.

Nên thành lập Tòa án sơ thẩm khu vực

.

ĐNĐT - Đây là ý kiến nêu ra tại Hội nghị lấy ý kiến góp ý Dự án Luật tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), do Đoàn ĐB Quốc hội đơn vị Đà Nẵng và Tòa án nhân dân (TAND) thành phố tổ chức sáng 11-4.

Trưởng Đoàn ĐB Quốc hội đơn vị Đà Nẵng Huỳnh Nghĩa  chủ trì hội nghị
Trưởng Đoàn ĐB Quốc hội đơn vị Đà Nẵng Huỳnh Nghĩa chủ trì hội nghị

Trưởng Đoàn ĐB Quốc hội đơn vị Đà Nẵng, Phó Chủ tịch HĐND thành phố, Chủ tịch Hội đồng tuyển chọn Thẩm phán thành phố Đà Nẵng Huỳnh Nghĩa chủ trì hội nghị.

Có 4 vấn đề lớn được nêu ra lấy ý kiến góp ý. Theo đó, về tổ chức TAND sơ thẩm trong TAND, nhiều đại biểu đồng tình với phương án thành lập TAND sơ thẩm khu vực vì sẽ góp phần khắc phục những hạn chế, bất cập của cơ cấu tổ chức TAND cấp quận, huyện hiện nay. Bên cạnh đó, việc tổ chức TAND sơ thẩm khu vực là tiền đề để đổi mới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng và sự giám sát của HĐND đối với tổ chức hoạt động của TAND theo hướng thực chất, hiệu quả hơn. Điều này cũng phù hợp với chủ trương không tổ chức HĐND cấp quận, huyện mà thành phố Đà Nẵng đang triển khai thực hiện khá hiệu quả.

Ngoài ra, có đại biểu cho rằng, TAND cấp huyện hiện nay không tổ chức theo lĩnh vực xét xử nên khó khăn trong việc đầu tư, đào tạo chuyên ngành cho các thẩm phán, chánh án, phó chánh án…, ảnh hưởng đến chất lượng công tác của tòa án, đặc biệt là giải quyết, xét xử các loại vụ việc đòi hỏi chuyên môn sâu và những kỹ năng nghiệp vụ đặc thù như: lĩnh vực đất đai, sở hữu trí tuệ, kinh doanh thương mại…

Về nhiệm kỳ của thẩm phán, nhiều ý kiến cho rằng, Thẩm phán TAND tối cao được bổ nhiệm không kỳ hạn và nhiệm kỳ của thẩm phán khác là 10 năm. Về tuổi làm việc, nhiều ý kiến trao đổi xoay quanh nội dung tuổi làm việc của Thẩm phán theo hướng kéo dài hơn so với những người làm việc trong cơ quan hành chính Nhà nước khác vì thẩm phán là nghề đặc biệt, rất cần những người có kinh nghiệm lâu năm trong công tác xét xử. Tuy vậy, cũng có ý kiến cho rằng, đối với thẩm phán có đủ điều kiện và nguyện vọng tiếp tục công tác thì có thể kéo dài tuổi làm việc nhưng không quá 5 năm so với quy định của pháp luật lao động về tuổi nghỉ hưu. 

Được biết, Dự thảo dự án Luật tổ chức TAND (sửa đổi) có 11 chương, 80 điều.

* Chiều cùng ngày, Đoàn ĐB Quốc hội đơn vị Đà Nẵng, Cục Thi hành án dân sự thành phố tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự.

Phát biểu tại hội nghị, ông Huỳnh Nghĩa khẳng định, thi hành án dân sự (THADS) có vai trò quan trọng trong hoạt động tố tụng nói chung và quá trình giải quyết vụ án nói riêng. Đây là công đoạn cuối cùng của hoạt động tố tụng, bảo đảm cho bản án, quyết định của tòa án được chấp hành nghiêm chỉnh, góp phần tăng cường tính nghiêm minh của pháp luật, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân và Nhà nước. Xuất phát từ thực tế này, việc sửa đổi, bổ sung Luật THADS là nhiệm vụ quan trọng nhằm hoàn thiện thể chế về THADS, tiếp tục tạo chuyển biến cơ bản, bền vững, tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác THADS, thi hành án hành chính, góp phần bảo đảm thực hiện quy định của Hiến pháp năm 2013.

Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận và có nhiều ý kiến đóng góp cho dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật THADS. Một số đại biểu cho rằng, ngoài các quyết định thuộc thẩm quyền ban hành của tòa án (quyết định miễn, giảm thi hành án, quyết định đình chỉ thi hành án trong trường hợp đã kháng nghị bản án, quyết định theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm), tòa án chỉ cần ra một loại quyết định mang tính chất quyền lực tư pháp đó là quyết định đưa bản án, quyết định ra thi hành, qua đó cũng xác nhận bản án, quyết định đã có hiệu lực thi hành. Các loại quyết định khác trong quá trình THADS chỉ mang tính chất hành chính, thuộc về nghiệp vụ THADS thì do cơ quan, tổ chức THADS thực hiện.

Nhiều ý kiến cho rằng, cần bổ sung quy định trong Luật THADS theo hướng ngoài các khoản tiền phải thi hành theo bản án, quyết định của Tòa án, cứ mỗi ngày chậm thi hành thì người phải thi hành án phải nộp ngân sách Nhà nước 0,05% trên tổng số tiền chưa thi hành án theo bản án, quyết định. Cách làm này sẽ giảm được tình trạng án tồn đọng trong thời gian dài là do nhiều trường hợp người phải thi hành án mặc dù có điều kiện thi hành án nhưng không tự nguyện, cố tình trì hoãn việc thực hiện nghĩa vụ thi hành án của mình.

Các ý kiến tại hội nghị được tập hợp và kiến nghị lên kỳ họp Quốc hội trong thời gian đến.

Việt Dũng - Mai Trang

;
.
.
.
.
.