.

Ngành Y tế cùng ngư dân bám biển

.

Sáng 24-7, tại Âu thuyền Thọ Quang (Đà Nẵng), Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đến thăm và tặng 253 tủ thuốc cùng các thiết bị y tế sơ cấp cứu cho Nghiệp đoàn Nghề cá thành phố.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trao tủ thuốc cho ngư dân thành phố Đà Nẵng.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trao tủ thuốc cho ngư dân thành phố Đà Nẵng.

Phát biểu tại buổi gặp mặt, Bộ trưởng Y tế cho biết toàn ngành Y đã phát động phong trào “Cùng ngư dân bám biển”, đồng thời triển khai Đề án Y tế biển đảo bao gồm: tăng số lượng các trung tâm cứu nạn, cứu hộ và y tế biển; đầu tư thêm 30 tàu cấp cứu, cứu nạn cho các vùng ven biển, v.v… Qua đó, phấn đấu đến năm 2020, 100% người lao động trên các tàu biển, nhà giàn có kiến thức tự bảo vệ sức khỏe và biết kêu gọi sự trợ giúp khi có tình huống cấp cứu. Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến yêu cầu Sở Y tế thành phố thường xuyên kiểm tra các trạm y tế trong việc hướng dẫn bà con ngư dân sử dụng, luân chuyển, bổ sung thuốc; đề nghị chính quyền địa phương thực hiện nghiêm các quy định an toàn khi tàu xuất bến, bảo đảm 100% tàu cá được trang bị tủ thuốc theo quy định.

Là một trong những chủ tàu vinh dự được nhận tủ thuốc cùng các thiết bị sơ cấp cứu, anh Nguyễn Văn Dưỡng (47 tuổi), chủ tàu ĐNA 90598TS, cho biết: “Tôi đánh cá ở ngư trường Hoàng Sa từ năm 15 tuổi, đã hơn 30 năm bám biển nhưng chừ mới thấy một tủ thuốc dành cho ngư dân đầy đủ như vậy. Tàu của tôi có 11 lao động, trước đây mỗi chuyến ra khơi, tôi chỉ ra tiệm thuốc mua vài loại thông thường như cảm, đau bụng. Nhiều lúc gặp tình huống thuyền viên đau bệnh chi đó mà mình không có thuốc chuẩn bị thì coi như chuyến nớ thiếu lao động làm việc”. Anh Dưỡng nói thêm, biết là thuốc mang theo rất quan trọng, nhưng vì những người làm biển như anh nếu được hỏi chuyện mực, cá sẽ nói ào ào, còn đụng đến thuốc thì đành chịu. Vì thế, lâu nay anh không trang bị tủ thuốc trên tàu không phải vì vấn đề tiền bạc đầu tư cho tủ thuốc và vì không có kiến thức về y tế.

Cũng như trường hợp của anh Dưỡng, anh Đặng Ngọc Cường, chủ tàu ĐNA 90409TS, không sắm tủ thuốc vì “biết thuốc chi mà mua”. Anh Cường cho biết, bệnh các thuyền viên thường mắc phải trên mỗi chuyến biển là bị ngứa. Những lúc như vậy, cách các anh “chữa bệnh” cho mình là uống sẵn “thuốc ngứa” được chuẩn bị từ nhà, còn chứng bệnh đó xuất phát từ dị ứng hay viêm da hay từ nguyên nhân nào thì các anh không cần biết.

Điều các chủ tàu quan tâm lúc này là thuốc có rồi, các thiết bị sơ cấp cứu như băng bông, nhiệt kế, nẹp máng, nẹp cổ, panh không mấu, máy đo huyết áp, ống nghe, v.v… đã được trang bị, nhưng làm thế nào để sử dụng các vật dụng này hiệu quả. Anh Dưỡng và anh Cường cùng chia sẻ: “Chúng tôi mong muốn toàn bộ ngư dân đánh bắt xa bờ đều được tập huấn hoặc hướng dẫn ứng phó với các tình huống sơ cấp cứu trên tàu. Như vậy, nếu chúng tôi có phải tự đi mua thuốc và dụng cụ cũng biết loại nào cần thiết và sẽ sử dụng ra làm sao, trong tình huống nào”.

Trước đó, chiều 23-7, nhân dịp kỷ niệm 67 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và đoàn công tác đến thăm, tặng quà cho 3 gia đình chính sách tại Đà Nẵng gồm: trao quà và tiền cho hai Bà mẹ Việt Nam anh hùng: Nguyễn Thị Liền (SN 1923, phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu), có chồng và con gái là liệt sĩ; và Nguyễn Thị Hiệp (SN 1927, K7/21 Quang Trung, quận Hải Châu), có chồng và con trai là liệt sĩ. Hai mẹ đang được Bệnh viện C Đà Nẵng phụng dưỡng. Đồng thời, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến trao quà cho gia đình ngư dân Võ Văn Em (trú quận Sơn Trà), con liệt sĩ.

Bài và ảnh: THU HOA

;
.
.
.
.
.