS-KHHGĐ.

Với người dân thôn Lệ Sơn 1, xã Hòa Tiến, CTV dân số Lê Thị Liên (SN 1983) luôn là người được tín nhiệm trao gởi những điều khó nói về sinh nở, quan hệ vợ chồng của các chị em phụ nữ nơi đây. Làm nghề buôn bán tự do nên đi đến đâu, làm gì, chị Liên nói vui rằng: “Tôi nhìn đâu cũng ra đối tượng mình cần tư vấn, quan tâm”. Nhiều khi gia đình có giỗ chạp, thấy mấy chị đang trong độ tuổi sinh nở, chị kéo lại khéo léo hỏi han chuyện chồng con nên đôi lúc mọi người lại chọc chị mắc “bệnh nghề nghiệp” quá nặng. Những lúc như thế, chị Liên lại tủm tỉm cười và lòng lâng lâng vui sướng vì mình đã làm được điều có ích.

Khó khăn trong tư vấn

“Làm nghề này không có đam mê thì không thể làm được. Hơn nữa, phải xác định là có hồi cực hồi sướng nhưng cực nhiều hơn sướng”, chị Liên chân thành thổ lộ. Với mức hỗ trợ 330.000 đồng/tháng, các CTV dân số đều có chung suy nghĩ, làm công tác DS-KHHGĐ là để tự mang lại niềm vui cho mình và cho mọi người.

So với trước đây, công tác tư vấn, tuyên truyền DS-KHHGĐ hiện nay có nhiều khó khăn. Chị Liên kể, nhiều gia đình đã có hai con, hoặc có con một bề thường muốn sinh thêm vì sợ có chuyện gì không hay thì gia đình neo người. Trong quá trình tư vấn, chị Liên nhiều khi gặp phải những trường hợp oái ăm chỉ biết cười trừ tự an ủi. “Có lần tôi vô tới nhà để chở họ đi triệt sản như đã hứa, nhưng tới nơi thì họ tìm đủ lý do từ chối, đôi khi bực lên mắng mình nữa. Rồi chở đi triệt sản thì mình lo từ chở đi chở về, mua đồ ăn uống, chuyện sinh hoạt trong những ngày đầu”, chị Liên nói. Nói thì nói vậy, nhưng chỉ cần một vài người hiểu và cảm thông cho công việc đặc thù của chị thì bao mệt mỏi cũng không là gì.

Những cán bộ quản lý công tác DS-KHHGĐ trên địa bàn thành phố luôn dành một tình cảm đặc biệt cho các CTV dân số Hòa Vang, bởi hơn ai hết họ thấu hiểu những gian nan mà các chị đã và đang trải qua. Ông Hồ Tấn Lợi, Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Hòa Vang nhìn nhận: “Trong những năm qua, dù địa bàn rộng, dân cư làm nông nghiệp có trình độ học vấn không cao như ở nội thành, nhưng các CTV dân số của huyện Hòa Vang đã luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ. Tại những cuộc họp giao ban hằng tháng, các CTV đều có báo cáo và tôi nhận thấy họ nắm rất sát, quản lý và giải quyết tốt những vấn đề nảy sinh ở địa bàn. Dù cũng gặp nhiều khó khăn, có công chuyện gia đình riêng nhưng bao giờ các CTV cũng luôn đặt nhiệm vụ DS-KHHGĐ lên hàng đầu và đều có kế hoạch cụ thể. Đó là điều rất đáng quý”.

Bài và ảnh: BÌNH AN

;
.
.
.
.
.