.
Sổ tay

Kỹ năng tư vấn cho người nghiện

.

“Cùng với việc điều trị cắt cơn, giải độc, điều trị các bệnh nhiễm trùng cơ hội, lao động trị liệu, học nghề và phòng, chống tái nghiện, trong suốt thời gian học viên cai nghiện tại trung tâm, việc triển khai các hoạt động giáo dục, tư vấn nhóm, tư vấn cá nhân là một trong những yếu tố quan trọng để cai nghiện đạt hiệu quả.

Thông qua các cuộc tư vấn, đội ngũ cán bộ, viên chức mới có thể tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của học viên từ đó giúp học viên tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, nhận thức được hậu quả, tác hại của việc nghiện ma túy, không tái nghiện, tái phạm”. Đó là đánh giá của ông Phạm Tạo, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục - Dạy nghề 05-06.

Theo ông Tạo, để tư vấn thành công, tư vấn viên cần quan tâm lắng nghe ý kiến, thắc mắc của học viên, bảo mật thông tin và an toàn của khách hàng, không phán xét, tôn trọng khách hàng và gắn kết với các dịch vụ khác nhằm bảo đảm quyền lợi cho khách hàng. Trước hết, cán bộ tư vấn cần tạo mối quan hệ thân thiện, gần gũi với học viên, phải tạo cho học viên niềm tin vào cán bộ, từ đó học viên mới dễ dàng chia sẻ. Do thiết lập được mối quan hệ gần gũi với học viên, nên có nhiều trường hợp học viên chấp hành tốt các nội quy, quy định của trung tâm và được về phép thăm gia đình, quay trở lại trung tâm đúng thời gian quy định để tiếp tục cai nghiện. Nhiều học viên chia sẻ không dám liên lạc với bạn bè vì sợ lại bị lôi kéo vào con đường sử dụng ma túy. “Nếu không xây dựng mối quan hệ, không hiểu được tâm tư, nguyện vọng của học viên thì liệu học viên có tin tưởng chia sẻ những vấn đề đó không. Bởi vậy, kỹ năng tư vấn rất quan trọng đối với đội ngũ cán bộ, viên chức, người lao động của trung tâm nói chung và đặc biệt là đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý, giáo dục học viên”, ông Tạo nói. Bên cạnh đó, để đẩy mạnh công tác tư vấn, trung tâm đã xây dựng bộ phận tư vấn, định kỳ hằng tuần tổ chức tư vấn cho học viên và để hiểu thêm về học viên. Trung tâm còn duy trì đều đặn việc tổ chức tư vấn hằng tháng cho gia đình học viên.

Lý thuyết luôn nhấn mạnh kỹ năng lắng nghe, nhưng thực tế các cuộc tư vấn, việc vận dụng kỹ năng lắng nghe còn gặp nhiều khó khăn, bởi các học viên chưa có sự hợp tác với cán bộ tư vấn, chỉ trả lời qua loa, chiếu lệ các câu hỏi. Đôi khi cán bộ tư vấn sử dụng các câu hỏi đóng, mang tư tưởng áp đặt đối với học viên nên đôi lúc việc khai thác thông tin của học viên còn khó khăn, dẫn đến chất lượng của cuộc tư vấn chưa cao. Nói về vấn đề này, chị Lê Duy Phương - tư vấn viên của trung tâm, có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của học viên và được tham dự các khóa tập huấn thường xuyên chia sẻ: “Các cuộc tư vấn đã góp phần nâng cao nhận thức cho học viên về tác hại, hậu quả của việc sử dụng ma túy, giúp học viên vượt qua cảm giác thèm ma túy, biết cách từ chối, nói không với ma túy; trang bị cho học viên kỹ năng làm sao có thể đương đầu với áp lực bạn bè xấu muốn lôi kéo quay trở lại con đường sử dụng ma túy và trang bị kỹ năng phòng chống tái nghiện”.

Tuy nhiên, theo chị Phương, để góp phần tư vấn thành công, ngoài việc nắm vững các lý thuyết, kỹ năng chuyên môn, cần vận dụng kinh nghiệm trong phương pháp tư vấn đối với từng học viên, tìm hiểu nguyên nhân học viên sử dụng ma túy, những khó khăn, vướng mắc hiện nay và cùng học viên tháo gỡ, định hướng tương lai. Khi tư vấn, nhiều học viên không nói đúng sự thật, chưa có sự hợp tác với cán bộ tư vấn. Bên cạnh đó, do trình độ chuyên môn, năng lực không đồng đều nên buổi tư vấn chưa đạt hiệu quả như mong đợi.

THỦY NGÀ

;
.
.
.
.
.