.

Phải quay về thôi!

.

“Câu nói ấy cứ vang lên trong đầu, thôi thúc tôi quyết tâm từ bỏ chất trắng chết người, trở về làm người đàng hoàng để ngẩng lên sống với đời”, Nguyễn Luyến (SN 1981) - tấm gương cai nghiện ma túy thành công sau 5 năm không tái nghiện của phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu - trải lòng.

Nguyễn Luyến (phải) kể về những ngày đấu tranh với chính mình để vượt qua bóng tối.
Nguyễn Luyến (phải) kể về những ngày đấu tranh với chính mình để vượt qua bóng tối.

Tuổi trẻ “nổi loạn”

Sinh ra trong gia đình khá giả, Nguyễn Luyến bắt đầu tập tành hút hít khi bước chân vào năm thứ nhất giảng đường đại học. “Lúc đó, tôi không suy nghĩ gì nhiều, thấy bạn bè “chơi” thì mình “chơi” để tụi nó nể phục. Rồi sau đó, dính vào nó (ma túy - PV) lúc nào không hay, muốn dứt ra cũng không được”, Luyến kể.

Lúc đó (năm 1998), Luyến có trong tay tới 7 chiếc xe máy toàn loại xịn, nhưng rồi từng chiếc lần lượt ra đi vì “nàng tiên nâu”. Túng thiếu, cậu sinh viên bán hết những gì mình có và lừa dối ba mẹ các khoản tiền học để tiếp tục ăn chơi. Sự đòi hỏi càng ngày càng nhiều của cậu con trai duy nhất khiến ba mẹ sinh nghi ngờ. “Đến khoảng năm thứ 4, gia đình mới phát hiện. Biết tin này, ba mẹ tôi rất sốc. Mẹ tôi đi làm ăn xa, hằng ngày gọi điện về khóc lóc, động viên. Tôi cũng hơi xiêu lòng. Nhưng đỉnh điểm để tôi chấp nhận đi cai nghiện là do tự ái. Không có tiền hút, đôi lúc phải ngửa tay xin bạn bè. Tự dưng thấy khó chịu và nghĩ tại sao mình dính vào nó để rồi nhục thế này. Và từ đó, tôi có ý định từ bỏ thử xem sao”, Luyến tâm sự.

Sau thời gian cai nghiện 2 năm (2006-2007) tại Trung tâm Giáo dục - Dạy nghề 05-06, Luyến hết nghiện và trở về gia nhập cộng đồng.

Gian nan nói “không” với tái nghiện

Nguyễn Luyến chia sẻ, ngày nay có rất nhiều bạn trẻ không chỉ hút heroin mà còn chơi một thứ chết người khác: “đập đá”. Nếu lỡ bước vào con đường này rồi thì hãy tìm mọi cách để quay về. Có nhiều yếu tố để cai nghiện thành công như sự tác động của gia đình, bạn bè, xã hội… nhưng trên hết là tự chính bản thân mình phải có ý chí vượt qua. Một điều đáng lưu ý nữa là phải nắm bắt được tâm lý của người nghiện, giúp họ hòa nhập với cộng đồng chứ đừng “bắt lên rồi thả về” thì không có ý nghĩa gì cả, họ sẽ quay lại chơi một lần rồi không dứt ra được.

“Ai đã từng nghiện đều biết rằng, cai nghiện được đã khó, nhưng để không tái nghiện là điều khó hơn rất nhiều!”, Luyến nói. Theo anh, những ngày đầu cai nghiện, ai cũng muốn trốn về vì không chịu nổi khi lên cơn… Nhưng dần dần, được bác sĩ cho thuốc thì họ cũng tạm vượt qua được. Tuy nhiên, sau khi trở về nhà, họ khó giữ được mình. Trước hết, do mặc cảm bản thân nên những người từng nghiện không tiếp xúc với ai và cũng chẳng ai chơi với họ ngoài đám bạn cùng hội cùng thuyền ngày xưa. Vì thế, nếu bị rủ rê thì ngay lập tức lại dính “nàng tiên trắng”.

Nghĩ về giai đoạn đó, Luyến vẫn thấy sợ. Anh kể: “Lúc mấy đứa bạn rủ đi chơi, nhìn tụi nó hút, tôi nổi da gà và cơn thèm lại ập đến... Tôi phải chạy vào nhà tắm, dội nước ào ào. Khó khăn lắm tôi mới đủ dũng khí để bỏ chạy khỏi nơi đó”. Sau nhiều ngày nằm nhà, Luyến bắt đầu suy nghĩ về cuộc đời mình…

Luyến lao vào công việc. Ban đầu làm photocopy, cắt dán biển quảng cáo, sau đó chuyển sang bán quán cà-phê. Công việc kinh doanh đôi khi không như mong muốn, nhưng ý chí đã giúp anh vượt qua tất cả. 7 năm kể từ ngày trở về, giờ đây Luyến có một quán cà-phê nhỏ, kinh doanh ổn định. Trên hết tài sản đáng quý của anh lúc này là một gia đình hạnh phúc cùng vợ và hai đứa con.

Trở thành tấm gương cai nghiện ma túy thành công sau 5 năm không tái nghiện của phường Hòa Khánh Bắc (quận Liên Chiểu), Luyến cho biết, để có được điều đó, anh đã vượt qua được chính mình bằng ý chí, sự kiên trì và quyết tâm làm lại cuộc đời.

Hãy đến với chúng tôi
Đừng mặc cảm! Hãy bắt đầu cuộc sống mới

Nếu bạn có nhu cầu tư vấn cai nghiện ma túy, hãy đến với Văn phòng tư vấn Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội thành phố Đà Nẵng để được tư vấn, giúp đỡ, giới thiệu các hình thức cai nghiện và các biện pháp quản lý để giúp người nghiện ma túy có cơ hội từ bỏ ma túy.

Văn phòng tư vấn Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội trực thuộc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố Đà Nẵng.

Địa chỉ: số 55 Thủ Khoa Huân, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng.

Điện thoại: 05113 910.506 hoặc 05113 986.644

Thời gian làm việc: từ 7 giờ 30 đến 17 giờ các ngày từ thứ hai đến thứ sáu hằng tuần.

Bài và ảnh: NGỌC HÀ

;
.
.
.
.
.