.

Ấm lòng hai tiếng "đồng hương"

.

“Trước giờ lên máy bay, tâm trạng chúng tôi háo hức nhanh chóng được trở về quê hương. Ai đi xa cũng rất nhớ quê hương, chỉ cần nghe giọng Quảng đâu đó thôi đã xôn xao nỗi nhớ nhà. Một điều anh em đồng hương Quảng Nam-Đà Nẵng luôn dặn lòng, đó là sẽ không làm bất kỳ điều gì khiến quê hương buồn!”.

Ông Trần Công Cảnh (thứ 3, từ phải sang) chia sẻ câu chuyện cuộc đời mình với các ông bố bà mẹ đang chăm con bị ung thư tại Bệnh viện Phụ sản-Nhi.
Ông Trần Công Cảnh (thứ 3, từ phải sang) chia sẻ câu chuyện cuộc đời mình với các ông bố bà mẹ đang chăm con bị ung thư tại Bệnh viện Phụ sản-Nhi.

1. Lần thứ 4 trở về để phẫu thuật miễn phí sứt môi hở vòm miệng trẻ em và chuyển giao kỹ thuật tại Bệnh viện Phụ sản-Nhi vào sáng 25-8, bác sĩ Nguyễn Văn Đẩu, Trưởng khoa Răng-Hàm-Mặt, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP. Hồ Chí Minh), Chủ tịch Hội đồng hương Quảng Nam-Đà Nẵng tại TP. Hồ Chí Minh, xúc động với cảm giác thân thương, ấm áp mỗi lần được đặt chân về Đà Nẵng. Cũng vì hai tiếng quê hương mà nhiều năm nay, bác sĩ Đẩu đã vận động tổ chức Smile Train (Mỹ) hỗ trợ kinh phí, và bản thân ông sẵn sàng gác những bộn bề để về Đà Nẵng “nối” lại nụ cười cho nhiều bé thơ. Từ dự án này, trong 2 năm qua, tròn 100 bệnh nhi khu vực miền Trung-Tây Nguyên đã được bác sĩ Nguyễn Văn Đẩu và các cộng sự phẫu thuật sứt môi, hở vòm tại Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng. 100 nụ cười được trả lại tròn trịa trên đôi môi các bé, 100 niềm hạnh phúc dâng tràn trong những gia đình từng chịu nỗi đau khi con khiếm khuyết. Và rất nhiều niềm vui nhân lên mỗi ngày trong trái tim người thầy thuốc nặng lòng với quê nhà.

Đợt phẫu thuật lần này kéo dài từ ngày 25 đến 27-8 với 31 bệnh nhi. Có bé còn rất nhỏ, chỉ 3 tháng tuổi; ngược lại có những em đã chờ cuộc phẫu thuật này suốt 8 năm ròng. Khác với những lần trở về trước đây, chuyến đi này, bác sĩ Đẩu còn mời Hội đồng hương QN-ĐN tại Bình Phước tham gia cùng. Ông Trần Công Cảnh (69 tuổi), Chủ tịch Hội đồng hương QN-ĐN tại Bình Phước cũng là một con người bao năm miệt mài làm từ thiện. Thế nên, lời mời gọi của bác sĩ Đẩu nhanh chóng thành chiếc cầu nối để đưa một người con xa quê như ông trở về…

2. Người đàn ông giờ đã gần tuổi 70, làn da rám nắng và dáng vẻ còn rất nhanh nhẹn “khoe” rằng dù đôi chân đã bị chiến tranh lấy mất, đi lại bằng “đồ giả”, nhưng chuyện ngược xuôi chắc ông không thua ai. Ông là Trần Công Cảnh, từng nằm trong top 100 doanh nhân tiêu biểu của Việt Nam năm 2013. Tốt nghiệp Cử nhân Báo chí Viện Đại học Vạn Hạnh (năm 1974), sau đó lấy bằng Cử nhân Hóa hữu cơ Trường ĐH Khoa học (thuộc viện ĐH Sài Gòn), từng giữ một vài vị trí quan trọng trong lĩnh vực giáo dục, rồi chuyển sang kinh doanh vàng bạc đá quý thuộc Công ty SJC TP. Hồ Chí Minh, để giờ đây là chủ nhân của rừng cao su trên 100ha và quản lý 50 công nhân, nhưng ông Cảnh tự nhận tài sản của mình chỉ như cái “móng tay” của các đại gia Việt khác. Tiền kiếm được cũng vừa đủ để ông làm những việc… “tào lao”.

