.
KỶ NIỆM 85 NĂM NGÀY THÀNH LẬP CÔNG ĐOÀN VIỆT NAM (28-7-1929 – 28-7-2014)

Giải thưởng tôn vinh Chủ tịch Công đoàn cơ sở

.

Sẽ thành truyền thống, bắt đầu từ lễ trao “Giải thưởng 28-7” lần thứ 1 năm 2014, cứ 5 năm/2 lần, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Đà Nẵng tổ chức tôn vinh những Chủ tịch Công đoàn cơ sở (CĐCS) tiêu biểu đạt thành tích xuất sắc, thực sự là chỗ dựa tin cậy của người lao động, góp phần quan trọng vào việc xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ tại đơn vị, bảo đảm tốt môi trường đầu tư của thành phố.  

Công nhân Công ty CP Dệt-may 29-3 yên tâm lao động, sản xuất vì có tổ chức Công đoàn bên cạnh. Ảnh: NGỌC YẾN
Công nhân Công ty CP Dệt-may 29-3 yên tâm lao động, sản xuất vì có tổ chức Công đoàn bên cạnh. Ảnh: NGỌC YẾN

50 gương mặt tiêu biểu đầu tiên

Lễ trao “Giải thưởng 28-7” lần thứ 1 - năm 2014 là một trong những hoạt động chào mừng kỷ niệm 85 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28-7-1929 - 28-7-2014), nhằm cổ vũ, khích lệ cán bộ Công đoàn các cấp, đặc biệt là Chủ tịch CĐCS nỗ lực nhiều hơn nữa trong việc đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; phối hợp với chuyên môn phát động các phong trào thi đua lao động sản xuất, quyết tâm hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ, chỉ tiêu kinh tế-xã hội của từng đơn vị. “Giải thưởng 28-7” khẳng định vai trò quan trọng của Chủ tịch CĐCS, bởi CĐCS luôn là tuyến đầu của hoạt động Công đoàn.

Những cán bộ Công đoàn cấp này là người tổ chức, triển khai thực hiện mọi hoạt động, phong trào do Công đoàn cấp trên phát động tới đoàn viên Công đoàn. Do đó, mỗi Chủ tịch CĐCS vừa là đại diện cho quyền lợi hợp pháp, chính đáng, vừa cần trở thành thủ lĩnh của người lao động; là cầu nối người lao động với chủ doanh nghiệp, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, bền vững; nhưng đồng thời là địa chỉ tin cậy của chủ DN, đầu tàu tổ chức các phong trào thi đua gắn với nhiệm vụ của từng đơn vị, hỗ trợ chuyên môn vượt qua khó khăn, duy trì việc làm, bảo đảm đời sống cho người lao động.

Ông Nguyễn Đức Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ thành phố, cho biết: Chủ tịch CĐCS đã phát huy tốt vai trò vừa là đại diện cho quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động, vừa là cầu nối người lao động với chủ doanh nghiệp, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, bền vững, góp phần tạo ra những thay đổi tích cực trong từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Rất khó khăn để chọn lựa ra 50 anh, chị trong số gần 1.300 Chủ tịch CĐCS hiện có trên địa bàn, vì vậy đây thật sự là những tấm gương tiêu biểu, xuất sắc”.

Trong 50 Chủ tịch CĐCS xuất sắc tiêu biểu được vinh dự nhận “Giải thưởng 28-7” đợt này có nhiều anh, chị đã gắn bó với phong trào công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) và hoạt động Công đoàn trên 20 năm, có người ít hơn nhưng họ đều là những người tâm huyết với hoạt động Công đoàn, tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động Công đoàn cho phù hợp tình hình sản xuất, kinh doanh của đơn vị; thực sự là chỗ dựa tin cậy của người lao động; tạo sự đồng thuận của người sử dụng lao động để hoạt động Công đoàn tại cơ sở khởi sắc, mà đích cuối cùng hướng đến là chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, giúp đơn vị, doanh nghiệp phát triển bền vững. Các anh, các chị cũng tích cực vận động, triển khai các hoạt động xã hội từ thiện, kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ người lao động vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống; chia sẻ với các mảnh đời khó khăn trên tinh thần tương thân, tương ái...

Như người thân trong gia đình

Nói về động lực để các anh, chị gắn bó với “nghiệp” Công đoàn, phần lớn Chủ tịch CĐCS đều xem như là “cái duyên”. Anh Nguyễn Văn Phúc, Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản miền Trung, cho hay: “Càng có điều kiện tiếp xúc với nhiều hoàn cảnh gia đình của công nhân, trong lòng tôi luôn suy nghĩ tìm mọi biện pháp để có thể giúp đỡ được công nhân của mình, khi thì đề xuất những chính sách có lợi hơn cho người lao động, vận động cán bộ, nhân viên hỗ trợ những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn hoặc chỉ là những lời thăm hỏi, động viên, nhưng tôi luôn cảm nhận được những ánh mắt ấm áp, tình người chân thành của công nhân dành cho mình.

Đó cũng chính là nguồn động viên, động lực cho tôi tiếp tục thực hiện công việc của mình”. Gần 30 năm “ăn cơm” Công đoàn, có lúc anh Phúc thay mặt gia đình đoàn viên đứng ra làm chủ hôn cho 2 công nhân tại đơn vị nên duyên, hỗ trợ đôi vợ chồng mới cưới kinh phí thuê nhà trong vòng 6 tháng, tạo mọi điều kiện tốt nhất ở nơi làm việc để đoàn viên của mình có thu nhập ổn định, nâng cao đời sống, vượt qua khó khăn... Đó chính là tâm huyết, là sự thấu hiểu và chia sẻ với công nhân thì mới có thể song hành cùng họ trên mọi chặng đường.

Chị Trần Thị Hải Lê, Chủ tịch CĐCS Công ty TNHH Daiwa Việt Nam, một Chủ tịch CĐCS có tuổi đời còn khá trẻ, cho biết: “Để có hoạt động Công đoàn vững mạnh, trước hết có sự nhận thức của giới chủ về Công đoàn. Doanh nghiệp và Công đoàn ví như hai bánh xe của một chiếc xe, phải lăn cùng nhau với một nhịp độ. Có như thế mới giúp doanh nghiệp phát triển vững bền”.

Chị Hải Lê cùng Ban Chấp hành CĐCS đã sát cánh với công ty giải quyết tất cả các vấn đề phát sinh, xây dựng môi trường làm việc thân thiện, người lao động yên tâm sản xuất. Cũng vì thế, Ban Chấp hành CĐCS Công ty TNHH Daiwa Việt Nam luôn nhận được sự hỗ trợ, phối hợp tốt từ phía người sử dụng lao động để tổ chức các hoạt động chăm lo đời sống người lao động…

Dù ở vị trí công tác nào, họ đều là những người đang ngày đêm làm việc với tất cả nghị lực và ý chí vượt qua mọi khó khăn, trở ngại để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Hy vọng “Giải thưởng 28-7” sẽ là nguồn động viên để cán bộ Công đoàn các cấp, đặc biệt là Chủ tịch CĐCS tiếp tục vững bước, chăm lo cho người lao động và là địa chỉ tin cậy của chủ doanh nghiệp, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định.

Bài và ảnh: NGỌC YẾN

;
.
.
.
.
.