.

Hành trình cùng tàu cứu nạn

.

Kỳ cuối: Sứ mệnh nơi đầu sóng

“Đi vùng giáp ranh (hải phận giữa nhiều quốc gia-PV) cá nhiều lắm, nhưng cũng rất nguy hiểm đối với ngư dân của mình. Tàu thuyền hoạt động trong thời tiết xấu càng dễ bị sự cố”, bác sĩ Trần Ngọc Quang (Danang MRCC) cho biết.

Ngư dân bị nạn được chăm sóc trên tàu.
Ngư dân bị nạn được chăm sóc trên tàu.

Chuyến đi cứu nạn ở vùng biển Hoàng Sa mà tôi có dịp đi theo là một trong số hàng trăm vụ việc SAR lên đường làm nhiệm vụ. Bão Chanchu - một thử thách đối với người trong nghề. Trong ký ức của nhiều ngư dân Đà Nẵng, cơn bão thật khủng khiếp.Hai tàu SAR thường trực thay nhau ra quần thảo giữa vùng biển lớn để tìm những nạn nhân xấu số. Hàng chục thi thể ngư dân lúc đó do để lâu trong điều kiện tạm bợ, xác đã phân hủy trong những chiếc thùng phuy nước cắt đôi vì không còn thứ gì để đựng. Các thủy thủ phải nhảy vào thùng nước mò từng tử thi lên để dùng rượu, nước clo “tắm rửa” sạch sẽ đưa về đất liền..

“Anh em chúng tôi dù đang trong giấc ngủ cũng luôn thường trực tâm lý sẵn sàng rời bờ chứ không có khái niệm đi được hay không đi”, anh Trần Duy Hòa, một thủy thủ trẻ cho hay. Trong đêm giao thừa Tết Dương lịch vừa rồi, thông tin báo về một con tàu của Công ty CP Vận tải biển Việt Nam bị chìm trên vùng biển Thừa Thiên - Huế. Trong điều kiện gió mùa đông bắc cấp 8-9 lực lượng của MRCC bất chấp nguy hiểm, tức tốc lao đi trong đêm tối. Tàu SAR vừa tới nơi cũng là lúc 28 thuyền viên tàu bị nạn đang cận kề giữa sự sống và cái chết. Với những trường hợp ngư dân bị đau ruột thừa cấp trong vòng 24 tiếng đồng hồ không cứu chữa kịp thời thì mạng sống khó giữ được. Đây là điều mà những người cứu nạn luôn áy náy khi phương tiện trang bị còn hạn chế. Nhiều anh em thủy thủ chia sẻ: Làm nghề này mong muốn cao nhất là kịp thời cứu được tất cả những trường hợp, kể cả nặng nhất, thì mình mới thanh thản. Cái tâm của người trong nghề không thể bỏ ngoài tai những tiếng khẩn cứu trong vô vọng. Nếu để sót một ai đó trên biển là coi như chưa hoàn thành nhiệm vụ.

Người thuyền trưởng lâu năm Phan Xuân Sơn nhận định: Trước đây bão chỉ ở cấp 13, gió mùa cấp 7 là cao nhất, bây giờ bão vượt đến cấp 17, gió mùa thì cấp 9-10. Thời tiết khắc nghiệt như vậy đòi hỏi qua mỗi chuyến đi cần tích lũy thêm kinh nghiệm, còn thực tế không theo một giáo trình nào biên soạn sẵn. Nhiều lúc gặp thời tiết xấu, các “anh nuôi” trên tàu SAR nấu bữa trưa phải dùng hai tay giữ cái nồi lắc lư suốt thời gian đủ để cơm canh chín. Thế mà nụ cười mọi người vẫn lạc quan: “Đi cứu nạn đừng nghĩ đến bữa cơm đàng hoàng. Hôm nào sóng gió “ác” quá thì cả tàu xé mì tôm nhai sống rồi uống nước… cho đỡ đói”. Tôi còn nhớ khi nhiệm vụ đưa người bệnh vào bờ gần như đã hoàn tất, nhóm thủy thủ trẻ còn nhắc nhau “nhớ ngày mai đi hiến máu ở phường Thọ Quang đó nghe…”.

Ông Trần Văn Long, Giám đốc Danang MRCC trăn trở: Nhiều khi cùng thời điểm có tới vài sự cố ảnh hưởng đến tính mạng ngư dân báo về, lúc đó phải căng thẳng phân tích, phán đoán diễn biến mới có thể đi đến quyết định cuối cùng - cứu ai? Có thời điểm tàu xuất cảng 3 lần để đi cứu ngư dân bị tai nạn. Đã 2-3 năm trở lại đây không ít lần SAR bị tàu Trung Quốc bám đuổi, cản trở. Trước những tình huống khó lường, đòi hỏi người chỉ huy trên tàu vững vàng tâm lý và dũng cảm. “Thực ra ngư dân ở đâu, tàu SAR vươn tới đó. Mình làm nghĩa vụ nhân đạo thì dù chúng có truy cản, chúng tôi vẫn không sợ, bởi đây là vùng biển chủ quyền của Việt Nam”, thuyền trưởng Sơn khẳng định. Cũng mới đây nhất, trong chuyến vượt sóng cứu ngư dân hồi tháng 2-2014, phía tàu Trung Quốc từng phát ra thông báo yêu cầu tàu SAR rời khỏi biển, “cần gì chúng giúp”, nhưng người thuyền trưởng già dặn kinh nghiệm đã nhanh trí đáp lời lại bằng tiếng Anh: “Chúng tôi là tàu cứu nạn, đang đi làm nhiệm vụ. Chúng tôi không cần giúp gì cả”.  

Hoàng Sa là ngư trường rộng, rất giàu sản vật biển, vì thế ngư dân Việt Nam không ngại khó khăn, khổ ải vươn thuyền ra tọa độ 17o 45N - 114o08E – cách đất liền 500 - 600km. Và thực tế, hoạt động đánh bắt của ngư dân còn xa hơn thế nữa. Điều mà những người làm công tác cứu nạn đau đáu là giá như chúng ta có thêm nhiều phương tiện, trang thiết bị hiện đại hơn nữa, sẵn sàng làm điểm tựa cho ngư dân an tâm vươn khơi nơi đầu sóng…

Hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới trên nóc tàu SAR cũng như trên mỗi tàu cá của ngư dân Việt Nam mà tôi bắt gặp trong suốt chặng đường ra Hoàng Sa thật tự hào. Nó là minh chứng khẳng định vùng biển đảo chủ quyền Việt Nam chúng ta là đây.

Đà Nẵng, tháng 4-2014

Danang MRCC thuộc Trung tâm tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam hiện có 2 tàu SAR 412 và 271 phụ trách địa bàn trải dài từ đèo Ngang (Quảng Bình, Hà Tĩnh) đến Bình Định, Phú Yên; trong đó SAR 421 có khả năng vươn xa hơn 271. Chỉ tính từ năm 2013 đến tháng 4-2014, Danang MRCC đã trực tiếp cứu 64 người và phối hợp ứng cứu gần 806 người trên biển với tổng số lượt tàu điều động 18 lần. Danang MRCC và tàu SAR được tặng hàng chục bằng khen, giấy khen của Chính phủ, bộ, ngành Trung ương và địa phương…

Bài và ảnh: DUYÊN ANH

;
.
.
.
.
.