Trước khi về Đà Nẵng đợt này, ông Cảnh vận động cô bác, anh chị em trong hội đồng hương số tiền 55 triệu đồng. Trong đó, 40 triệu dành tặng các ngư dân QN-ĐN; 15 triệu tặng các cháu phẫu thuật sứt môi, hở vòm miệng. Tuy vậy, về tới quê nhà, ông còn kêu gọi người quen là chị Hồ Thị Ngọc Nga (335 Hùng Vương) và vợ chồng chị Đặng Thị Chiến (306 Nguyễn Phước Nguyên, Đà Nẵng) số tiền 10 triệu đồng để tặng các cháu đang điều trị ung thư tại Bệnh viện Phụ sản-Nhi.

Ở khu điều trị trẻ sứt môi, ông Cảnh đưa máy ảnh nhờ người viết chụp giúp vài tấm lưu niệm ông với các cháu. Đến khu chăm sóc bệnh nhi ung thư, tôi hỏi ông có cần chụp giúp nữa không, bất ngờ ông bảo: “Tôi ghét cảnh này lắm!” Đôi mắt sau cặp kính của ông chợt ngân ngấn nước. Nỗi u buồn ùa về trong ông cùng nỗi nhớ con da diết…

Ba trong bốn người con của ông Cảnh đã mất vì ung thư máu. Tất cả các con ông đều là học sinh giỏi cấp quốc gia, học trường năng khiếu và đều ra đi vì chung một căn bệnh. Đã có những ngày đau đớn đến tột cùng, ông chỉ biết tìm quên trong cơn say. Giờ đây, niềm ủi an tuổi già của ông là người con duy nhất còn lại hiện là kỹ sư phần mềm của tập đoàn Google tại Mỹ. Bên cạnh đó, công việc thiện nguyện giúp trẻ em nghèo khiến ông thấy đời trong trẻo hơn. Ông thường xuyên lui tới những nơi điều trị bệnh nhi ung thư để tặng quà; ông sẵn sàng tự bỏ ra 2,5 tỷ đồng xây trường học cho trẻ em vùng sâu vùng xa (trường Trần Cao Vân, xã Minh Đức, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước) và rất… rất nhiều việc làm tương tự như thế ông đã dành cho trẻ em. Như buổi sáng 25-8, khi thấy ông có mặt ở bệnh viện, một bà mẹ chạy đến nhờ quan tâm tới hoàn cảnh đứa con bị bại não của mình, lập tức ông rút trong túi ra biếu chị 1 triệu đồng mà không hề lăn tăn do dự.

Với tư cách là Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh tỉnh Bình Phước, Ủy viên Trung ương Hội Sinh vật cảnh Việt Nam, ông Trần Công Cảnh còn nhận trách nhiệm trồng và bảo hành cây cảnh cho Trường Sa Lớn với kinh phí mỗi năm 50 triệu đồng do ông tự chi trả. Khó kể hết những hoạt động thiện nguyện của ông Cảnh, chỉ có thể tóm gọn trong một danh xưng mà Bộ Lao động-Thương Binh và Xã hội đã dành cho ông: “Nhà tài trợ tiêu biểu”.

Trên chuyến xe cùng ông rong ruổi làm từ thiện, có người nói: “Anh Cảnh cứ ráng làm chuyện “tào lao” như ri đi cho bà con nhờ”. Ông đáp lại bằng nụ cười trên gương mặt đã hằn vết tuổi tác và không quên nhắc mọi người: “Cho tôi không dùng hai tiếng “từ thiện” trên quê hương mình. Hãy nói là “chia sẻ”. Bởi chúng ta là đồng hương, hạnh phúc là được cùng chia sẻ những buồn vui, ngọt bùi”.

Bài và ảnh: THU HOA

;
.
.
.
.
.