.

Ngôi nhà trong mơ

.

“Có nằm mơ cô cũng không nghĩ mình được ở trong ngôi nhà khang trang như thế này”, bà Trương Thị Hạnh (64 tuổi) vợ cố Anh hùng LLVTND Lê Minh Trung, nắm chặt tay tôi và nói.

Bà Trương Thị Hạnh nâng niu bức ảnh ông Lê Minh Trung được Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trao bảng vàng tri ân trong chuyến ra Hà Nội ngày 22-12-2009.
Bà Trương Thị Hạnh nâng niu bức ảnh ông Lê Minh Trung được Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trao bảng vàng tri ân trong chuyến ra Hà Nội ngày 22-12-2009.

Nhìn qua căn nhà còn thua nhà cấp bốn bên cạnh, nơi gia đình đã sống hơn 10 năm nay, rồi nhìn lại nhà mới, bà Hạnh vẫn chưa hết ngỡ ngàng. Căn nhà mới được thiết kế theo mô hình nhà chống bão, rất vững chãi với hai tầng, rộng 90m2.

Năm 2002, vợ chồng bà Hạnh chính thức chuyển từ huyện Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) ra Đà Nẵng sinh sống (nay là tổ 8, phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà). Ông Lê Minh Trung là Trung tá quân đội nghỉ hưu, Anh hùng LLVTND, nguyên Huyện đội phó Huyện đội Điện Bàn, thương binh ¾, 4 lần được phong dũng sĩ diệt Mỹ, được tặng thưởng 3 Huân chương chiến công và nhiều huân chương, huy chương khác, 2 lần là chiến sĩ thi đua toàn quốc… Với những thành tích ấy, vợ chồng bà hoàn toàn có thể xin hỗ trợ để có một nơi ở tốt. Ấy vậy mà hằng chục năm, vợ chồng bà và ba người con sống trong căn nhà tuềnh toàng đến nỗi trời mưa thì dột khắp nơi, phải giăng áo mưa tìm chỗ ngủ. Bà Hạnh kể: “Anh ấy (ông Trung - PV) bao giờ cũng nói với mọi người rằng mình ở vậy được rồi, nhiều người khác còn cực khổ gấp trăm ngàn lần”.

Năm xảy ra bão Xangsane năm 2006, nhà bà mái đi đường mái, nhà đi đường nhà. Với đôi chân bước thấp bước cao, ông Trung nhặt nhạnh những mảnh tôn chỗ rách chỗ lành về lợp lại căn nhà. Chưa bao giờ ông đòi hỏi bất kỳ quyền lợi nào cho mình, kể cả đó là quyền lợi hoàn toàn chính đáng.

 “Nếu không có Nhà nước hỗ trợ 60 triệu đồng thì chắc tôi không dám liều làm nhà. Nhà này là nhà tình nghĩa, nhà “hợp tác xã” vì mỗi viên gạch, mỗi thanh gỗ… đều có sự chung tay giúp sức của Đảng, chính quyền, của anh em, họ hàng”, bà Hạnh xúc động nói. Rồi bà lại lo lắng khi nghĩ đến số tiền 200 triệu đồng nợ ngân hàng và 50 triệu đồng nợ công thợ vẫn chưa biết đến ngày nào mới có thể trả. Bà Hạnh tự an ủi: “Thôi kệ, mình ráng ráng tí thì chắc cũng tới lúc trả được…”.

Trong suốt mấy tháng vất vả ngược xuôi làm nhà, lắm lúc bà ngã bệnh vì kiệt sức. Khi ấy, sự quan tâm của các cấp chính quyền là liều thuốc tinh thần vô giá đối với bà, từ tổ dân phố đến lãnh đạo thành phố đều đôn đốc các đơn vị cố gắng hoàn thành nhà sớm.

Sống trong căn nhà mới có tiếng cười của con cháu, của hàng xóm ghé thăm mỗi ngày nhưng trong thâm tâm, bà Hạnh chưa khi nào thôi nhớ chồng. Suốt một đời khổ cực, đến lúc ông lâm trọng bệnh cũng chỉ được chăm sóc trong căn nhà tối tăm, ẩm thấp. Bà bảo, mai mốt dọn dẹp nhà đâu vào đấy, sẽ treo tất cả những huân chương, bằng khen, ảnh của ông lên để khi nào cũng thấy ông ở nhà, vui vầy cùng bà và cháu nhỏ.  

Bài và ảnh: BÌNH AN

;
.
.
.
.
.